Đức Trọng chủ động phòng, chống hạn

08:02, 23/02/2021

"Mặc dù thời tiết nắng kéo dài nhưng đến thời điểm này, địa bàn huyện Đức Trọng chưa xảy ra hạn đối với cây trồng", Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đức Trọng Phạm Hồng Hải trả lời chúng tôi vào cuối tháng 2/2021. 

 

“Mặc dù thời tiết nắng kéo dài nhưng đến thời điểm này, địa bàn huyện Đức Trọng chưa xảy ra hạn đối với cây trồng”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đức Trọng Phạm Hồng Hải trả lời chúng tôi vào cuối tháng 2/2021. 
 
Trạm bơm Liên Hoa (Phú Hội) vừa hoàn thành nâng cấp sửa chữa cuối năm 2020 để tưới 65 ha, chủ yếu cho rau và hoa
Trạm bơm Liên Hoa (Phú Hội) vừa hoàn thành nâng cấp sửa chữa cuối năm 2020 để tưới 65 ha, chủ yếu cho rau và hoa
 
Cây trồng chưa thiếu nước 
 
Tháng 2 năm 2021 đang là tháng thứ 3 của vụ Đông Xuân 2020 - 2021. Huyện Đức Trọng tập trung chỉ đạo sản xuất; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ và phương án phòng, chống hạn như kiểm tra công trình thủy lợi, lập kế hoạch xin vốn sửa chữa công trình, đôn đốc thi công, xây dựng kế hoạch tưới... Đến nay, toàn huyện đã xuống giống được 756/704 ha theo kế hoạch. Lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và chưa bị thiếu nước hoặc khô hạn. Đối với vụ rau Đông Xuân, tháng 2, Đức Trọng đã xuống giống khoảng 850 ha. Lũy kế diện tích rau vụ Đông Xuân, đến nay khoảng 6.230/6.860 ha kế hoạch cả vụ. Rau chủ yếu ở Đức Trọng là hành, ngò, củ cải, cà rốt, xu hào, cải thảo, xà lách, cà chua... Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, trong tháng 1, giá nông sản rớt từ 1/2 đến 2/3, nhiều vườn phải cày bỏ, nhất là xà lách, hành lá. Riêng về hoa, Đức Trọng đã xuống giống hết, tổng diện tích khoảng 550/557 ha. Chủ lực là hoa layơn, cũng thiệt hại khá nặng mấy ngày gần tết do ảnh hưởng dịch COVID-19. Toàn huyện có khoảng 18.000 ha cà phê. Ông Hải cho biết: “Đến thời điểm này, đã tưới nước hoàn thành đợt thứ nhất. Nguồn nước tưới cho cây cà phê nói riêng và các loại cây lâu năm nói chung vẫn chưa có tình trạng thiếu nước nghiêm trọng”. 
 
Một trong những yếu tố cơ bản là Phòng NN&PTNT huyện Đức Trọng tổ chức khảo sát thực địa và đồng thời căn cứ những đề xuất từ các xã để tham mưu đề xuất UBND huyện chỉ đạo triển khai sửa chữa, đầu tư mới hệ thống các công trình thủy lợi. Hiện, toàn huyện Đức Trọng có 7 công trình đập dâng, 34 hồ chứa và 10 trạm bơm nước. Trong đó, công trình đập dâng thiết kế tưới 3.135 ha, thực tế tưới 2.860 ha (195 ha lúa, 1.130 ha cây công nghiệp và 1.535 ha rau, hoa). Các hồ chứa có tổng diện tích mặt nước trên 257 ha, diện tích tưới thiết kế 2.781 ha, thực tế đã tưới 2.323 ha (669 ha lúa, 1.004 ha cây công nghiệp và 630 ha rau, hoa). Các trạm bơm thiết kế tưới 725 ha, thực tế mới đạt 350 ha (151 ha lúa, 157 ha cây công nghiệp và 62 ha rau, hoa). 
 
Tích cực duy tu, sửa chữa và đầu tư mới 
 
Như nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Đức Trọng xây dựng từ rất lâu. Trong số 7 đập dâng, sớm nhất là năm 1978, như các công trình đập dâng Định An, Quảng Hiệp; gần đây nhất là đập Đarahoa (năm 2011) và đập K’Rèn (năm 2006). Đối với 34 hồ chứa, thời gian xây dựng xa nhất là hồ Đa Me (1978), Tà Hine 1, Thôn 1 (Đoàn Kết), Ông Chấn (Se Đăng), Ba Cống, 3 tháng 2 (đều xây dựng năm 1979); nhiều công trình xây dựng ở thập kỷ 80 thế kỷ trước; từ năm 2000 - 2011 có 12 công trình. Trong đó, 2 công trình hồ chứa K’Nai ở xã Phú Hội và hồ Ma Am ở xã Đà Loan đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Đối với trạm bơm, trong số 10 trạm có Trạm Liên Hoa xây dựng năm 1975, Trạm Gou Gah xây dựng năm 1978, Trạm Thanh Bình xây dựng năm 1980, bảy trạm còn lại xây dựng từ năm 2003 - 2017. Vì vậy, để đảm bảo công tác tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và thực hiện hiệu quả Đề án 1785 của UBND tỉnh Lâm Đồng về đầu tư các ao, hồ nhỏ, huyện Đức Trọng chú trọng đến công tác duy tu, bảo dưỡng hàng năm, đồng thời đầu tư mới. Hai công trình trạm bơm đầu tư gần đây nhất là Trạm Phú Ao ở xã Tà Hine (năm 2016), Trạm Kim Phát ở xã Bình Thạnh (năm 2017) với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Năm 2020, đồng thời với việc đầu tư nhiều tỷ đồng để sửa chữa hệ thống kênh dẫn, Trạm bơm Liên Hoa và Gou Gah ở xã Phú Hội được nâng cấp, sửa chữa. Riêng Trạm Gou Gah đang tích cực đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, sửa chữa với kinh phí trên 8,3 tỷ đồng. Cuối tháng 2/2021, có mặt tại công trình Trạm Gou Gah, ông Nguyễn Văn Bình, đơn vị thi công cho chúng tôi biết: Hiện công trình trạm đã cơ bản xong phần sửa chữa và khơi dòng. Hệ thống kênh dẫn dài 3,7 km đã thi công được 1,1 km, cự li còn lại do công trình không sử dụng nhiều chục năm nay nên người dân họ sản xuất, địa phương đang vận động người dân hiến đất để khẩn trương thi công. Với hệ thống công trình thủy lợi nêu trên và gần 149 km kênh mương, trên địa bàn huyện Đức Trọng, nguồn nước đã được tưới thực tế 5.533 ha (1.015 ha lúa, 2.291 ha cây công nghiệp và 2.227 ha rau, hoa). Ngoài ra, tận dụng các ao, hồ và các khe, huyện triển khai chặn dòng, be bờ để sử dụng nguồn nước tự nhiên tưới cho 282 ha cây trồng các loại.
 
Tiếp tục hứa hẹn mùa bội thu 
 
Năm 2020, huyện Đức Trọng với 3 vụ (Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông) có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 35.349 ha, đạt 99,58% kế hoạch năm và 99,6% so với năm 2019. Trong đó, tổng diện tích gieo trồng cả năm 52.859 ha, đạt 101% so năm 2019 và 99,89% kế hoạch năm (trong đó, cây hàng năm 32.250 ha và cây lâu năm 20.356 ha). Hệ số sử dụng đất 1,5 lần, đạt 102% so năm 2019 và 100,67% kế hoạch năm. Theo đó, tổng sản lượng lương thực từ lúa và bắp cả năm 16.904 tấn, đạt 91,8% so với năm 2019. Các loại cây lương thực-thực phẩm từ củ (trừ khoai lang) giảm diện tích do giá trị kinh tế không cao, nhưng cây thực phẩm vượt kế hoạch trên 100% về diện tích và đưa lại tổng sản lượng 733/169 tấn rau/năm. Đối với cây hoa, cả 3 vụ đạt 99,5% kế hoạch và trên 107% so với 3 vụ năm 2019. Riêng cây lâu năm, năm 2020, Đức Trọng có 20.536 ha, giảm 598 ha so năm 2019. Cũng theo Trưởng phòng Phạm Hồng Hải: “Kết thúc năm 2020, diện tích, năng suất các loại cây như rau màu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của năm”. 
 
Cùng với sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao từng bước phát triển đáng kể, nhiều diện tích cây trồng ở Đức Trọng đang chuyển dần sản xuất theo hướng sử dụng công nghệ 4.0, tin tưởng ngành trồng trọt của huyện sẽ chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô hạn. Hứa hẹn vụ mùa bội thu như mong đợi. Đây cũng là cơ sở để huyện trong tháng 3 này triển khai Đề án liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. 
 
MINH ĐẠO