(LĐ online) - Cái nghèo đeo bám và sự thiếu hiểu biết đã khiến nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rơi vào "bẫy nợ" lãi suất cao...
[links()]
(LĐ online) - LTS: Cái nghèo đeo bám và sự thiếu hiểu biết đã khiến nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rơi vào “bẫy nợ” lãi suất cao. Không ít gia đình đã lâm vào cảnh trắng tay khiến cuộc sống bỗng chốc bị đảo lộn và để lại hệ luỵ lâu dài.
|
Công an TP Đà Lạt bắt 3 thanh niên cho vay lãi tại trụ sở |
Dù nhiều vụ việc liên quan đến tín dụng đen đã được cơ quan chức năng xử lý nhưng dường như đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Chính vì vậy, người dân đang rất mong mỏi cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, cần mạnh tay để xử lý tận gốc nạn tín dụng đen.
Nhiều vụ việc phức tạp
Ông Nguyễn Hải Quân - Chủ tịch UBND xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà) cho biết: Trước giờ tại địa phương chưa bao giờ xảy ra tình huống oái oăm, nguy cơ mất đất vì thế chấp sổ đỏ bằng hợp đồng vay tiền. Vậy nhưng, từ tháng 5/2020, trên địa bàn xã đã có 5 trường hợp rơi vào “bẫy hợp đồng thế chấp”, 1 trường hợp đang xác minh với thủ đoạn tương tự.
Theo UBND xã Tân Thanh, năm 2016, đang lúc cần tiền mua phân bón, chị Ka Des (25 tuổi, ngụ Thôn 3, xã Tân Thanh) ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên với đất cho 2 vợ chồng ông Lương Viết Năm và bà Nguyễn Thị Hà (ngụ xã Liên Hà) để vay 430 triệu đồng với lãi suất 0,9%/ 1 tháng trong thời hạn 5 năm.
Theo hợp đồng này, ngoài việc đóng lãi hàng tháng, đến tháng 8/2021, chị Ka Des sẽ phải trả đủ số tiền gốc và lãi để nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình. Thế nhưng, khi chỉ còn 1 năm nữa mới đến thời hạn chót, thì một người khác đến và tự xưng là chủ của toàn bộ diện tích 2,7 ha mà chị Ka Des đang thế chấp. Nhận được tin trên, chị Ka Des mới biết rằng đất của mình đã được sang nhượng đến người thứ 3.
Tương tự, trường hợp ông K’Pier (80 tuổi, ở Thôn 3, xã Tân Thanh) đã cả tin giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Huy Hoàng ở thị trấn Đinh Văn để vay 300 triệu đồng, mà không biết rằng, sổ đỏ của mình đang được người này thế chấp vay số tiền lên đến 750 triệu đồng tại một chi nhánh ngân hàng có phòng giao dịch tại Tân Hà. Chỉ khi ngân hàng mời đích danh ông ra làm việc, ông mới biết rằng mình đang gánh một khoản nợ gấp đôi số được vay thực tế.
Điều đáng quan ngại là thủ tục sang nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất của 6 hộ đồng bào thiểu số tại xã Tân Thanh đều được tiến hành tại các văn phòng công chứng. Người làm thế chấp sổ đỏ hết sức tinh vi khi thực hiện đủ các hợp đồng vay tiền, thế chấp, sang nhượng, thậm chí cả những giấy tờ xác nhận đóng lãi như một chiêu thức tạo uy tín, niềm tin của bà con.
Đến khi biết bị lừa, không liên lạc được với đối tượng cho vay, bà con mới trình báo lên cơ quan chức năng cũng là lúc đối diện với nguy cơ vừa mất trắng đất sản xuất, vừa phải gánh một khoản nợ lớn.
Đó là chỉ một trong rất nhiều câu chuyện người dân là đồng bào thiểu số bị vướng vào “bẫy” tín dụng theo một cách thức mới. Để rồi hậu quả cuối cùng họ là người phải chịu nhiều thiệt thòi.
|
Ông K’Pier với món nợ lên đến 750 triệu đồng, dù trước đó chỉ thế chấp sổ đỏ để vay 300 triệu đồng |
Thiếu chế tài, khó xử lý
Hiện nay, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên, theo Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động tín dụng đen đã có sự thay đổi trong khi chế tài xử lý còn nhẹ. Các đối tượng cho vay tín dụng đen không sử dụng phương thức truyền thống bằng cách cho vay, ghi giấy nợ và thu tiền lãi định kỳ như trước mà sang cho vay bằng hình thức thế chấp nhà, đất, tài sản có giá trị... làm các hợp đồng hứa chuyển nhượng tài sản và có công chứng lòng vòng phức tạp. Khi người vay không có khả năng trả nợ thì đối tượng sẽ sử dụng các hợp đồng sang nhượng để chiếm đoạt tài sản.
Qua ghi nhận, việc vay tín dụng đen không còn giới hạn ở những đối tượng cho vay nặng lãi chuyên nghiệp. Ngay tại thôn xóm vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... những người quen biết các gia đình gặp khó khăn, cần vay tiền cũng có thể trở thành người cho vay nặng lãi. Do quen biết, có sự tin tưởng nhất định, lại nhìn thấy việc các gia đình có vườn, có đất sản xuất nhưng nhận thức còn hạn chế nên các đối tượng sẵn sàng chủ động tìm cho vay và coi đây chính là cơ hội thu lợi bất chính.
Điều khó khăn trong công tác đấu tranh, phát giác là người dân đi vay, mượn chủ yếu qua thoả thuận “ngầm”. Người vay và bên cho vay đều không muốn tiết lộ thông tin, không để lại thông tin có giá trị làm bằng chứng. Chính vì vậy, mặc dù khi vay lãi suất rất cao, nhưng thường hai bên vay và cho vay không thể hiện phần lãi suất mà ghi thành tổng tiền vay khiến loại giao dịch dân sự đã bị vô hiệu một phần.
“Tôi ví dụ như người dân đi vay 60 triệu đồng, sau bốn tháng cả gốc và lãi tăng lên 100 triệu đồng, thì hai bên làm giấy vay nợ 100 triệu đồng chứ không ghi tỷ lệ lãi suất vay… Bởi vậy, cơ quan chức năng rất khó xử lý ngay cả khi người dân có đơn tố giác tội phạm” – một lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng cho hay.
Cũng theo vị lãnh đạo này, thực tế khi tiếp nhận đơn thư tố cáo của người dân, việc điều tra xử lý cũng gặp không ít khó khăn. Hai điều kiện tiên quyết, căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án, điều tra làm rõ là lãi xuất bên cho vay phải vượt 5 lần so với lãi suất ngân hàng theo Bộ Luật Sân sự. Thứ hai, số tiền thực chiếm đoạt, thu lợi bất chính phải từ 30 triệu đồng trở lên.
Tuy nhiên, chứng minh được 2 điều kiện cần để xử lý về mặt hình sự không phải dễ dàng. Thực tế, qua nhiều vụ việc người dân tố cáo đối tượng chiếm đoạt lên tới hàng tỷ đồng nhưng khi vào cuộc xác minh lại không đủ căn cứ chứng minh. Bên cạnh đó, trong khi quá trình xác minh, điều tra nếu không khởi tố được vụ án thì cũng không thể xử lý hành chính vì luật chưa có quy định.
|
Tín dụng đen với nhiều hình thức mới đang dần vươn vòi tới các vùng sâu, vùng xa bên cạnh các cách thức truyền thống như dán quảng cáo vay tín dụng, cầm cố tài sản lãi suất cao |
Tập trung triệt phá tín dụng đen ở vùng sâu, vùng xa
Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX mới đây, Đại tá Lê Hồng Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng nhận định, tín dụng đen, đòi nợ thuê, nhất là các hành vi cho vay lãi nặng, huy động vốn với lãi suất cao đang diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, mức độ và hậu quả.
Tại Lâm Đồng, nhiều đối tượng hình sự từ nơi khác đến tạm trú, cấu kết, móc nối với các đối tượng hình sự tại chỗ để thực hiện các hoạt động tín dụng đen. Nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là người lao động phổ thông, bà con nông dân, người buôn bán nhỏ gặp khó khăn về vốn và nhiều trường hợp là bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Trước diễn biến phức tạp về tội phạm tín dụng đen, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo công an các huyện, thành phố và trực tiếp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa và kịp thời tố giác tới cơ quan công an.
|
Gia đình ông K’Nhất (45 tuổi, ngụ xã Tân Thanh) có nguy cơ mất miếng đất gần 1 ha do giao sổ đất cho một đối tượng để vay 300 triệu đồng, đến hiện tại miếng đất đã được sang nhượng cho bên thứ 3 |
Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung đấu tranh có hiệu quả tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vốn khó có điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn vay tài chính chính thống, là điểm yếu để các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi, tội phạm tín dụng đen thừa cơ hoạt động.
Đối với các hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hơn nữa hiểu biết pháp luật trước các hành vi tín dụng đen biến tướng. Bên cạnh đó, Nhà nước và ngành ngân hàng sớm có các giải pháp cho vay đáp ứng nhu cầu chính đáng của người nghèo, người đồng bào thiểu số, góp phần kéo giảm tín dụng đen trong thời gian tới.
Còn theo Luật sư Trương Văn Hoàng, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, các cơ quan chức năng cần xác định rõ đối tượng cho vay nặng lãi đã len lỏi vào thôn xóm vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với hình thức và mạng lưới chân rết phức tạp nên cần tập trung đấu tranh, tuyên truyền ở các khu vực này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người dân cần nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn và phương thức ngày càng tinh vi của các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Khi cần nguồn vốn thì nên tìm hiểu kỹ để được tiếp cận những nguồn vốn vay an toàn và hiệu quả.
Theo thống kê của Công an tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2019, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 59 vụ với 128 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen; trong đó, đã khởi tố 17 vụ với 41 đối tượng, xử lý hành chính 32 vụ với 65 đối tượng với số tiền 256 triệu đồng, lập hồ sơ răn đe, giáo dục 10 vụ với 22 đối tượng. Đồng thời, Công an tỉnh Lâm Đồng cũng lập biên bản xử lý vi phạm đối với 63 cơ sở cầm đồ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ, công ty cho thuê và hỗ trợ tài chính liên quan hoạt động tín dụng đen. |
CHÍNH THÀNH