Thời điểm này, nhiều gia trại, trang trại trong tỉnh đang tích cực tái đàn, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, chăn nuôi thủy sản để chuẩn bị cung ứng cho thị trường cuối năm.
Thời điểm này, nhiều gia trại, trang trại trong tỉnh đang tích cực tái đàn, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, chăn nuôi thủy sản để chuẩn bị cung ứng cho thị trường cuối năm.
|
Ngoài các sản phẩm chăn nuôi truyền thống, người chăn nuôi trong tỉnh cũng đang đẩy mạnh chăn nuôi các con đặc sản như heo rừng, cá tầm… |
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh hiện đang dao động từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước khi xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi. Trước sức hấp dẫn về mức giá nên nhu cầu tái đàn của các hộ dân cũng tăng theo, đặc biệt là chờ bán vào dịp tết.
Hiện trên địa bàn tỉnh, đàn heo đã có chiều hướng tăng trở lại, đạt khoảng 90% so với thời điểm trước khi có dịch, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tại một số trang trại chăn nuôi heo tập trung, quy mô lớn, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và trại chăn nuôi liên kết với các công ty như: C.P, Japfa, CJ Agri, các hoạt động chăn nuôi đã trở lại bình thường, thậm chí tăng đàn.
Tuy nhiên, tại các nông hộ, do thị trường heo giống hiện cũng khá khan hiếm với mức giá cao, từ 2,5 - 2,8 triệu đồng/con 6 kg, cùng với đó, chi phí chăn nuôi tăng mạnh đang khiến nhiều người dân gặp khó khăn.
Gia đình anh Vũ Quang Thành (Thôn 3, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) hiện đang thả nuôi 1.000 con heo. So với thời điểm năm ngoái, tổng đàn heo trong trang trại của anh đã tăng thêm 600 con. Tuy nhiên, chưa kịp thở phào vì dịch tạm lắng xuống, thì nay anh lại đối mặt với tình trạng thị trường heo giống khá khan hiếm với mức giá cao, từ 2,5 - 2,8 triệu đồng/con, nhất là giá cám và các chi phí chăn nuôi không ngừng tăng lên.
Theo anh Thành, sau khi “thấm đòn” vì dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi không dám chủ quan với tình hình dịch bệnh. Do đó, để chuẩn bị heo phục vụ tết, nhiều người cẩn thận hơn về nguồn heo nhập vào, thực hiện tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại kỹ lưỡng... Tuy nhiên, để chăm đàn heo vào thời gian này, cần chú ý đến chuồng trại kỹ lưỡng hơn, như che chắn xung quanh tránh gió lùa, thắp điện để giữ ấm trong chuồng, nhất là với heo mẹ và heo con. Ngoài ra, so với mùa nắng chỉ cần nuôi 4 tháng có thể xuất chuồng bán heo thịt, vụ này thời gian nuôi kéo dài hơn, giá cám cũng cao hơn, khiến các chi phí cũng tăng lên.
“Theo dự tính, đến ngày 20 tháng Chạp Âm lịch tôi sẽ xuất bán 500 con heo. Trung bình để chi phí cho một con heo đạt trọng lượng 100 kg đến lúc xuất chuồng, nông hộ phải bỏ ra 6,5 triệu đồng. Như vậy, tính ra người chăn nuôi chỉ còn lãi từ 700 - 800 ngàn đồng/con heo”, anh Thành nói.
Cùng với đẩy mạnh tái đàn heo, người chăn nuôi trong tỉnh cũng đang đẩy mạnh chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thủy sản khác. Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, ngoài đàn heo gần 417.000 con, hiện toàn tỉnh đang có gần 80.000 con bò thịt; đàn dê hơn 12.500 con; gia cầm, thủy cầm, chim cút hơn 10 triệu con.
Việc bà con và các trang trại chăn nuôi trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động chăn nuôi nhằm bù đắp nguồn cung thịt heo phục vụ cho thị trường tết cổ truyền là phù hợp, có thể chủ động một phần nguồn cung tại chỗ, hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn thịt heo vào dịp cuối năm. Vì theo dự báo, dịp tết năm nay, trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về sản phẩm thịt các loại sẽ tăng khá.
Ông Phạm Phi Long - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết: Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là việc tái đàn heo phải có kiểm soát và bảo đảm an toàn sinh học cho cả quá trình nuôi thì mới đem lại hiệu quả. Bởi, mối lo dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiềm ẩn và diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các huyện phía Nam. Nguồn heo giống tái đàn hiện chủ yếu được nhập về từ các tỉnh ngoài, do vậy người chăn nuôi khi mua cần phải nắm rõ nguồn gốc, không mua heo giống trôi nổi, nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh tái phát.
Khi thực hiện tái đàn, việc áp dụng chăn nuôi heo an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững. Dù hiện nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát thì các địa phương, người chăn nuôi tuyệt đối không được chủ quan, phải duy trì vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc để cắt đường lây truyền vi-rút từ môi trường vào đàn heo giống mới nuôi.
Bên cạnh đó, hiện nay dịch bệnh lở mồm long móng cũng đang luôn rình rập, do đó người nuôi nên chủ động phòng tránh dịch bệnh bằng cách tiêm ngừa phòng dịch, vệ sinh phòng bệnh đúng quy định, đồng thời lựa chọn con giống tốt để bảo đảm năng suất.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khiến nguy cơ dịch bệnh trên nhiều loại gia súc, gia cầm có nguy cơ phát sinh và lây lan, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh đã cấp hơn 78.775 liều vắc xin lở mồm long móng và 73.250 liều vắc xin tụ huyết trùng cho trâu bò, 103.175 liều vắc xin lở mồm long móng cho heo và 187.000 liều vắc xin cúm gia cầm; phân bổ 7.750 lít hóa chất cho 12 huyện để vệ sinh tiêu độc, khử trùng…
Ngoài các sản phẩm chăn nuôi truyền thống, những năm gần đây thị trường con đặc sản đang được khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn mỗi dịp tết. Nguồn chăn nuôi các con đặc sản trong tỉnh cũng trở nên đa dạng, dồi dào, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn cũng như mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân như cá tầm, lợn rừng, gà Đông Tảo,… Đơn cử như tại Đam Rông, huyện có 5 doanh nghiệp và hơn 50 hộ dân đầu tư nuôi cá tầm với tổng diện tích trên 4 ha, chủ yếu tại các xã Đạ Tông, Liêng Srônh và xã Rô Men, sản lượng lên đến vài trăm tấn cá thương phẩm/năm. |
HOÀNG SA