Tạm quên sự ám ảnh, âu lo về những đợt sạt lở đã xảy ra ở khu làng cũ, cả chục hộ dân đang cùng chung một niềm vui, phấn khởi, hân hoan đón chờ cái tết đầu tiên...
Tạm quên sự ám ảnh, âu lo về những đợt sạt lở đã xảy ra ở khu làng cũ, cả chục hộ dân đang cùng chung một niềm vui, phấn khởi, hân hoan đón chờ cái tết đầu tiên tại Khu tái định cư Đưng K’Nớ 5, thuộc Tiểu khu 74 (xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương).
|
Một cuộc sống mới với nhiều hy vọng đang dần hiện hữu ở Khu tái định cư Đưng K’Nớ 5, thuộc Tiểu khu 74 |
Tất bật xây dựng nhà mới
Nằm yên bình giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng, Tiểu khu 74 hôm nay bỗng nhiên khác lạ. Ở đó, một cuộc sống mới đang được diễn ra, không còn im lặng, thiếu vắng bóng người như những ngày tháng về trước. Trên khoảng đất trống rộng khoảng 16 ha, một khu tái định cư đang dần được hoàn thiện với những ngôi nhà rộng rãi, khang trang.
Những ngày cuối năm 2020 mưa lất phất, chúng tôi có dịp ghé về thăm nơi ấy. Hộ dân đầu tiên chúng tôi gặp là gia đình anh M’Bon Ha Men (35 tuổi) đang tất bật cùng vợ và anh em xẻ gỗ làm nhà, anh chia sẻ: Do sống chung cùng bố mẹ vợ và nhà đông anh em nên vợ chồng quyết định ra ở riêng bên sườn đồi của thôn Lán Tranh năm 2014. Tuy nhiên, cuộc sống yên bình chỉ được 1-2 năm đầu. Tới năm 2017, và đặc biệt là năm 2018, vào mùa mưa, những vụ sạt lở cho thấy mức độ nguy hiểm ngày càng cao, khiến anh và các gia đình khác lo lắng thực sự.
“Một đêm tháng 10 năm 2018 mưa nhiều, gió lớn, thấy tình hình không ổn nên tôi bàn với vợ đưa hai con về bên nhà ông bà ngoại để tạm thời lánh nạn trong trường hợp có sự cố xấu xảy ra. Thật may, ngay trong đêm đó, gia đình vừa mới rời đi khoảng 30 phút thì sạt lở vùi lấp căn nhà” - anh Ha Men bàng hoàng nhớ lại.
Giờ thì những lo lắng rủi ro thiên tai đã ở lại phía sau, khi vợ chồng anh Ha Men cùng 14 người dân vừa được địa phương xem xét hỗ trợ đất và tiền mặt để chuyển về khu tái định cư vào đầu tháng 3/2020. Trong niềm vui cuối năm, đó có lẽ là mốc thời gian đáng nhớ về sự thay đổi lớn lao của bà con trong vùng.
Tại nơi ở mới, gia đình anh Ha Men được cấp diện tích đất rộng 300 m2 và được hỗ trợ thêm 100 triệu đồng tiền mặt, gỗ để dựng nhà. “Nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới, vì nhà chỉ có 2 sào cà phê, chẳng đủ ăn lấy gì mà có đất dựng nhà. Năm nay, gia đình được ăn cái tết đầu tiên vui vẻ, có nhà mới, ai cũng vui” - anh phấn khởi nói.
Gần nhà anh Ha Men khoảng 30 m, chị Liêng Hot K’Phin (22 tuổi, Thôn 2) cũng đang dần hoàn thiện ngôi nhà của gia đình. Chị vui mừng bảo rằng: Trước đây, gia đình chị sống trong ngôi nhà nhỏ đắp bằng đất nằm ở lưng chừng vách núi. Mỗi khi mưa xuống là đêm cả nhà ngủ không yên giấc, chỉ lo sập nhà. Hơn nữa, ở vùng đất cũ, khổ nhất là mấy đứa trẻ con, đi học rất vất vả. Những ngày nắng, trẻ phải đi bộ vì bố mẹ còn lo lên nương làm rẫy từ rất sớm. Đến ngày mưa lại còn khổ gấp chục lần, nhiều hôm mưa to quá đành nghỉ học. Ở nơi ở mới, mọi chuyện đã thay đổi, trường cũng gần một chút, đường sá sạch đẹp, không còn lầy lội như ngày xưa… “Giờ có nơi ở mới, cái bụng cũng yên tâm để nuôi con cái tốt hơn rồi. Năm nay chắc chắn mình sẽ được đón cái tết cổ truyền ấm no, vui vẻ hơn” - chị K’Phin tâm sự.
|
Trong niềm hân hoan ấy, người dân cùng nhau dựng nhà để chuẩn bị đón một cái tết đầu tiên đủ đầy và ấm áp |
Niềm vui trước tết
Nhà mới khang trang lại được đóng trên một địa hình an toàn, gần khu dân cư của trục đường chính trung tâm xã, anh K’Long Đa Vít (30 tuổi, thôn Lán Tranh) và nhiều bà con dần an tâm hơn khi được sinh sống, làm việc ở mảnh đất mới.
Anh Đa Vít cho hay: “Cả đời tui chưa biết đến căn nhà mới. Mười mấy năm trước, cứ mùa mưa đến là nơm nớp lo sạt lở vùi lấp. Giờ được sống ở đây tốt hơn nơi cũ nhiều, không phải canh cánh nỗi lo mùa mưa bão. Chúng tôi mang ơn Đảng và mang ơn Nhà nước nhiều lắm!”.
Theo UBND xã Đưng K’Nớ, những năm qua, cuộc sống người dân đã có nhiều thay đổi tích cực từ tình hình kinh tế - xã hội tới đời sống tinh thần của bà con. Tuy nhiên, ở một số khu vực có địa hình phức tạp, vào mùa mưa bão, bà con tại các nơi như: Thôn 1, 2, Lán Tranh… vẫn sinh hoạt “thấp thỏm” vì nhà cửa nằm “vắt vẻo” bên sườn núi, nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng người dân rất cao. Chính vì lẽ đó, huyện Lạc Dương đã tạo điều kiện, bố trí nơi ở mới để người dân yên tâm sinh sống. Theo đó, UBND huyện Lạc Dương cùng chính quyền xã đã gấp rút giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng đường bê tông, hệ thống điện lưới cùng nguồn nước để sắp xếp, bố trí người dân di chuyển kịp về xây nhà, đảm bảo về nhà ở trước Tết Nguyên đán.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ Thân Văn Hữu cho biết: Tại khu tái định cư, huyện Lạc Dương đã phê duyệt số diện tích 16 ha tương đương với hơn 100 hộ gia đình nằm trong diện nguy cơ cao bị sạt lở sẽ chuyển đến khu tái định mới sinh sống. Đối với mỗi hộ gia đình, dựa trên tình hình nhân khẩu cụ thể từng hộ, địa phương cấp 300 m2 đất và hỗ trợ một số tiền mặt để xây dựng nhà cửa.
“Trước thềm năm mới, hy vọng các hộ dân sẽ sớm ổn định cuộc sống để chăm lo phát triển kinh tế. Về phần địa phương, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ người dân ổn định sinh hoạt khi chuyển về nơi ở mới. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó có chí hướng vươn lên trong cuộc sống, lo làm ăn thoát nghèo” - ông Hữu chia sẻ.
Rời khu tái định cư khi nắng chiều đã nhạt, ánh điện bừng sáng lung linh trên miền đất mới như đang báo hiệu một sự khởi đầu đầy hứa hẹn với người dân Đưng K’Nớ. Dẫu biết rằng phía trước còn đó nhiều sự lo toan và bộn bề của cuộc sống, nhưng đâu đó chúng tôi vẫn bắt gặp được ánh mắt đầy hy vọng khi nhắc về cái tết đầu tiên đang đến thật gần.
|
Lũ trẻ con ở đó cũng tỏ ra thích thú khi được chuyển đến nơi ở mới và gặp những người bạn mới |
THÂN THU HIỀN