Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do vậy, các cấp ủy huyện Đơn Dương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên việc triển khai thực hiện.
Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do vậy, các cấp ủy huyện Đơn Dương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên việc triển khai thực hiện.
Huyện Đơn Dương có diện tích tự nhiên 61.135 ha; trong đó, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp 40.816 ha (rừng phòng hộ 17.200 ha, sản xuất 23.616 ha), chiếm 66,76%; diện tích có rừng 36.045 ha, độ che phủ 58,96%.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/H.U ngày 11/11/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đơn Dương “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân có sự chuyển biến mạnh mẽ. Vai trò giám sát của người dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường. Công tác kiểm tra, kiểm soát gỗ, động vật hoang dã được chú trọng. Mặt khác, do thực hiện tốt chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên nên tình hình khai thác lâm sản, chặt phá rừng trái phép giảm đáng kể.
Thống kê từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Đơn Dương đã xảy ra 148 vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, xử phạt hành chính 146 vụ, xử lý hình sự 2 vụ, giảm mạnh 339 vụ so với giai đoạn 2010 - 2015. Đặc biệt, số vụ phá rừng trái pháp luật 46 vụ, giảm mạnh 56 vụ với diện tích rừng thiệt hại 5,248 ha.
Công tác lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng từng bước đi vào nề nếp. Diện tích rừng được giao, cho thuê, khoán quản lý, bảo vệ chiếm tỉ lệ ngày càng cao, góp phần duy trì và cải thiện độ che phủ của rừng, bảo vệ và nâng cao tính đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; tỉ lệ độ che phủ rừng giai đoạn 2015-2020 tăng từ 56,8% lên 58,96%.
Đặc biệt, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Huyện ủy Đơn Dương đã ban hành kế hoạch cho từng đơn vị như: Kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, Đảng ủy các xã, thị trấn và nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện.
Cụ thể, ngay từ đầu hàng năm, UBND huyện Đơn Dương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu ban hành kế hoạch, phương án bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định bổ sung, kiện toàn các Ban Lâm nghiệp xã, thị trấn và Đội thường trực kiểm tra truy quét theo Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ đạo bằng văn bản đến các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVR&PCCCR), củng cố kiện toàn lực lượng để thực hiện chức năng bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.
Căn cứ vào tình hình thực tế và tùy theo từng thời điểm, UBND huyện Đơn Dương ban hành các chỉ thị, quyết định, văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý rừng, BVR&PCCCR; Thành lập các ban chỉ đạo, đoàn kiểm tra liên ngành trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 gồm 29 thành viên; Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương là Trưởng ban và 2 Phó ban gồm: Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm và Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, vận động Nhân dân thực hiện tốt quy ước bảo vệ rừng; phối hợp tổ chức 317 lượt tuyên truyền trực tiếp với 12.077 lượt người tham gia, thực hiện 03 đợt tuyên truyền lưu động, vận động ký 692 cam kết không vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp; thông qua công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu giao khoán bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng vận động trên 972 hộ nhận khoán và trên 19 nhà đầu tư được giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong công tác BVR&PCCCR.
Theo ông Đặng Quốc Thái Bình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đơn Dương, định kỳ hàng tháng, hàng quý, Hạt đã chủ trì phối hợp với Công an, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và UBND các xã, thị trấn, đơn vị chủ rừng lập kế hoạch kiểm tra, truy quét, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng phá rừng, nhất là những đối tượng chống đối, cầm đầu. Phối hợp với các đơn vị trong huyện như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án tổ chức điều tra, xử lý nhanh các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhằm mục đích răn đe, giáo dục và tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
Nhờ đó, từ năm 2017 đến nay, tình hình vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện Đơn Dương đã từng bước được ngăn chặn, giảm dần về số vụ và diện tích lấn chiếm. Trong 2 năm trở lại đây trên địa bàn huyện đã không còn điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Tổng diện tích thực hiện cưỡng chế giải tỏa là 7,5344 ha và bàn giao cho đơn vị chủ rừng quản lý, trồng lại rừng theo quy định.
Đồng chí Trương Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy Đơn Dương cho biết: Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm lãnh đạo thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Trong thời gian đến, huyện Đơn Dương sẽ tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về rừng, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp liên ngành Kiểm lâm - Công an - Quân sự trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình bảo vệ và sử dụng rừng của các chủ rừng; chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng…
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy chế phối hợp về công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh với các huyện trong và ngoài tỉnh. Đây là tiền đề để huyện Đơn Dương giữ vững diện tích rừng hiện có. Còn trong giai đoạn 2020-2025, huyện sẽ phấn đấu trồng mới khoảng 500 ha rừng, trồng 100.000 cây phân tán các loại, đến năm 2025 độ che phủ của rừng đạt 60%.
Hàng năm, giảm ít nhất 10% mức độ thiệt hại về diện tích rừng bị xâm hại, bị cháy, khối lượng lâm sản bị thiệt hại, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm so với năm trước.
HOÀNG YÊN - HOÀNG SA