(LĐ online) - Cái nghèo đeo bám và sự thiếu hiểu biết đã khiến nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rơi vào "bẫy nợ" lãi suất cao...
(LĐ online) - LTS: Cái nghèo đeo bám và sự thiếu hiểu biết đã khiến nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rơi vào “bẫy nợ” lãi suất cao. Không ít gia đình đã lâm vào cảnh trắng tay khiến cuộc sống bỗng chốc bị đảo lộn và để lại hệ luỵ lâu dài.
|
Bà Ma Tơn (63 tuổi) và con gái Ma Khương (46 tuổi) trước ngôi nhà xiêu vẹo. Đem tiền đi cho vay nhưng không được trả lại, miếng vườn của hai mẹ con sắp phải bán đi để trả nợ ngân hàng |
Những ngày qua, hàng chục hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn K’Răng Chớ (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương) và thôn Bon Rơm (xã N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng) như “ngồi trên đống lửa”. Mảnh vườn làm sinh kế của cả gia đình bao năm nay giờ có nguy cơ mất trắng bởi một nguyên nhân thoạt nghe rất khó hiểu: Đổ nợ vì cho vay.
Theo tìm hiểu, có ít nhất 40 gia đình tại 2 địa phương nêu trên đã cầm cố tài sản cho ngân hàng để vay tiền. Sau đó, họ dành từ 20% đến 90% số tiền vay được cho một số đối tượng vay lại với lời hứa hẹn trả lãi xuất cao. Khi ngân hàng báo nợ xấu, nhiều hộ bị kiện ra toà nhưng họ không thể đòi lại khoản nợ mình đã cho người khác vay.
“Vay ké” rồi không trả
Trung tuần tháng 12/2020, thông qua một người có uy tín trong xã, tôi mới gặp được bà Ma Tơn (63 tuổi) và còn gái là Ma Khường (46 tuổi), là một trong những hộ nghèo trong thôn K’Răng Chớ (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương).
Trong căn nhà cấp 4 mái tôn xiêu vẹo, ngoài chiếc ti vi thì không còn tài sản gì đáng giá. Bi ai hơn, cả hai mẹ con Ma Tơn, Ma Khương đều là thiếu phụ mất chồng, không biết chữ. Khi gặp người lạ, họ tỏ ra ái ngại, khó khăn để diễn đạt câu chuyện của mình.
Chị Ma Khương kể: Cả gia đình 5 người sống dựa vào vườn cà phê rộng gần 1,5 ha nằm cách nhà chưa đầy 1 km. Năm 2016, gia đình cần tiền để đầu tư sản xuất nên Ma Khường bàn với mẹ thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để vay khoảng 100 triệu đồng.
“Biết gia đình tôi cần tiền, bà Toue Prong Loan (50 tuổi) là trong thôn, tới nhà nói cứ vay ngân hàng đi rồi cho vợ chồng bà vay lại và hứa sẽ trả tiền lãi hàng tháng và trả tiền gốc sau 1 năm. Tin tưởng bà Loan, sau nhiều lần được bà Loan hướng dẫn để vay ngân hàng bằng thế chấp tài sản, tôi và mẹ cho bà Loan vay lại với số tiền lên hơn 500 triệu đồng, có viết giấy tay. Thế nhưng, bà Loan chỉ trả được tiền lãi thời gian đầu rồi không trả cả lãi và gốc như lời hứa mà cứ hẹn hết lần này tới lần khác. Ngân hàng đã thông báo đòi nhiều lần nhưng bán vườn đi thì mình không có gì làm ăn để sống” – chị Ma Khương chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ với mẹ con chị Ma Khương, bà Tou Prong Nai Hồng (53 tuổi, ngụ thôn K’Răng Chớ), cho biết: Năm 2017, thông qua bà Toue Prong Loan, gia đình bà đã thế chấp sổ đất để vay Agribank chi nhánh Ka Đô. “Ban đầu, ý định hai vợ chồng tôi chỉ vay khoảng 100 triệu đồng để làm vườn. Sau đó, bà Loan tới nhà nói cho vay “ké” vài trăm triệu để đáo hạn ngân hàng, tiền lãi hàng tháng bà Loan sẽ trả đầy đủ. Tôi đồng ý vì gia đình Loan giàu có, lại là người trong thôn nên không nghĩ sẽ bị lừa” – bà Hồng kể lại.
Trong tổng số tiền vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng thông qua thế chấp tài sản, bà Hồng cho vợ chồng bà Loan vay lại số tiền 900 triệu đồng. Hai năm nay, bà Loan không trả tiền, trong khi chồng bà Hồng đã 62 tuổi ốm yếu, bản thân bà thị lực kém không thể đi làm thuê. Hai vợ chồng còn phải nuôi 2 đứa con của chị gái và 1 người con ruột khiến kinh tế gần như kiệt quệ.
Theo tìm hiểu, bà Loan lấy cớ vay tiền để đáo hạn ngân hàng rồi đề nghị nhiều người dân trong thôn thế chấp tài sản vay tiền ngân hàng rồi cho bà vay lại, sau đó không trả tiền lãi và gốc cho người dân như lời hứa. Không chỉ dừng lại ở thôn K’Răng Chớ, tại Thôn Bon Rơm (xã N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng), bà Toue Prong Loan cũng khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh “tán gia bại sản”.
Bà Cil Pam Ka Ben (62 tuổi, ngụ thôn Bon Rơm) hiện đang nợ ngân hàng số tiền gần 1 tỷ đồng. Trước đó, dù không quen biết nhưng qua một vài lần nói chuyện, bà Ka Ben đã cho bà Loan vay nhiều lần với số tiền 780 triệu đồng. “Bà Loan hứa trả cả tiền gốc và tiền lãi khi nói cho vay “ké”, nhưng rồi không chịu trả. Họ vay không chịu trả khiến gia đình phải bán miếng vườn để trả dứt nợ ngân hàng” – bà Ka Ben rơm rớm nước mắt nói.
Theo hồ sơ chúng tôi có được, tại xã N’Thôn Hạ có ít nhất 6 gia đình rơi vào hoàn cảnh như bà Ka Ben. Còn tại xã Ka Đơn có hơn 30 gia đình đang cũng đang túng quẫn vì nợ nần. Đây chỉ là con số người dân phản ánh với chúng tôi, trong khi đó, số hộ dân vì ngại đụng chạm chưa lên tiếng có lẽ không dừng lại ở con số trên.
|
Vợ chồng bà Cil Pam Ka Ben và ông Kơ Sã Ha Trang (ngụ thôn Bon Rơm, xã N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng) phải bán miếng vườn để trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, số tiền đem cho vay giờ không biết đến khi nào mới lấy lại được |
Sử dụng vốn vay sai mục đích
Ông Ngô Quang Vinh - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Đơn Dương cho biết: Trong 2 năm 2018, 2019, có khoảng 30 hộ dân chủ yếu là ở thôn K’Răng Chớ (xã Ka Đơn) đã quá hạn trả tiền gốc, lãi được đưa vào danh sách nợ xấu. Agribank chi nhánh Đơn Dương đã kiện ra toà để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật 14 hộ trên địa bàn xã Ka Đơn; trong đó, có 10 hộ tại thôn K’Răng Chớ với số nợ xấu khó thu hồi 5 - 6 tỷ đồng.
Theo quy định của Agribank, cán bộ thẩm định hồ sơ buộc phải thẩm định mục đích vốn vay trước thời điểm cho vay. Sau khi vay 2 tháng, qua kiểm tra, giám sát, ngân hàng có quyền đơn phương chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước thời hạn nếu người dân cung cấp thông tin sử dụng nguồn vốn vay sai sự thật, phát sinh nợ xấu.
Tuy nhiên, đơn cử như trường hợp chị Ma Khương, ngày 29/12/2017, trong hồ sơ vay thế chấp tài sản tại Phòng giao dịch Ka Đô, Chi nhánh Agribank Đơn Dương, ghi mục đích vốn vay: “Làm nhà kính trồng ớt tây 7 sào”. Sau khi vay được 1 tháng, chị Khương cho bà Loan vay hầu hết số tiền vay được từ ngân hàng. Trên thực tế, chưa có một mét vuông nhà kính nào được chị này làm đúng mục đích như khi cam kết với ngân hàng.
Nhiều hộ đồng bào thiểu số sử dụng vốn vay sai mục đích tại thôn K’Răng Chớ như vậy, chúng tôi thẳng thắn đặt câu hỏi quá trình thẩm định mục đích vốn vay của người dân trước và sau khi vay có quá lỏng lẻo, dẫn tới các hệ luỵ xấu, ông Vinh khẳng định cán bộ đi kiểm tra mục đích vốn vay trước và sau khi người dân thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đều làm đúng quy định của ngân hàng, không có sai sót.
Tuy nhiên, vị cán bộ Agribank chi nhánh Đơn Dương xác nhận: “Chúng tôi thật sự không thể kiểm soát hết được mục đích sử dụng vốn vay khi một số người dân có chủ ý làm sai, khai báo không trung thực. Việc kiện người dân ra toà để thu hồi nợ, nhất là với người đồng bào thiểu số là chuyện chẳng đặng đừng nhưng ngân hàng không thể làm trái các quy định”.
|
Hơn 20 hộ dân đồng bào thiểu số tại thôn K’Răng Chớ (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương) có nguy cơ mất đất sản xuất mang đơn thư tố giác tội phạm lên Công an tỉnh “cầu cứu”. Trong số này, hầu hết người dân đều không biết chữ, gia cảnh khó khăn |
Nguy cơ mất đất, mất nhà
Ông Trần Văn Phước - Chủ tịch UBND xã Ka Đơn xác nhận: Qua kiểm tra, từ năm 2017 tới nay, có gần 30 người dân khu vực thôn K’Răng Chớ thế chấp sổ nhà, đất tại ngân hàng để vay tiền rồi cho vợ chồng bà Loan vay lại. Điều đáng nói là sau nhiều năm, số tiền bà Loan trả cho người dân rất ít. Chính quyền xã cũng không rõ bà Loan vay tiền của người dân để làm việc gì? “Theo thống kê sơ bộ từ phản ánh của người dân, số tiền bà Loan nợ lên trên 4 tỷ đồng” - ông Phước thông tin.
Chủ tịch UBND xã Ka Đơn cho hay chỉ khi các hộ không có khả năng chi trả tiền lãi, tiền gốc cho ngân hàng thì sự việc mới bị vỡ lở. “Chính quyền họp người dân nhiều lần, động viên bà con cố gắng làm đúng quy định pháp luật. Chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện Đơn Dương để nắm bắt thông tin, có giải pháp giảm bớt thiệt hại cho bà con” - ông Phước cho biết.
Trong khi đó, một cán bộ thôn K’Răng Chớ cho rằng, người dân thế chấp sổ nhà, đất vay tiền nhưng không dùng tiền vay để phát triển kinh tế. Chủ yếu đều dùng phần lớn số tiền vay được để cho người khác vay do một phần ham lãi suất nên nảy sinh ra nhiều tiêu cực. “Ban đầu là từ một vài người vay ngân hàng, sau đó rất nhiều người rơi vào vết xe đổ. Chúng tôi biết sự việc từ năm 2017 và có báo cáo lên chính quyền xã nhưng họ phản ứng chậm khiến vụ việc ngày càng nghiêm trọng hơn” - người này cho biết.
Đại tá Nguyễn Hưng - Trưởng Công an huyện Đơn Dương thông tin vụ việc nêu trên đã diễn ra khá lâu nhưng tới giờ các bên chưa thể giải quyết dứt điểm. Điều đáng tiếc là người dân cầm cố tài sản để vay tiền nhưng không đầu tư vào sản xuất mà lại nhẹ dạ cả tin cho một số đối tượng vay để lấy lời. Đến khi không có khả năng chi trả thì ngân hàng kiện các hộ dân ra toà án. Hiện, lực lượng thi hành án đã cưỡng chế 1 căn nhà của 1 hộ dân để trả nợ.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng hiện đang kiểm tra, xác minh, thụ lý đơn thư tố giác tội phạm của 28 hộ dân ngụ tại xã Ka Đơn (huyện Đơn Dương) và xã N’Thôn Hạ (huyện Đức Trọng). Người dân tố cáo vợ chồng bà Toue Prong Loan, ông Bơ Nah Ria Linh về hành vi “Chiếm đoạt tài sản”. Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh cũng gửi công văn yêu cầu các ngân hàng cho vay thế chấp tài sản đối với 28 hộ nêu trên cung cấp thông tin liên quan. Cơ quan Công an tỉnh cũng mời bà Prong Loan và chồng là ông Ria Linh để xác minh, làm rõ đơn thư tố giác tội phạm để có hướng xử lý tiếp theo.
|
(CÒN NỮA)
CHÍNH THÀNH