Nhiều năm nay, công tác nhận khoán bảo vệ rừng của các tổ nhận khoán trên địa bàn thị trấn D'Ran được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đánh giá cao...
Nhiều năm nay, công tác nhận khoán bảo vệ rừng của các tổ nhận khoán trên địa bàn thị trấn D’Ran được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đánh giá cao. Trong đó, Tổ nhận khoán, bảo vệ rừng Hòa Bình là một điểm nhấn đáng chú ý.
|
Các tổ viên Tổ bảo vệ rừng Hòa Bình vận động bà con làm vườn giáp bìa rừng không lấn chiếm đất, chặt phá cây rừng trong một lần đi tuần |
Thị trấn D’Ran được cho là một địa phương làm rất tốt việc giữ rừng trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra các vụ xâm lấn, khai thác trái phép rừng nổi cộm. Trong đó, việc phát huy trách nhiệm của các cộng đồng dân cư nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng được các đơn vị quan tâm, chú trọng thực hiện.
Toàn thị trấn hiện có trên 11.000 ha rừng phòng hộ (rừng phòng hộ xung yếu 5.783,5 ha và phòng hộ rất xung yếu là 5.286,4 ha). Hiện diện tích rừng được giao cho 2 đơn vị chủ rừng Nhà nước là Ban Quản lý rừng phòng hộ D’Ran; Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đơn Dương và 1 doanh nghiệp Nhà nước cho thuê rừng là Công ty TNHH Quốc Vương Lâm Đồng.
Trên lâm phần rừng thị trấn, tổng diện tích nhận khoán bảo vệ rừng năm 2020 là trên 8.948 ha. Trong đó, khoán theo nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên 8.526 ha; khoán theo nguồn vốn ngân sách tỉnh là trên 410 ha thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ D’Ran quản lý.
Tại Tổ dân phố Hòa Bình, những ngày này, từng quần thể thông xanh ngắt trên những quả đồi dạng lòng chảo trải dài tới thôn Gia Hoa - Ma Nới, giáp huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Đó là thành quả của Tổ nhận khoán bảo vệ rừng Tổ dân phố Hòa Bình ngày đêm bảo vệ hơn 400 ha rừng thông do ông Ha Kham gần 63 tuổi làm tổ trưởng.
Ông Ha Kham chia sẻ, những năm 1990, vùng núi rừng D’Ran không ít chỗ là một điểm nóng về nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Nhưng cùng với nỗ lực của chủ rừng, lực lượng kiểm lâm địa bàn cùng việc Nhà nước giao khoán cho người dân bảo vệ rừng thì từ những năm 2000 đến nay đã không còn cảnh phá rừng ngang nhiên như trước. Trên những vùng đất trống bị phá rừng trước kia qua nhiều năm nay đã phủ một màu thông xanh ngắt trở lại.
Hiện trạng rừng và đất rừng được giữ ổn định và rừng ngày thêm phát triển tốt hơn. Không có vụ việc nào xảy ra nổi cộm. Trong 9 tháng đầu năm 2020 chỉ xảy ra 3 vụ vi phạm ở mức độ nhỏ, lẻ. “Vào mùa hanh khô, chúng tôi cùng đơn vị chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, vận động bà con và thực hiện các biện pháp như đốt trước vật liệu cháy ở những khu vực dễ xảy ra cháy như gần đường đi, những nơi thực bì dày, bụi rậm,... nên trong năm qua chưa để xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại về tài nguyên rừng”- ông Ha Kham nói.
Trong khi đó, ông Ha U (49 tuổi), là tổ viên Tổ nhận khoán bảo vệ rừng Tổ dân phố Hòa Bình có thâm niên tham gia gần 20 năm nay cho biết: cách đơn giản nhất giữ rừng là mình phải gần gũi, quan tâm tới người dân, coi họ như tai mắt của mình. “Mình đi tuần thường xuyên cũng không bằng người dân sinh sống ở bìa rừng. Chỉ cần ai cưa một cây thông, rừng có nguy cơ cháy chỗ nào là họ điện thoại cho mình ngay để kịp thời ngăn chặn, phòng tránh”- ông Ha U cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo ông Ha U, khó khăn trong công tác bảo vệ là một số người dân sinh sống giáp bìa rừng thường lấn đất rừng bằng cách đổ thuốc diệt cỏ cho thông chết dần. “Tuy số lượng không nhiều nhưng thực trạng này khó xử lý. Chúng tôi đi tuần tra gặp thông chết là nhắc nhở, vận động bà con thường xuyên nên số lượng thông chết do bị đầu độc chỉ diễn ra lẻ tẻ với số lượng hạn chế”- ông nói và coi đây cũng là một thành tích vì so với địa phương khác, số lượng thông rừng bị đầu độc chiếm đất rừng thành đất sản xuất thường cao hơn rất nhiều.
Ông Đinh Văn Hoàng, Chủ tịch UBND thị trấn D’Ran cho biết, thông qua chính sách chi trả DVMTR, năm 2020 các đơn vị liên quan đã tạo việc làm cho 321 hộ đối tượng chính sách là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Bình quân mỗi hộ nhận khoán hằng quý nhận được 4 triệu đồng, đã đem lại nguồn thu ổn định, góp phần tạo công ăn việc làm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn về tầm quan trọng của công tác giữ rừng trong phát triển kinh tế - xã hội, các tổ nhận khoán BVR, trong đó có Tổ nhận khoán bảo vệ rừng Tổ dân phố Hòa Bình được đánh giá hoạt động rất tốt, cùng với địa phương, đơn vị chủ rừng đã góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn thời gian qua” - ông Hoàng thông tin.
C.PHONG