Sở dĩ trà có nhiều giống, nhiều quy trình chế biến là để phù hợp với tất cả mọi người - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Trà Trí Việt, một trong những người tiên phong trồng trà Oolong tại Bảo Lộc, chia sẻ.
Sở dĩ trà có nhiều giống, nhiều quy trình chế biến là để phù hợp với tất cả mọi người - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Trà Trí Việt, một trong những người tiên phong trồng trà Oolong tại Bảo Lộc, chia sẻ.
|
Một công đoạn của quy trình chế biến trà Oolong. Ảnh nhân vật cung cấp |
Ông Hùng chia sẻ rằng, trà Oolong được người Đài Loan di thực, trồng và chế biến tại Lâm Đồng vào năm 1988. Một thời gian sau đó, năm 1990 và năm 1991, trà Oolong bắt đầu phát triển rộng rãi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bấy giờ, các công ty trà của người Việt như Trí Việt, Tâm Châu, Phước Lạc... trồng và chế biến trà Oolong song song với các công ty của người Đài Loan. “Có một điều thú vị là phần lớn những người làm kỹ thuật trong các công ty Đài Loan lại là người Việt” - ông Hùng nói.
Vì là giống trà hương, một loại trà cao cấp, nên quy trình trồng, chăm sóc, chế biến trà Oolong rất công phu, phức tạp, từ khâu chọn giống, chọn đất cho đến lúc ra thành phẩm phải trải qua 16 công đoạn. Theo ông Hùng, trà Oolong cho thu hái 6 - 7 lứa/năm. Mỗi lứa thu hái cách nhau 45 - 50 ngày. Quy cách hái trà là một búp cộng 2 hoặc 3 lá. Trong quá trình thu hái, yêu cầu không được làm dập nát các lá trà, cũng như không phơi trà ngoài nắng quá lâu vì trà sẽ bị hâm nóng, đẩy nhanh quá trình oxy hóa, chất lượng trà sẽ kém đi. Khâu vận chuyển và bảo quản trà cũng đòi hỏi phải đúng quy trình. Thời gian từ lúc hái trà đến lúc vận chuyển về nhà máy chế biến càng nhanh càng tốt. Đó là lý do vì sao các nhà máy chế biến trà Oolong thường được xây dựng ngay trên vườn trà. “Trà Oolong có nhiều loại giống, bao gồm trà Oolong trắng, Kim tuyên, Thúy ngọc, Tứ quý, Thanh tâm, Hồng tâm, Võ di và Thiết quan âm... Mỗi loại giống trà là một nguyên liệu khác nhau. Nguyên liệu khác nhau sẽ tạo ra sản phẩm khác nhau. Do đó, quy trình chế biến các loại trà Oolong cũng sẽ khác nhau” - ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, sự phong phú về chủng loại trà Oolong là để đáp ứng yêu cầu về phẩm chất và chất lượng trà của người uống trà. Thế nên việc lai tạo giống trà mới luôn được chú trọng. Trong khi lai tạo, người tạo giống cố khắc phục những nhược điểm của giống cũ, biến giống mới trở nên phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, sinh trưởng tốt, tạo ra năng suất cao hơn và chất lượng cũng cao hơn.
Trà Oolong là giống trà hương. Quy trình chế biến trà là quy trình bán lên men. Tùy theo loại trà mà mức độ lên men khác nhau. Mức độ lên men khác nhau, hương vị trà sẽ đậm nhạt khác nhau. Trà được lên men tạo ra hương vị trà đặc trưng mà không cần dùng đến hương liệu. Trà Oolong khi uống có vị ngọt cam, hương như hoa và mùi ngọt của trái cây chín. “Sắc, hương, vị, hình là thước đo chất lượng sản phẩm trà. Qua sắc, hương, vị, hình, người sành trà sẽ đọc ra các thông số về trà: Vị trí địa lý, trồng ở độ cao bao nhiêu, giống trà quý hay thường, trà lên men ở mức độ nào, mùi vị và hương thơm ra sao” - ông Hùng trao đổi.
TRIỀU KA