Những năm vừa qua, Lâm Đồng luôn là một trong những địa phương nằm top đầu cả nước về việc đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong cơ quan Nhà nước...
Những năm vừa qua, Lâm Đồng luôn là một trong những địa phương nằm top đầu cả nước về việc đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong cơ quan Nhà nước. Đây cũng là nhiệm vụ được tỉnh Lâm Đồng xem là giải pháp hữu hiệu góp phần tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo hiệu quả tích cực trong công tác cải cách hành chính và hình thành Chính phủ điện tử.
Ảnh minh họa |
Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử với việc sử dụng công nghệ mã hóa công khai, được dùng như một chữ ký cá nhân hoặc thay cho con dấu của tổ chức, công ty. Chính vì điều này chữ ký số được công nhận về mặt pháp lý. Chữ ký số có hai dạng, thứ nhất là chữ ký số công cộng (ứng dụng cho các doanh nghiệp và xã hội); thứ hai là chữ ký số hành chính (ứng dụng cho các cơ quan nhà nước). Chữ ký số hành chính do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp và xác thực, còn chữ ký số công cộng dùng trong doanh nghiệp, người dân do các đơn vị như VNPT, Viettel hoặc các công ty công nghệ dịch vụ khác cung cấp.
Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, với tốc độ phát triển như vũ bão của thời đại công nghệ, việc ứng dụng chữ ký số là một xu thế và là nhu cầu tất yếu bởi tính ưu việt của nó.
Trước hết, chữ ký số bảo đảm được tính toàn vẹn, bởi chữ ký số sử dụng hàm băng đặc biệt đảm bảo chỉ có đối tác, người nhận văn bản đã ký mới có thể mở văn bản. Từ đó, đảm bảo văn bản đã ký điện tử không bị tác động bởi bên thứ 3. Không những thế, chữ ký số sử dụng 2 lớp mã khóa công khai và bí mật đem đến khả năng bảo mật tuyệt đối. Bởi với công nghệ mã khóa công khai (PKI) và với thuật toán mã khóa công khai RSA, chữ ký số không bị ăn cắp bởi bất cứ hacker nào. Đồng thời, chữ ký số cũng đem tới việc xác định rõ nguồn gốc khi với văn bản sử dụng chữ ký số để ký nhận sẽ cho thông tin chi tiết nhất về chủ nhân của chữ ký số. Khi có bất cứ tranh chấp nào liên quan đến văn bản được ký nhận, cơ quan chức năng có thể xác minh rõ đơn vị đã ký chữ ký số. Cuối cùng và đặc biệt, đó là khi đã ký chữ ký số thì không thể xóa bỏ cũng không thể thay thế.
Ở Lâm Đồng, từ khi có quyết định ban hành quy chế quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng trong các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 2.133 chứng thư số: trong đó có 918 chứng thư số tổ chức, 1.153 chứng thư số cá nhân cho các cơ quan nhà nước thuộc cả hai khối Đảng và khối chính quyền từ cấp tỉnh tới cấp xã.
Có thể thấy rõ, ứng dụng chữ ký số tại Lâm Đồng đã mang lại nhiều hiệu quả như mong đợi. Đó là, giảm chi phí giấy, mực hoặc gửi văn bản qua đường bưu điện. Đồng thời giảm công sức lao động, bảo mật dữ liệu cá nhân, các dữ liệu chuyên môn. Việc đẩy mạnh ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số chuyên dùng trong các giao dịch điện tử đã từng bước thay thế cho các giao dịch truyền thống giữa các cơ quan nhà nước với người dân và các đơn vị trong, ngoài tỉnh. Không những thế, chứng thực điện tử và chữ ký số được ứng dụng hiệu quả vào các hoạt động tác nghiệp hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao mức độ an toàn và bảo mật cho các giao dịch điện tử giữa các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên môi trường mạng. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; tăng cường trao đổi văn bản điện tử, giảm bớt việc trao đổi văn bản giấy giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính ở địa phương.
Cũng cần phải nói thêm, hiện nay, đối với các cơ quan nhà nước ở cả hai khối Đảng và hành chính, thì việc đăng ký chữ ký số đều được Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp dịch vụ miễn phí, bởi chương trình này nằm trong lộ trình chiến lược để hoàn thiện Chính phủ điện tử.
Tại Lâm Đồng, dù đã có nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, việc triển khai chữ ký số vẫn còn nhiều khó khăn lẫn những vướng mắc cần được tiếp tục tháo gỡ, giải quyết, nhằm thúc đẩy triển khai chữ ký số mạnh mẽ và phổ biến hơn nữa. Những hạn chế thường thấy, đó là việc triển khai, nâng cấp các hệ thống quản lý văn bản điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia còn nhiều đơn vị chưa bố trí được kinh phí. Thời gian cấp, đổi chứng thư số chậm dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh khi cán bộ thay đổi vị trí làm việc, thay đổi chức vụ, gây khó khăn cho các đơn vị khi triển khai ký số trên văn bản điện tử. Một số cán bộ lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đến triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc gửi, nhận văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số.
Cùng với đó là một số rào cản liên quan đến kỹ thuật cũng như thiếu một số văn bản hướng dẫn chi tiết về sử dụng chữ ký số. Hiện nay, phần lớn các cơ quan nhà nước chủ yếu xử lý và phát hành văn bản điện tử định dạng PDF, chữ ký số được hiển thị trong tài liệu PDF. Quy trình ký, kiểm tra chữ ký, vị trí ký số trên PDF chưa thống nhất, do đó vẫn cần có các văn bản hướng dẫn để triển khai. Bên cạnh đó, cũng còn thiếu các hướng dẫn về chữ ký số trên các định dạng dữ liệu như XML và dữ liệu với định dạng bất kỳ. Đặc biệt, hướng dẫn thực hiện liên thông giữa hai hệ thống chứng thực công cộng và chuyên dùng Chính phủ, cũng như hướng dẫn triển khai chữ ký số trên thiết bị di động vẫn còn thiếu.
Thêm một vấn đề quan trọng nữa, trong tương lai, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, nhu cầu sử dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước sẽ tăng lên. Do đó, trước hết các cơ quan hữu quan cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm thay đổi nhanh nhất quan niệm của nhiều người khi cho rằng chỉ có chữ ký “tươi” và con dấu đỏ trên văn bản giấy mới là minh chứng duy nhất có hiệu lực. Thực tế, đến tháng 8/2019, Việt Nam đã có các quy định, quyết định về giá trị pháp lý của văn bản điện tử đã ký số được gửi qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành đều có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy, thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy.
Với những hiệu quả thiết thực của việc ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước đã được minh chứng, cũng như tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, quá trình xây dựng và phát triển chính quyền điện tử tỉnh Lâm Đồng sẽ sớm đạt được những thành quả như mong đợi.
LINH ĐAN