Kiên quyết xử lý hành vi dựng nhà trái luật

05:12, 24/12/2020

Đến thời điểm này, UBND huyện Đức Trọng đã xác định được chủ sở hữu của 11 trên hơn 50 căn nhà không phép xây dựng trái phép trên đất rừng dưới chân núi Voi, thuộc khu vực Tiểu khu 268, xã Hiệp An… 

Đến thời điểm này, UBND huyện Đức Trọng đã xác định được chủ sở hữu của 11 trên hơn 50 căn nhà không phép xây dựng trái phép trên đất rừng dưới chân núi Voi, thuộc khu vực Tiểu khu 268, xã Hiệp An… 
 
Chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục xử lý các công trình nhà ở không phép trên dựng trên đất rừng tại Tiểu khu 268, xã Hiệp An
Chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục xử lý các công trình nhà ở không phép trên dựng trên đất rừng tại Tiểu khu 268, xã Hiệp An
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng, việc kiểm tra, xác minh, xử lý và giải tỏa các công trình trong khu vực Tiểu khu 268, xã Hiệp An vẫn đang được chính quyền địa phương tích cực triển khai. Theo đó, đã có thêm 8 công trình nhà ở xây dựng không phép tại “làng biệt thự” trái phép do 3 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại TP Đà Lạt khai nhận với cơ quan chức năng, đồng thời cam kết tự khắc phục tháo dỡ trước ngày 25/12/2020. 
 
Như vậy, đến thời điểm này, trong số hơn 50 công trình nhà ở xây dựng không phép tại “làng biệt thự” trái luật ở khu vực Tiểu khu 268, xã Hiệp An, đã có 11 công trình được xác định chủ sở hữu, trong đó 3 căn đã được chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế, giải tỏa. Hiện vẫn còn 2 công trình nhà ở quy mô lớn và trên 40 căn nhà còn lại chưa xác định được chủ công trình vi phạm. 
 
Lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng cho biết, việc giải tỏa, cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép tại “làng biệt thự” vẫn đang được huyện tiếp tục triển khai. Cụ thể, trong số 13 công trình nhà ở quy mô lớn đến nay đã xác định được chủ sở hữu của 11 căn. Và đến thời điểm này, cơ quan chức năng của huyện tiếp tục dán các thông báo tại các công trình buộc khắc phục hậu quả, khi hết thời gian quy định, cơ quan chức năng sẽ tiến hành làm thủ tục cưỡng chế. Tinh thần của huyện là tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, theo đúng quy định của pháp luật.
 
Vụ việc như Báo Lâm Đồng đã thông tin về “làng biệt thự” trên xây dựng trái phép trên đất rừng đã được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam) triển khai thực hiện dự án Khu du lịch dã ngoại từ năm 1992. Từ giữa năm 2019 đến nay, doanh nghiệp này nhiều lần có đơn gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp khi hơn 45 ha/tổng số 355ha đất rừng đã giao cho đơn vị bị các hộ dân lấn chiếm, sang nhượng trái phép và xây dựng hẳn thành một khu dân cư, song mọi nỗ lực của doanh nghiệp dường như bất thành. 
 
Sau khi báo chí thông tin, ngày 28/10/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản “hỏa tốc” chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND huyện Đức Trọng khẩn trương kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm tại “làng biệt thự” xây dựng trái phép trên. Tuy nhiên, do các đối tượng thực hiện “vườn không nhà trống”, cơ quan chức năng chưa xác định được người vi phạm nên việc xử lý kéo dài.
 
Theo ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Công ty Phương Nam, tuy các cấp chính quyền đã vào cuộc nhưng ông vẫn còn lo lắng, bởi nếu vụ việc này không được xử lý triệt để thì chắc chắn tạo ra tiền lệ không tốt và sẽ ngày càng có thêm nhiều công trình xây dựng nhà ở trái phép khác mọc lên trên đất rừng. Cũng theo ông Phúc, điều mà ông lo lắng nhất là vụ việc sẽ còn kéo dài dẫn tới tình trạng bị “lờn đi” thì sẽ khó xử lý dứt điểm. 
 
Nhà không phép xây dựng trên đất rừng tại Tiểu khu 268, xã Hiệp An
Nhà không phép xây dựng trên đất rừng tại Tiểu khu 268, xã Hiệp An
 
Trước đó (ngày 26/11/2020), UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có Văn bản 9615/UBND-LN chỉ đạo các sở, ban, ngành, Huyện ủy và UBND huyện Đức Trọng, Công ty Phương Nam (số 6 Hồ Tùng Mậu, P3, TP Đà Lạt), tập trung xử lý dứt điểm các sai phạm, vi phạm liên quan đến dự án của Công ty Phương Nam tại Tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. 
 
Nội dung văn bản nêu rõ việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 12-TB/TU ngày 24/11/2020, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đức Trọng, Công ty Phương Nam khẩn trương tập trung hoàn thành các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, đề nghị Huyện ủy Đức Trọng chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc, huy động hệ thống chính trị của huyện, xã Hiệp An tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (tại khu vực làng Đại Dương, Tiểu khu 268, xã Hiệp An), hiểu và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, không phá rừng, không lấn chiếm đất lâm nghiệp, không xây dựng các công trình kiến trúc không phép, trái phép trong khu vực. Không tham gia kích động, lôi kéo, xúi giục các hộ dân trong khu vực chống đối, ngăn cản việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong việc xác minh, lập hồ sơ xử lý các sai phạm, vi phạm liên quan trong khu vực.
 
UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Đức Trọng tập trung chỉ đạo, thực hiện việc lập hồ sơ vi phạm, xử lý dứt điểm các sai phạm, vi phạm trong việc lấn chiếm, san gạt, sang nhượng đất lâm nghiệp, xây dựng công trình không phép trên đất lâm nghiệp. Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm của UBND xã Hiệp An, các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra các sai phạm, vi phạm tại dự án của Công ty Phương Nam.
 
UBND tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các địa phương tiến hành điều tra, hoàn thiện hồ sơ xử lý nghiêm; xử lý dứt điểm các vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng nổi cộm, phức tạp trên địa bàn tỉnh đã phát hiện trong thời gian qua. Cùng với đó, phối hợp với Công an huyện Đức Trọng để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp, xây dựng công trình trái phép; xử lý các đối tượng cầm đầu, kích động, xúi giục gây mất an ninh trật tự tại khu vực Tiểu khu 268, xã Hiệp An theo quy định của pháp luật.
 
Liên quan vụ việc, UBND tỉnh cũng giao Ban Dân tộc kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện dự án định canh, định cư cho làng dân tộc Đarahoa (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng). Báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định việc tiếp tục triển khai hoặc chấm dứt hoạt động của dự án. 
 
THỤY TRANG