Thực hiện Nghị quyết 52 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS, thời gian qua tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Thực hiện Nghị quyết 52 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và đã đạt được một số kết quả quan trọng.
|
Trẻ em dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm phát triển về thể chất lẫn tinh thần |
Ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch thực hiện
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/9/2016 của Chính phủ, ngày 18/4/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025”. Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5713 ngày 30/8/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 7610/KH-UBND ngày 21/11/2019 về thực hiện Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2025 và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng, ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực các DTTS của đơn vị mình.
Các cấp, các ngành và địa phương phổ biến tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể CB, CC, VC và đồng bào DTTS về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/9/2016 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng các chuyên mục phóng sự truyền thông đặc thù bằng tiếng dân tộc (tiếng K’Ho, Chu Ru) phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, huyện. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ CB, CC, VC và đồng bào DTTS về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện đồng bộ các chính sách liên quan
Phát triển nguồn nhân lực DTTS phải được thực hiện một cách đồng bộ các chính sách liên quan đến việc phát triển quy mô và nâng cao chất lượng dân số, các chính sách về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo..., các chính sách phân bổ, sử dụng nhân lực và kể cả các chính sách khuyến khích, động viên người lao động tự lực vươn lên. Giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai kế hoạch và tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chính sách phát triển giáo dục đào tạo, chính sách phân bổ sử dụng nhân lực… Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, kinh tế, xã hội không ngừng phát triển; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả khả quan; đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, mặt bằng dân trí được nâng cao. Vùng DTTS đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành và phát triển từ tỉnh đến các huyện, tạo nguồn đào tạo đội ngũ cán bộ DTTS. Hiện 100% số xã có trường, phân trường tiểu học; các xã, liên xã có trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường mẫu giáo, mầm non đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. 100% số xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Tỉnh có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo nghiệp vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế…
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS được quan tâm về hình thức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ. Cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở tất cả các cấp học tại các trường chính trị. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ người DTTS gồm các chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng về tin học, ngoại ngữ… Nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ người DTTS được quan tâm cử tuyển đi học chuyên môn, nghề nghiệp ở các trường nội trú, đại học, cao đẳng để trở về xây dựng quê hương. Toàn tỉnh hiện có trên 4 ngàn đảng viên là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 10,4% so với tổng số đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh. Việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm CB, CC, VC là người DTTS luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng cho 45.019 lượt CB, CC, VC; trong đó, có 2.599 lượt CB, CC, VC là người DTTS; 100% công chức cấp xã đạt trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, 100% đại biểu HĐND các cấp được bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng hoạt động đại biểu; đào tạo lao động trong các ngành, lĩnh vực được 144.900 lao động, đến nay tỉ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 67%; tỉ lệ thất nghiệp ở nông thôn còn dưới 1,2%.
Những con số trên cho thấy công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực là người DTTS thời gian qua của tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo sự hài hòa trong cơ cấu tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, củng cố đoàn kết và tăng cường mối quan hệ hợp tác, đồng cảm, chia sẻ, góp phần xây dựng lòng tin, sự bình đẳng giữa các dân tộc vì mục tiêu phát triển của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung.
NGUYỄN NGHĨA