Tìm mọi nguồn lực để tăng nguồn vốn tín dụng chính sách

04:01, 08/01/2021

Trong năm 2020, tình hình dịch bệnh trên cây trồng diễn biến khá phức tạp, giá cả một số nông sản chủ yếu xuống thấp; đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng, đời sống của Nhân dân gặp nhiều khó khăn...

Trong năm 2020, tình hình dịch bệnh trên cây trồng diễn biến khá phức tạp, giá cả một số nông sản chủ yếu xuống thấp; đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng, đời sống của Nhân dân gặp nhiều khó khăn... Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Cùng với đó, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) tỉnh Lâm Đồng đã bám sát mục tiêu định hướng của HĐQT NHCSXH Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
 
Các ý kiến tập trung vào các giải pháp hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội
Các ý kiến tập trung vào các giải pháp hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội
 
Trong năm 2020, BĐD HĐQT NHCSXH các cấp đã bám sát các chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐQT NHCSXH và NHCSXH Việt Nam để chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách gắn với giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó, ưu tiên cân đối ngân sách chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã quan tâm hơn đến tín dụng chính sách xã hội, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cân đối hỗ trợ vốn cho hộ nghèo để xây mới, sửa chữa nhà ở; mở tài khoản, gửi tiền gửi vào NHCSXH và chuyển một phần Quỹ vì người nghèo ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo...
 
Nhìn chung, năm 2020 NHCSXH hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao: hoàn thành 172,9% chỉ tiêu huy động vốn, 172,5% chỉ tiêu nhận vốn ủy thác đầu tư tại địa phương và 100% kế hoạch dư nợ năm 2020. Chi nhánh NHCSXH tỉnh chủ động triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng ngay từ đầu năm, phối hợp cùng Hội đoàn thể nhận ủy thác triển khai các chương trình tín dụng chính sách kịp thời, sát mùa vụ đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư sản xuất, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra. 
 
Tổng nguồn vốn đến 31/12/2020 đạt 3.802,7 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 8,2% so với đầu năm. Doanh số cho vay trong năm đạt 1.003.698 triệu đồng/28.120 lượt khách hàng, trong đó cho vay sản xuất kinh doanh 744.863 triệu đồng, với mức cho vay bình quân 47,5 triệu đồng/hộ. Doanh số thu nợ 709.983 triệu đồng, chiếm 70,7% doanh số cho vay (tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 96,6%). Tổng dư nợ đến 31/12/2020 là 3.664.291 triệu đồng/95.688 hộ vay, tăng 293.233 triệu đồng (tốc độ tăng trưởng +8,7%) so với đầu năm, đạt 100% kế hoạch. Cho vay thí điểm mô hình Tổ hợp tác tiết kiệm và vay vốn theo Quyết định số 671/QĐ-UBND ngày 27/3/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay đã cho vay được 27 tổ hợp tác TK&VV tại 12 huyện, thành phố với dư nợ 16.215 triệu đồng/270 tổ viên vay vốn. Nợ quá hạn đến 31/12/2020 là 5.302 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,14% tổng dư nợ, giảm về số tương đối 0,05%, giảm về số tuyệt đối 1.139 triệu đồng so với đầu năm. Nợ khoanh 3.376 triệu đồng, chiếm 0,09% trên tổng dư nợ, giảm 258 triệu đồng so với đầu năm.
 
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho 947 hộ nghèo, 3.534 hộ cận nghèo và 4.405 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 2.585 lao động, 17 lao động đi làm việc ở nước ngoài, 2.997 học sinh sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập, giúp cho 9.036 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 328 hộ nghèo làm nhà ở. 
 
Tín dụng chính sách xã hội cùng với các chính sách khác đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,35% (giảm 0,5% so với đầu năm).
 
Tại Hội nghị tổng kết NHCSXH năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 vừa diễn ra ngày 6/1/2021, đại diện các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác và thành viên HĐQT đều có chung nhận định: Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn, nhưng kết quả hoạt động của NHCSXH năm qua rất tốt, là sự nỗ lực của mỗi cá nhân và các tổ chức thành viên trong HĐQT và hệ thống NHCSXH. Các đề xuất kiến nghị đều tập trung vào duy trì nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các xã hoàn thành nông thôn mới tiếp tục được vay vốn để tránh tái nghèo và nếu có thể thì tăng hạn mức để tạo đòn bẩy cho người vay vốn tiếp tục có nguồn lực.
 
Theo ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng: Năm 2021 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; đồng thời, tình hình dịch COVID-19 còn rất căng thẳng, phức tạp... Do đó, các đối tượng thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách vẫn còn rất khó khăn. Hoạt động tín dụng chính sách là hoạt động nhân văn, càng phải được tăng cường trong năm 2021 để đáp ứng cho được nhu cầu nguồn vốn của các đối tượng... Ông yêu cầu, NHCSXH tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp của NHCSXH và BĐD HĐQT; trong đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính sớm chuyển vốn ngân sách về NHCSXH và cùng với nguồn vốn ngân sách của các địa phương đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của các đối tượng chính sách; đồng thời, tiếp tục rà soát, tìm nguồn lực để tăng thêm nguồn vốn cho NHCSXH...
 
LÊ HOA