Việc ứng dụng đèn diệt côn trùng trên cây ớt ngọt tại một nhà vườn ở Đức Trọng đang cho thấy hướng đi đúng của nông dân: giảm thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng.
Việc ứng dụng đèn diệt côn trùng trên cây ớt ngọt tại một nhà vườn ở Đức Trọng đang cho thấy hướng đi đúng của nông dân: giảm thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng.
|
Anh Sơn kiểm tra đèn diệt côn trùng |
Nhà kính trồng ớt ngọt của anh Võ Nguyên Minh Sơn, thôn Thái Sơn, xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng có diện tích 3 sào. Anh Sơn cho biết, do muốn làm chuẩn từ đầu, nhà kính được anh đầu tư với mức trên 1 tỷ đồng, chuyên trồng ớt ngọt, dưa baby, hai loại cây có giá trị kinh tế cao. Nhà kính có hai lớp cửa bảo vệ, có hệ thống châm phân tự động, tưới hay bỏ phân đều đặt lịch hoàn toàn tự động. Anh Sơn chia sẻ: “Thực sự ớt ngọt cho thu nhập ổn, nhất là trong thời điểm hiện tại. Nhưng điểm yếu của cây ớt ngọt là dễ bị sâu bệnh hại tấn công như bệnh phấn trắng, xoăn đọt, nứt cổ rễ. Vì vậy, tôi cũng tích cực tìm hiểu các kỹ thuật canh tác hiện đại, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong vườn”.
Khắp 3 sào ớt ngọt của anh Võ Nguyên Minh Sơn treo rải rác những chiếc hộp tròn màu vàng, với dung tích khoảng 1 lít, tương tự hộp sữa bột 1kg của trẻ em. Anh Sơn giới thiệu, đó chính là đèn xông lưu huỳnh, chuyên thắp ban đêm để diệt trừ các loại côn trùng gây hại như bướm, bọ… Anh giải thích: “Đây là những chiếc đèn đốt, chuyên dùng xông lưu huỳnh diệt sâu bướm. Nhờ sử dụng đèn này mà vườn nhà tôi bệnh hại giảm hẳn, không còn phải phun thuốc ngừa, thuốc trừ bệnh nhiều như trước. Thực sự chiếc đèn xông này là cuộc thay đổi lớn với người trồng ớt ngọt như chúng tôi”. Anh Sơn cũng cho biết thêm, nhiều nhà vườn trồng ớt ngọt đã sử dụng đèn xông lưu huỳnh như thế này để diệt sinh vật lan truyền bệnh.
Chị Lương Thị Huệ, cán bộ kỹ thuật của vườn cho biết, đèn xông lưu huỳnh là một cơ cấu rất đơn giản, rẻ tiền. Giá thị trường chỉ 300-400 ngàn đồng/cái, nếu khéo tay có thể tự làm cũng được. Đèn đơn giản chỉ là chiếc hộp thiếc, bên trong có ngăn để lưu huỳnh và một bóng điện thắp sáng. Vào ban đêm, theo hẹn giờ của chủ vườn, đèn tự động bật sáng, đốt nóng lưu huỳnh. Hơi lưu huỳnh xông ra, diệt các loại bướm, muỗi có trong vườn. Không còn bướm, muỗi, bọ trĩ… làm trung gian truyền bệnh, nhiều bệnh của cây ớt gần như không phát sinh như phấn trắng, xoăn đọt. Tới sáng, đèn tự tắt. Chị Huệ cho biết: “Lưu huỳnh được đặt bên trong đèn, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chất lượng cây trồng hay chất lượng trái. Việc sử dụng đèn xông diệt côn trùng mang lại hiệu quả rất tốt, giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, bảo vệ sức khỏe người lao động và chất lượng trái”. Được biết, cứ 15 ngày sẽ thay lưu huỳnh một lần với lượng rất nhỏ.
Vườn anh Võ Nguyên Minh Sơn còn là vườn ớt ngọt trồng theo liên kết với 1 hợp tác xã (HTX) rau củ trên địa bàn. Anh được HTX cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Theo anh Sơn, dù trồng ớt ngọt bán tự do trên thị trường, vào thời điểm khan hàng giá cao hơn nhưng cũng chịu rủi ro nhiều hơn. Trồng theo hợp đồng với HTX, giá “chết” có sẵn, anh chỉ việc chăm sóc và thu hoạch, không lo về đầu ra. Với năng suất trung bình 3-4 kg trái/gốc, xấp xỉ 30 tấn/vụ, thu 900 triệu đồng. Với giá HTX đưa ra từ ban đầu, anh cho biết sau khi trừ chi phí cũng lời được 400 triệu/ vụ ớt, một thu nhập không nhỏ với nông hộ. Và đặc biệt, trồng ớt theo hợp đồng mang lại sự ổn định rất hiệu quả với người nông dân. Người nông dân an tâm sản xuất, không sợ sự bấp bênh của giá cả, không sợ cảnh bán đổ bán tháo từng xảy ra với nhiều loại nông sản, trong đó có cây ớt ngọt. Tuy nhiên, người nông dân cũng cần đảm bảo chữ “tín” với đơn vị liên kết, ngay cả lúc giá cả lên tới 50-60 ngàn đồng/kg ớt như thời giá tháng 11/2020, anh Sơn vẫn cung cấp đầy đủ hàng cho HTX như ngày thường.
DIỆP QUỲNH