Giúp phụ nữ tạm cư tự chủ tài chính

06:12, 08/12/2020

Dự án "Nâng quyền cho nữ lao động di cư trong thị trường phi chính thức tại TP Đà Lạt thông qua nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận mô hình cổ phần tài chính tự quản"...

Dự án “Nâng quyền cho nữ lao động di cư trong thị trường phi chính thức tại TP Đà Lạt thông qua nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận mô hình cổ phần tài chính tự quản” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam thực hiện trong thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2020 với tổng kinh phí hơn 546 triệu đồng. 
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo Tổng kết Dự án “Nâng quyền cho nữ lao động di cư trong thị trường phi chính thức tại Đà Lạt thông qua nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận mô hình cổ phần tài chính tự quản”
Các đại biểu tham dự Hội thảo Tổng kết Dự án “Nâng quyền cho nữ lao động di cư trong thị trường phi chính thức tại Đà Lạt thông qua nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận mô hình cổ phần tài chính tự quản”
 
Mô hình “Tổ phụ nữ tạm cư tham gia sinh hoạt hội” với phương châm “Ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động Hội”, Hội Phụ nữ Đà Lạt đã thành lập được 8 mô hình tại các phường (Phường 3,5,6,7,10,11,12 và xã Xuân Thọ) với gần 400 chị tham gia. Đây là những địa bàn có đông lao động tạm cư, phần đông là phụ nữ đến làm việc trong khu vực nông nghiệp công nghệ cao như trồng và chăm sóc rau hoa, làm thuê, buôn bán nhỏ. 
 
Dự án ra đời nhằm giúp chị em hội viên phụ nữ tại thành phố Đà Lạt được giáo dục tài chính, quản lý thu nhập, chi tiêu gia đình, tạo ra nguồn vốn vay thường xuyên, liên tục phù hợp với nhu cầu của hội viên, phụ nữ để đầu tư cho sản xuất phát triển kinh tế và nuôi dạy con tốt. Hội đã thành lập được 20 mô hình “Cổ phần tài chính tự quản” tại Đà Lạt và 1 mô hình tại Thị trấn Liên Nghĩa - huyện Đức Trọng, có hơn 500 thành viên tham gia đóng cổ phần (mệnh giá cổ phần từ 50.000 đồng/1 cổ phần - 500.000 đồng/1 cổ phần) với số tiền hiện nay là 792.350.000 đồng, giúp cho 115 chị vay với lãi suất từ 0,5% đến 1%/tháng. Hoạt động tiết kiệm thông qua mua cổ phần tài chính tự quản được chính quyền địa phương đánh giá cao vì mô hình do các thành viên trong nhóm tự quản lý, tự ra quyết định,  có trách nhiệm và nghĩa vụ giống nhau; giúp chị em tạo thói quen tiết kiệm và kịp thời có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. 
 
Hội Phụ nữ Phường 7 đánh giá về hiệu quả hoạt động mô hình cổ phần tài chính tự quản mang lại. Đến nay, trên toàn phường có 16 mô hình câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả; trong đó, mô hình tổ tài chính tự quản là mô hình tuy mới thành lập nhưng mang lại hiệu quả thiết thực với đời sống chị em, nhất là những chị em vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tổ tài chính tự quản tại Phường 7 được thành lập vào tháng 11/2019 với sự hỗ trợ của Dự án Care quốc tế tại Việt Nam và Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN TP Đà Lạt. Trong năm qua, Hội LHPN Phường 7 thành lập được 4 mô hình tổ tài chính tự quản với 103 thành viên tham gia tiết kiệm được hơn 267 triệu đồng cho gần 24 lượt hội viên vay, với thời hạn là 6 tháng lãi suất 1%, để phát triển kinh tế gia đình và nhiều hội viên đã phát huy hiệu quả nguồn vốn. Được xây dựng và duy trì 1 năm nay, nhờ vào mô hình Tổ tiết kiệm tín dụng do cộng đồng tự quản mà nhiều phụ nữ tạm cư và chị em vùng đồng bào DTTS đã xây dựng được thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lý chi tiêu trong gia đình. Từ đó, đã giúp cho chị em phụ nữ phát huy hiệu quả trong việc tạo nguồn vốn để phát triển sản xuất, cùng nhau xóa đói giảm nghèo. Đều đặn hàng tháng tại Nhà sinh hoạt cộng đồng và nhà các chị em của Tổ tiết kiệm tín dụng cộng đồng tự quản tập trung đóng góp tiền vào quỹ của nhóm, số tiền được ghi rõ vào sổ tiết kiệm cá nhân, trưởng nhóm lại có thêm 1 cuốn sổ riêng để chị nào nộp bao nhiêu, vay bao nhiêu, thời hạn trả để dễ quản lý và cũng để minh bạch về tài chính. Từ quỹ này, chị em có thể trình bày nguyện vọng vay vốn để lo cho con cái đi học, lo việc gia đình, phát triển kinh tế và được giải quyết ngay tại cuộc họp. 
 
Từ khi có Tổ tài chính tự quản, thủ tục vay dễ, tự quản lý với nhau nên ai cũng có trách nhiệm, chị em nhiệt tình với các hoạt động phong trào của Hội. Tham gia tổ tài chính tự quản các chị đã biết cách tiết kiệm tiền để hỗ trợ gia đình lúc cần và hỗ trợ các chị em khác; vay vốn cũng dễ dàng hơn, tiền có sẵn và dễ quản lý. Từ hiệu quả của mô hình này, chị em đã cùng nhau hỗ trợ phát triển kinh tế cho gia đình, phát huy tính tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Ngoài hoạt động hỗ trợ cho vay, chị em trong nhóm cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc gia đình, cộng đồng khu dân cư. Trong đợt dịch bệnh COVID-19 xảy ra, với nguồn quỹ tương trợ chị em đã hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn và trong đợt mưa lũ miền Trung chị em trong nhóm đã vận động chị em trong chi hội quyên góp được số tiền 20 triệu đồng cùng các nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt. Những hiệu quả mang lại từ khi tham gia sinh hoạt tổ tài chính tự quản đó là tích cực trong việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và gắn kết tình cảm giữa các thành viên với nhau, đã thôi thúc và là động lực để chị em tiếp tục duy trì và phát triển tổ tiết kiệm, từ đó xây dựng chi hội ngày càng tốt hơn. Các hộ nghèo có thể học hỏi từ những hộ khá giả về kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt, giúp chị em trở nên tự tin, mạnh dạn hơn. 
 
Chị Trần Thị Phương Hoa, Chi hội phó Chi hội thôn Măng Line - Phường 7, Đà Lạt, thành viên tổ tài chính tự quản, cho biết tác động của mô hình cổ phần tài chính mang lại cho bản thân và gia đình: Gia đình tôi vốn có hoàn cảnh khó khăn từ miền Trung vào đây lập nghiệp, chủ yếu làm sản xuất nông nghiệp nhờ vào mấy sào vườn theo thời vụ. Nên trước đây kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư sản xuất hạn chế, việc tiếp cận các nguồn vốn khi có việc đột xuất cấp bách thường không có. Nhiều lúc muốn xuống giống ở một mùa vụ tôi phải đi vay mượn hàng xóm nhưng số tiền không đủ để trang trải và việc mượn như vậy chỉ trong thời gian ngắn là phải trả lại, có những lúc không có tiền để đóng tiền học cho con. Gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn vì kinh tế khó khăn, áp lực luôn đè nặng trên đôi vai người vợ như tôi. Những năm qua, nhờ vào sự hỗ trợ của Hội LHPN Phường 7, Chi hội phụ nữ Măng Line, bản thân tôi và gia đình được tiếp cận những nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách, từ Quỹ tín dụng Nhân dân Liên Phương và đặc biệt là hơn 1 năm nay được sự hỗ trợ của chị em trong mô hình tổ tài chính tự quản. Gia đình tôi đã được hỗ trợ về vốn vay và kinh nghiệm làm ăn, chăm sóc gia đình. Kinh tế gia đình ngày càng khá lên, con cái được chăm sóc, học hành chu đáo. Ban đầu vào tháng 11 năm 2019, sau khi họp buổi đầu tiên ra mắt mô hình, tôi được vay vốn với số tiền 20 triệu đồng, lúc đó vào dịp cuối năm tôi muốn đầu tư phân bón để đầu tư hoa tết. Với số tiền được vay tôi đã mua phân bón và thuốc trừ sâu đầu tư vào chăm sóc hoa, kết quả nhờ chăm bón kịp thời nên hoa của tôi rất đẹp và bán có giá. Đến nay, tôi đã trả được khoản vay và tiếp tục mua thêm cổ phần để duy trì tiết kiệm và hỗ trợ các chị em có hoàn cảnh khó khăn khác được vay vốn để đầu tư vườn như tôi. Tôi nhận thấy khi tham gia mô hình tổ tài chính tự quản, bản thân được hỗ trợ về tài chính để phục vụ nhu cầu cấp thiết của gia đình trong những lúc khó khăn đột xuất. Ngoài ra, được cải thiện kỹ năng để làm nhiều việc khác nhau bằng cách quản lý các nguồn tiền thu nhập trong gia đình. Khi tham gia nhóm, tôi thấy tự tin và hiểu biết để tham gia tích cực vào các hoạt động của xã hội. 
 
AN NHIÊN