Lâm Hà tăng cường quản lý các dự án đầu tư năng lượng mặt trời

04:12, 23/12/2020

Ðiện mặt trời áp mái đang được coi là một trong những giải pháp hiệu quả, ưu việt để phát triển năng lượng trong tương lai...

Ðiện mặt trời áp mái đang được coi là một trong những giải pháp hiệu quả, ưu việt để phát triển năng lượng trong tương lai. Ở huyện Lâm Hà, thời gian gần đây đã thu hút nhiều công trình, dự án điện năng lượng mặt trời của các tổ chức, cá nhân đầu tư trên địa bàn huyện. 
 
Đa phần các dự án đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng
Đa phần các dự án đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng
 
Năng lượng mặt trời được đánh giá là nguồn năng lượng sạch, có tính tái tạo và có trữ lượng khổng lồ. Việc lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mang lại nhiều lợi ích thiết thực như có thể hoàn toàn chủ động sử dụng nguồn điện năng phục vụ cho sản xuất, đồng thời có thể bán lại cho ngành điện với giá ưu đãi, rút ngắn thời gian thu hồi vốn. Đối với ngành điện, điện mặt trời góp phần giảm chi phí đầu tư nguồn và lưới điện; đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của người dân.
 
Theo ông Trần Thanh Hưng - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, có những nguyên nhân chính khiến Lâm Hà thu hút nhiều các dự án đầu tư năng lượng mặt trời đó là việc trên địa bàn huyện ít xảy ra thiên tai như mưa đá, bão lớn... gây thiệt hại về cơ sở vật chất; bức xạ nắng ổn định; hạ tầng của ngành điện lực cũng đã cơ bản đảm bảo chất lượng... Trước xu thế đầu tư phát triển năng lượng mặt trời trên địa bàn huyện, UBND huyện Lâm Hà đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về lĩnh vực này, từ đó đề xuất các phương án trong công tác quy hoạch, quản lý của các ngành và chính quyền địa phương. 
 
Sau khi khảo sát, đánh giá Lâm Hà là địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng điện mặt trời và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện ở mức cao, Công ty Vimarko đã liên kết một số doanh nghiệp khác đầu tư dự án năng lượng mặt trời trên diện tích 3 ha, ước tính công suất đạt 8 MW tại tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn. Dự án này đang được các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương hoàn thành để đấu nối trực tiếp vào lưới điện. Ông Trần Trung, đại diện Công ty Vimarko cho biết, doanh nghiệp sẽ phát triển theo hình thức điện mặt trời trang trại nông nghiệp công nghệ cao, bởi mô hình trang trại xanh này đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi, vừa phát triển nông nghiệp vừa áp mái tận dụng năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường. 
 
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành giá điện mặt trời áp mái mới, qua đó khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, nhiều người dân, đơn vị kinh doanh đã nắm bắt xu hướng và ồ ạt làm điện mặt trời mái nhà. Trên địa bàn tỉnh, huyện Lâm Hà được đánh giá là một trong số các địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. 
 
Đa phần các dự án đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng
Đa phần các dự án đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng
 
Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lâm Hà, hiện nay có 12/16 xã, thị trấn có dự án đầu tư hệ thống điện mặt trời với tổng số khoảng 120 dự án, trong đó thị trấn Đinh Văn là địa phương có nhiều nhất với tổng số 17 dự án, công trình điện mặt trời áp mái. 
 
Phần lớn các dự án do các doanh nghiệp từ nơi khác đến mua đất lập dự án hoặc thuê mái những trang trại đã có trên địa bàn và đang trong giai đoạn đầu tư, hoàn thiện; tuy nhiên một số dự án đã bắt đầu đấu nối và bán điện cho công ty điện lực. 
 
Trước sự sôi động của các dự án điện mặt trời trên địa bàn huyện, UBND huyện chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra các hồ sơ pháp lý liên quan đến việc đầu tư, xây dựng hệ thống điện mặt trời.
 
Theo ông Hưng, các dự án điện mặt trời trên địa bàn huyện đang hoạt động kèm theo nhiều vấn đề trong công tác quản lý cũng như các điều kiện theo quy định, ngoài các yêu cầu về đất đai, xây dựng, các vấn đề về quy hoạch, đấu nối của ngành điện,... “Quan điểm của huyện là tạo điều kiện để phát triển điện mặt trời, phát huy tiềm năng của địa phương, tuy nhiên cần phải đảm bảo được các quy định như tài nguyên khoáng sản, đất đai, việc đấu nối, đặc biệt là đảm bảo bảo vệ môi trường. Đa phần các dự án đầu nhỏ lẻ với công suất dưới 1MWP. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể để địa phương căn cứ đánh giá tác động môi trường”, ông Hưng cho biết thêm. 
 
Việc triển khai các dự án điện mặt trời đã mở ra những kỳ vọng mới về nguồn năng lượng sạch, góp phần tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của Lâm Hà. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đầu tư ồ ạt và tự phát, huyện cũng đang tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng, nhằm đảm bảo các công trình xây dựng và hệ thống điện mặt trời mái nhà tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về xây dựng và đảm bảo các yếu tố về môi trường.
 
H.THẮM - C.TÚ