Giữ gìn môi trường vùng sản xuất nông nghiệp

06:01, 29/01/2021

Để hạn chế ảnh hưởng từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đến môi trường, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện Lâm Hà đã tiến hành lắp đặt các bể chứa, thu gom loại rác thải nguy hại này tại các địa phương...

Để hạn chế ảnh hưởng từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng đến môi trường, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện Lâm Hà đã tiến hành lắp đặt các bể chứa, thu gom loại rác thải nguy hại này tại các địa phương. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen của nông dân.
 
Trên địa bàn huyện Lâm Hà hiện có khoảng 80 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được lắp đặt
Trên địa bàn huyện Lâm Hà hiện có khoảng 80 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được lắp đặt
 
Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện Lâm Hà là 62.011 ha, chiếm 66,67% diện tích đất tự nhiên. Diện tích cây hàng năm khoảng 5.896 ha, cây lâu năm khoảng 45.998 ha. Ước tính khối lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 4 tấn/năm.
 
Mặc dù rác thải nông nghiệp chưa trở thành vấn đề nổi cộm, quá bức xúc của địa phương, tuy nhiên, huyện Lâm Hà xác định cần phải chủ động và quan tâm ngay từ hiện nay. Bởi “nhiều địa phương đã phải trả giá đắt vì điều này. Một khi môi trường đã bị ô nhiễm thì rất khó để xử lý và khắc phục” - ông Lê Văn Thiêm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lâm Hà, khẳng định.
 
Theo đó, UBND huyện Lâm Hà đã xây dựng Phương án số 410/PA - UBND về thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, trong đó xác định các nội dung được triển khai trong giai đoạn 2019 - 2021. Cụ thể, trong năm 2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chủ trì tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, hộ nông dân, cán bộ cấp xã, thôn về thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào các bể chứa. 
 
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện đã chủ trì xây dựng xong 1 kho lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại bãi rác của huyện, thuộc TDP Xoan, thị trấn Đinh Văn, với diện tích 72 m2, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
 
Trong 2 năm 2019 và 2020, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với UBND các xã lắp đặt được 70 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Trong đó, có 25 bể dung tích 500l/bể được lắp đặt trên địa bàn xã Nam Hà, 45 bể có dung tích 660l/bể được lắp đặt trên địa bàn 9 xã: Mê Linh, Gia Lâm, Đông Thanh, Phú Sơn, Đạ Đờn, Tân Văn, Tân Hà, Hoài Đức, Phúc Thọ. Đồng thời, giao cho UBND các xã trực tiếp quản lý các bể chứa, tuyên truyền và vận động người dân thu gom.
 
Mới đây nhất, cuối năm 2020 vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã chủ trì, phối hợp với UBND các xã Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà tổ chức lễ phát động ra quân thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng vận chuyển lượng bao gói thu gom được từ các bể chứa đã lắp đặt và tại lễ phát động (khoảng 8 m3) về kho lưu chứa tại bãi rác của huyện.
 
Theo ông Lê Văn Thiêm, thay đổi lớn nhất sau 2 năm thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng là đã từng bước thay đổi ý thức của người dân. Thay vì thu gom và tiêu hủy cùng rác thải sinh hoạt hoặc chôn lấp, đốt như trước đây, gây ra ô nhiễm môi trường, nông dân đã thu gom và bỏ vào các bể chứa. Đồng thời, thu hút sự quan tâm và chung tay của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể tại các địa phương. Cụ thể, đã có nhiều câu lạc bộ, nhiều đợt ra quân và chương trình thu gom rác thải được các thôn, xã trên địa bàn huyện tổ chức.
 
Tại xã Gia Lâm, hiện đang có 3 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với dung tích 500l, 5 bể 660l được lắp đặt và đưa vào sử dụng trong 2 năm qua. Anh Đinh Văn Sang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm cho biết: Việc thay đổi thói quen cho nông dân không phải là chuyện ngày một ngày hai, nói là làm được ngay, mà cần có quá trình để họ tìm hiểu, nắm bắt và làm theo. Thế nên, không phải tất cả nông dân dân trong xã đều đã chủ động bỏ rác thải nông nghiệp đúng nơi quy định, nhưng vẫn có những tín hiệu đáng mừng khi họ đã biết nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường.
 
Tương tự, trên địa bàn xã Đông Thanh hiện đang có 5 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, đặt ở 2 thôn trồng nhiều cà phê là Thanh Hà và Thanh Trì. Ông Trần Văn Thọ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh cho biết: Công tác tuyên truyền được địa phương đẩy mạnh, làm sao cho dân hiểu, việc này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và gia đình họ. Từ đó thấy được, công tác thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được triển khai càng rộng rãi càng tốt.
 
Tuy nhiên, một khó khăn mà huyện Lâm Hà đang gặp phải là lượng rác thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định còn ít. Do nguồn kinh phí của địa phương hạn chế, khoảng 286 triệu đồng/năm, nên chưa thể triển khai lắp đặt các bể chứa trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn mà phải từng bước hoàn thiện, bổ sung qua các năm. Theo đúng quy chuẩn, mỗi xã cần có trên dưới 100 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Thế nhưng, hiện toàn huyện Lâm Hà chỉ có khoảng 80 bể, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tại các địa phương.
 
Để nâng cao hiệu quả của công tác thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, trong năm 2021, huyện Lâm Hà tiếp tục lắp đặt thêm các bể chứa trên địa bàn các xã, thị trấn. Thực hiện vận chuyển từ các bể chứa về kho lưu chứa của huyện. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng. Hợp đồng với các đơn vị có chức năng để chuyển giao, sử dụng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định. Với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ, huyện Lâm Hà hướng tới việc chủ động giữ gìn môi trường nói chung và môi trường vùng sản xuất nông nghiệp nói riêng, nhất là khi hướng tới nền sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trong thời gian tới.
 
VIỆT QUỲNH