Rừng giáp ranh với các tỉnh luôn tiềm ẩn mất rừng vì xa trung tâm, địa hình hiểm trở; cùng đó thường là tình trạng "cha chung không ai khóc"...
Rừng giáp ranh với các tỉnh luôn tiềm ẩn mất rừng vì xa trung tâm, địa hình hiểm trở; cùng đó thường là tình trạng “cha chung không ai khóc” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng cảnh báo tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên.
Bắt quả tang đối tượng người Ninh Thuận phá rừng Lâm Đồng (địa phận huyện Di Linh, giáp ranh tỉnh Ninh Thuận). Ảnh chụp tháng 10 /2016 |
Quy chế phối hợp với tất cả các địa phương
Tỉnh Lâm Đồng hiện có rừng giáp ranh với 7 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk. Tổng chiều dài lâm phần giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng với 7 tỉnh khoảng 440 km; trong đó, chiều dài nhất là giáp với tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, khoảng 100 km mỗi tỉnh và ngắn nhất là giáp với tỉnh Bình Phước, khoảng 20 km. Nhiều năm qua, mặc dù lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và địa phương của Lâm Đồng triển khai nhiều kế hoạch quản lý, bảo vệ (QLBV) lâm phần của tỉnh nhưng vẫn xảy ra mất rừng Lâm Đồng. Điển hình như một số vụ xảy ra ở các khu vực của các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Bảo Lâm…
Năm 2020, thực hiện Luật Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm (CCKL) Lâm Đồng đã tiến hành ký lại quy chế phối hợp với các CCKL tỉnh bạn.
Ngày 17/12, Chi cục phó Kiểm lâm Lâm Đồng Lê Đình Việt cho biết: “Đến thời điểm này, Kiểm lâm Lâm Đồng đã cùng ký quy chế với 6 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Đắk Nông và Đắk Lắk; riêng tỉnh Bình Phước chủ yếu rừng và đất rừng thuộc lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Cát Tiên do đó chúng tôi ký Quy chế phối hợp với Vườn. Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tham mưu cho các UBND cấp huyện, xã để tiếp tục ký văn bản phối hợp công tác QLBV rừng với các huyện, xã giáp ranh tỉnh bạn. CCKL Lâm Đồng cũng vừa ký trong tháng 12 này cùng CCKL vùng IV trong quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025”.
Rừng Khánh Hòa (giáp ranh Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà) bị tàn phá nặng. Ảnh chụp cuối tháng 11/2020 |
Cụ thể từng Quy chế
Văn bản Quy chế phối hợp ký kết giữa lãnh đạo các CCKL rất cụ thể. Ví dụ, đối tượng áp dụng bao gồm các phòng chuyên môn và đội cơ động, các Hạt Kiểm lâm liên quan mỗi bên; mục đích; nguyên tắc; khu vực giáp ranh… Đó là các điều khoản về nội dung và phương pháp phối hợp; trách nhiệm của mỗi bên… Trong đó, “nguyên tắc phối hợp” có những điều khoản như “Đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của mỗi bên; bình đẳng, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau; không làm ảnh hưởng đến công việc nội bộ của nhau, tạo điều kiện để các bên cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ” (khoản 2); “Các hoạt động phối hợp phải được thống nhất bằng văn bản; trường hợp đột xuất, cấp bách, lãnh đạo Chi cục hai đơn vị trao đổi trực tiếp qua điện thoại; bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, giữ bí mật về thông tin, lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ” (khoản 3). “Nghiêm cấm mọi trường hợp lợi dụng Quy chế để thực hiện các hành vi trái pháp luật” (khoản 5)...
Về khu vực giáp ranh, phía Lâm Đồng cụ thể như sau. Với tỉnh Đắk Nông, có các xã: Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên); Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm, Lộc Phú (huyện Bảo Lâm); Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh); Phúc Thọ, Tân Thanh (huyện Lâm Hà) và Đạ R’sal, Liêng S’rônh, Phi Liêng, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông). Với tỉnh Khánh Hòa, gồm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, trong phạm vi ranh giới các tiểu khu (TK): 51, 87, 88 và 89 trên địa giới hành chính xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Với tỉnh Bình Thuận, có 4 huyện là Đức Trọng (46 km); Di Linh (93 km); Bảo Lâm (15 km) và Đạ Huoai (36 km). Trong đó, các TK 365, 366, 367, 368, 369, 370, 371 - lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Đại Ninh và BQL RPH Tà Năng quản lý; các TK 493B, 713, 714, 716, 717, 734, 737A, 737B, 738 - lâm phần BQL RPH Hòa Bắc - Hòa Nam, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh quản lý; các TK 739,740, 741, 742, 743, 729, 728, 727, 726, 725, 701, 678, 679, 722 - lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Thuận và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp quản lý; các TK 488, 489, 490, 491, 492- lâm phần BQL RPH Đạm B’ri quản lý; các TK 165A, 165B, 166, 172 - lâm phần BQL RPH Hàm Thuận - Đa Mi quản lý; các TK 596, 597, 584B, 590, 591, 602, 603, 604, 605 - lâm phần BQL RPH Nam Huoai và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai quản lý. Với tỉnh Đắk Lắk, các TK 28, 30, 31, 41 - lâm phần BQL RPH Đa Nhim quản lý; các TK 22, 24, 25, 26, 27, 47, 49, 50 - lâm phần Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý; các TK 36, 37, 38, 67, 68, 69, 172, 173, 188 - lâm phần BQL RPH Sêrêpôk quản lý. Với tỉnh Ninh Thuận, các TK 89, 90, 124, 125, 126, 127A, 127B - lâm phần Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và các TK 138, 139 - lâm phần BQL RPH đầu nguồn Đa Nhim quản lý; các TK 313 , 314, 315 - lâm phần BQL RPH Đ’ran và các TK 316A, 316B, 319, 320, 321, 329, 330, 334, 335 - lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương quản lý; các TK 344, 345, 356, 357 - lâm phần BQL RPH Tà Năng quản lý. Với tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng được xác định giáp ranh QLBVR gồm các Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Ngoài ra, trách nhiệm còn thuộc 2 Đội Kiểm lâm cơ động PCCCR số 1 và số 2 cùng các đơn vị chủ rừng liên quan.
Cần nhấn mạnh, công tác QLBVR đã thực hiện khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực với những nội dung mới và bổ sung. Mặt khác, hiện nay, đang là thời điểm mùa khô và giáp tết, đối tượng vi phạm càng manh động và tinh vi nên công tác QLBVR càng tiềm ẩn những nguy cơ mất rừng với tính chất phức tạp hơn. Lấy ví dụ, cuối tháng 11 vừa rồi, chúng tôi đã ghi nhận hiện trường rừng tỉnh Khánh Hòa (TK 194 và 200) - giáp ranh Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có hàng trăm khối gỗ rừng tự nhiên bị cưa hạ trái pháp luật. Tuy các TK 89, 90 và 91 khu vực xã Đạ Chais, lâm phần Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý không phát hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhưng không thể đảm bảo đối tượng không phá rừng của Lâm Đồng. Việc ký kết Quy chế phối hợp QLBVR giữa ngành Kiểm lâm các tỉnh chỉ là một phần của QLBVR; hơn thế, các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã có rừng giáp ranh, các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động, cùng các chủ rừng liên quan của hai bên cần ký Quy chế phối hợp, đồng thời thực thi nghiêm thì tài nguyên rừng mới giữ được bền vững.
MINH ĐẠO