''Bẫy nợ'' bủa vây dân nghèo (kỳ 2)

05:12, 22/12/2020

(LĐ online) - Cái nghèo đeo bám và sự thiếu hiểu biết đã khiến nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rơi vào "bẫy nợ" lãi suất cao...

[links()]
 
(LĐ online) - LTS: Cái nghèo đeo bám và sự thiếu hiểu biết đã khiến nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rơi vào “bẫy nợ” lãi suất cao. Không ít gia đình đã lâm vào cảnh trắng tay khiến cuộc sống bỗng chốc bị đảo lộn và để lại hệ luỵ lâu dài. 
 
Nhiều gia đình bị chủ nợ kiện ra toà và phần thiệt thòi luôn thuộc về người dân kém hiểu biết pháp luật
Nhiều gia đình bị chủ nợ kiện ra toà và phần thiệt thòi luôn thuộc về người dân kém hiểu biết pháp luật
 
Từ sự thiếu hiểu biết, cả tin nên nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị rơi vào “bẫy” tín dụng đen... Hậu quả là nhiều gia đình nợ dai dẳng, lãi mẹ đẻ lãi con, nguy cơ mất đất sản xuất dù số tiền vay ban đầu không nhiều. Thậm chí, một số người bị chủ nợ đánh đập nhưng không dám đứng ra tố cáo.
 
Bị đánh vẫn phải im lặng 
 
Theo thông tin từ Công an xã Tam Bố, trước đây có một vài trường hợp liên quan tới tín dụng đen nhưng từ đầu năm 2020 tới nay, Công an xã chưa ghi nhận trường hợp nào mới, nổi cộm, có tính chất phức tạp. Tuy nhiên, từ một nguồn tin riêng, chúng tôi tiếp cận được nhiều gia đình chỉ nằm cách trụ sở UBND xã Tam Bố khoảng 400 - 500 m và ghi nhận nhiều câu chuyện rất khác. 
 
Tại nhà bà Ka Dos (50 tuổi, ngụ Thôn 4, xã Tam Bố), bà buồn rầu nói chỉ vì túng quẫn, bà vay nợ vài chục triệu đồng nhưng không có khả năng chi trả. Dù bị chủ nợ hành hung nhưng bà đành chọn cách im lặng.
 
Theo bà Ka Dos, năm 2017, được người quen giới thiệu, bà gặp một người đàn ông trung tuổi tên Th. để vay tiền “nóng”. Vì kẹt tiền đáo hạn khoản vay ngân hàng của gia đình, bà Ka Dos đã vay ông này 23 triệu đồng. Chủ nợ sau đó giữ của bà giấy chứng minh nhân dân, giấy vay viết tay và dặn hàng tháng, bà Ka Dos phải đóng tiền lãi 1.380.000 đồng.
 
“Từ khi vay đến nay, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bệnh tật hiểm nghèo, bản thân tôi cũng thường xuyên bị đau yếu nên vẫn chưa có khả năng để trả tiền gốc và lãi. Cách đây khoảng 4 tháng, tôi bị chủ nợ tới đòi tiền nhưng không có nên họ đánh 2 lần vào mặt và ngực” - bà Ka Dos nói. Dù bị đánh nhưng bà cho biết vẫn sẽ chấp nhận vì “mình nợ họ thật nên có tố cáo cũng không giải quyết được gì”.
 
Bi đát hơn, món nợ và lãi vài chục triệu đồng của ông Th. chưa trả xong thì bà Ka Dos tiếp tục bị lừa khi thế chấp sổ đỏ. “Vì cả tin nên tôi giao sổ đỏ cho người quen ở xã Gia Hiệp và ủy quyền để vay ngân hàng 40 triệu đồng. Bản thân tôi cũng không biết thực sự họ có vay ngân hàng giúp hay không nhưng sau đó báo số tiền tôi nợ ngân hàng lên đến 220 triệu đồng và đòi tôi phải đưa 500 triệu đồng mới chuộc được sổ. Tôi làm sao mà có số tiền đó nên miếng vườn của gia đình tôi đã mất vào tay người khác” - bà nói và bật khóc.
 
Theo vết xe đổ của mẹ, chị Ka Der (con gái bà Ka Dos) mới hơn 20 tuổi nhưng cũng rơi vào vòng xoáy nợ nần. Năm 2019, chị Ka Der cũng vay ông Th. 10 triệu đồng nhưng không có khả năng trả lãi và gốc. “Khi ông Th. gặp đòi nợ, tôi nói xin khất tiếp thì bị ông tát mạnh một cái vào mặt làm tôi ngã xuống đường. Đánh xong, ông còn thách tôi đến trình báo với chính quyền địa phương” - chị Ka Der nói trong ấm ức.
 
Cách nhà bà Ka Dos khoảng 500 m, gia đình bà Ka Dẻo (50 tuổi) sống chủ yếu dựa vào hơn 1 ha cà phê nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Khi có người giới thiệu, bà Ka Dẻo cũng vay của ông Th. 80 triệu đồng để trả nợ và đầu tư sản xuất với lãi suất 2,4 triệu đồng/tháng. 
 
“Hàng tháng, tôi đều đóng tiền lãi. Tuy nhiên, từ 9/2019 đến nay, gia đình tôi không có khả năng trả lãi nên nhiều lần ông Th. đến đòi nợ hù dọa. Vào khoảng tháng 4/2020, ông Th. đến đòi nợ nhưng do tôi chưa có tiền trả nên ông đã đánh con trai tôi bầm tím mặt” - bà Ka Dẻo kể sự việc.
 
Nghiêm trọng hơn, bà Ka Thị Brim (47 tuổi, ngụ thôn Lang Kú, xã Gung Ré, huyện Di Linh) bị 3 người quen ở cùng xã dùng lời lẽ ngon ngọt mượn sổ đất của bà để đi vay tiền từ năm 2018. Dù nhiều lần bà đòi lại sổ nhưng những người này không trả. Giữa năm 2019, có 6 người đến nhà bà Brim để đòi tiền nợ, lăng mạ và đánh đập bà phải nhập viện điều trị.
 
Liên quan tới trường hợp trên, đầu năm 2020, nhận thấy tình hình an ninh phức tạp, Công an xã Gung Ré đã chuyển đơn tố giác tội phạm lên Đội Điều tra Tổng hợp Công an huyện Di Linh thụ lý, giải quyết. Tại xã Gung Ré, Công an huyện đã xử phạt hành chính 5 đối tượng có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh sự, nhân phẩm người khác. Tuy nhiên, tới giờ sự việc của bà Brim vẫn chưa được phân định đúng sai. 
 
Điều đáng quan tâm là những trường hợp làm đơn tố cáo lên cơ quan công an như bà Brim là tương đối hiếm hoi. Hầu hết trường hợp đều chọn cách im lặng, chấp nhận thiệt thòi và không muốn có thêm rắc rối.
 
Bà Ka Dos (50 tuổi, ngụ Thôn 4, xã Tam Bố) đau xót khi chỉ nợ vài chục triệu đồng nhưng mất khả năng chi trả, bị chủ nợ hành hung nhưng không dám tố cáo
Bà Ka Dos (50 tuổi, ngụ Thôn 4, xã Tam Bố) đau xót khi chỉ nợ vài chục triệu đồng nhưng mất khả năng chi trả, bị chủ nợ hành hung nhưng không dám tố cáo
 
Phát sốt vì vay “nóng”
 
Buôn làng bà con dân tộc K’Ho (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương) giờ đã không còn yên bình bởi tín dụng đen đã “vươn vòi bạch tuộc” tới nhiều gia đình nơi đây. 
 
Điển hình cho câu chuyện vay tín dụng đen rồi nhiều năm liền “sống dở, chết dở” là trường hợp gia đình ông Rơ Ông K’Gust (57 tuổi, ngụ thôn Păng Tiêng). Ông K’Gust cho hay: Năm 2012, ông cần tiền nên đã vay nóng 30 triệu từ ông bà H.M (ngụ tại TP Đà Lạt). Tới năm 2014, ông vay tiếp thêm 20 triệu nữa gộp lại hai lần vay là 50 triệu đồng. Do không có điều kiện trả nợ nên tới năm 2018, số nợ được tính toán lên tới 416 triệu đồng (!?).
 
“Nghe số tiền lên hơn 400 triệu đồng, gia đình tôi đều choáng váng. Gia đình quanh năm chỉ cậy nhờ vào sản xuất nông nghiệp, lấy đâu ra khoản tiền lớn như vậy để trả. Vì không muốn sống trong cảnh nợ nần, lãi đẻ thêm lãi nên gia đình tôi đã thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 250 triệu đồng nhưng chủ nợ đòi thêm một lô đất để cấn trừ hết các khoản. Không thỏa thuận được nên họ đã kiện ra tòa” - ông K’Gust bức xúc.
 
Bà Ka Lim, em gái ông K’Gust cũng không khác hơn, thế chấp hai sổ đỏ cho ông bà H.M để vay 160 triệu đồng lo cho cha mẹ già và năm đứa con ăn học. Qua nhiều lần trả cả gốc lẫn lãi, số tiền nợ vẫn còn 200 triệu đồng. “Khổ lắm, nhưng mình không muốn sống trong cảnh bất an, nợ nần nên vay mượn để trả nợ. Thỏa thuận hai bên đã được tòa án huyện công nhận, nhưng khi mình đưa 200 triệu đồng ra cơ quan chức năng huyện giao cho chủ nợ để lấy lại hai sổ đỏ nhưng họ không đưa sổ cho mình mà không biết tại sao? Không đưa sổ thì mình không trả tiền và phải tiếp tục sống trong nợ nần” - bà Ka Lim cho biết.
 
Vay nợ chỉ viết giấy tay, không thể hiện lãi suất. Trong khi đó, phía chủ nợ cho vay lại tính lãi suất cộng dồn vào giấy ghi nợ lần sau bằng số tiền vay tăng dần là “cái bẫy” khiến người dân không am hiểu pháp luật mắc phải. Ở thôn Đạ Nghịt (xã Lát, huyện Lạc Dương), những “bẫy nợ” như vậy không còn mới mẻ.
 
Như trường hợp gia đình ông Ha Phương và bà Ka Đen có bảy người, sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Năm 2012, gia đình ông mua 300 bao phân của một đại lý tại địa phương, với tổng số tiền 7,5 triệu đồng. Sau nhiều vụ thu hoạch cà phê, gia đình Ha Phương đã trả 3 đợt, với số tiền lên hơn 31 triệu đồng, nhưng giấy ghi nợ vẫn thể hiện con số cao gấp nhiều lần. 
 
Không có tiền trả nợ, gia đình ông đành ngậm ngùi đưa sổ đỏ với gần 0,5 ha đất trồng cà phê cho chủ nợ. “Mình có biết gì đâu, túng thiếu thì vay. Nhiều người trong buôn làng cũng vay như mình, mất tiền, mất đất sản xuất, giờ thêm cảnh nợ nần”- ông Ha Phương nói như bất lực.
 
Chung cảnh ngộ, năm 2011, ông Ha Tư (thôn Đạ Nghịt) cũng mua 500 bao phân giá 12,5 triệu đồng. Qua 7 lần trả chủ đại lý, ông vẫn còn nợ 138 triệu đồng. Tương tự, bà Ka Phê, kế nhà ông Ha Tư cho biết, chỉ vài chục triệu ban đầu, sau bốn năm, tổng nợ đã lên mấy trăm triệu đồng và những mảnh vườn làm kế sinh nhai buộc phải giao cho chủ nợ. 
 
Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn xã Lát có gần 40 hộ dân ở thôn Đạ Nghịt và 6 hộ dân thôn Păng Tiêng thực hiện các khoản vay “nóng” từ vài chục đến vài trăm triệu đồng được chính quyền xã ghi nhận. Các trường hợp này, nhẹ thì còn nợ dai dẳng, nặng thì bị chủ nợ kiện ra toà, thậm chí bị xiết nhà, xiết đất để lại hậu quả nghiêm trọng.
 
Nợ “ngập đầu” vì vay tiền qua app
 
Tại thôn Đa Ra Hoa (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) chúng tôi ghi nhận có 5 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay tiền trực tuyến (app vay tiền online). Thông qua quảng cáo trên mạng xã hội, các hộ vay từ 2 tới 10 triệu đồng. Do bị trễ hẹn không trả nên số tiền vay này được “biến hóa” và tăng vọt lên 20 tới 70 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần số tiền gốc ban đầu. 
 
Trong khi đó, từ đầu năm 2020 tới nay, theo thống kê công an các cấp đã khởi tố gần 10 vụ, 45 đối tượng liên quan tới hoạt động cho vay nặng lãi với thủ đoạn dán quảng cáo cho vay không thế chấp nơi công cộng. Trong đó, các địa phương như TP Bảo Lộc, Đà Lạt, thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng), thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà)… là khu vực hoạt động cho vay qua quảng cáo rác hoạt động mạnh nhất.
 
(CÒN NỮA)
 
CHÍNH THÀNH - LAM PHƯƠNG