Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, rừng ở Lâm Đồng có nguy cơ bị xâm hại cao do khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép...
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, rừng ở Lâm Đồng có nguy cơ bị xâm hại cao do khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, bởi đang bước vào mùa khô nên nguy cơ cháy rừng cũng rất lớn. Vì vậy, các đơn vị chức năng trên địa bàn đã tập trung các biện pháp để giữ rừng dịp tết.
|
Số gỗ tang vật cơ quan chức năng thu giữ từ các đối tượng phá rừng, vận chuyển qua địa bàn xã Tà Năng những ngày giáp Tết Nguyên đán |
Diễn biến phức tạp
Thời gian gần đây, khu vực huyện Đức Trọng nổi cộm về khai thác, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật, nhất là dọc cung đường Tà Năng - Phan Dũng đi các xã vùng Loan (Đa Quyn, Tà Năng, Đà Loan, Tà Hine, Ninh Loan).
Đơn cử như ngày 6/1, nhận được nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Trạm Cầu Võng tiến hành tuần tra kiểm tra tại lô b khoảnh 6, Tiểu khu 347B thì phát hiện ông Ya Điêu, sinh năm 1977, thường trú tại Klong Bong, xã Tà Năng (Đức Trọng) có hành vi dùng máy cưa xăng cầm tay khai thác lâm sản trái phép. Tại hiện trường, ông Ya Điêu cắt hạ 3 cây thông 3 lá. Khối lượng thiệt hại là hơn 4 m3.
Tương tự ngày 26/1, tại Đức Trọng, Phòng PC 46 - Công an tỉnh phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đức Trọng, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) số 1 - Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Công an huyện tiến hành mật phục kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ 2 vụ vi phạm về hành vi “Tàng trữ lâm sản trái pháp luật” xảy ra tại thôn Ma Am, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng.
Cụ thể, tại khu vực chăn nuôi heo của một gia đình ở thôn Ma Am, xã Đà Loan phát hiện có 339 hộp, phách gỗ xẻ các loại như cà chí, căm xe, dầu, bằng lăng, gụ lau và gỗ tạp, với tổng khối lượng 39,570 m3. Toàn bộ số lâm sản đều nằm trên mặt đất và trên 4 phương tiện gồm 2 xe tải có mui, 2 xe cải tiến độ chế. Tại hiện trường có một nhóm 7 người. Cách vị trí này khoảng 1 km, tại bãi đất trống, lực lượng chức năng phát hiện một số gỗ gồm cà chí, dầu, bằng lăng, căm xe và gỗ tạp với tổng khối lượng 5,357 m3.
Mở rộng tìm hiểu về thực trạng này trên địa bàn toàn tỉnh, hằng năm, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán tại các địa phương khác, các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản cũng tăng cường hoạt động về quy mô, mức độ và ngày càng có nhiều hình thức, thủ đoạn mới. Từ đó, làm cho tình hình kiểm tra, kiểm soát, quản lý lâm sản diễn ra khá phức tạp đối với lực lượng kiểm lâm.
|
Số gỗ tang vật cơ quan chức năng thu giữ từ các đối tượng phá rừng, vận chuyển qua địa bàn xã Tà Năng những ngày giáp Tết Nguyên đán |
Nhiều biện pháp giữ rừng
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã được Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo điều hành; các ngành, các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc; công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản, xử lý vi phạm của các ngành được tổ chức thực hiện quyết liệt và kịp thời. Đến nay, tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh đã hạn chế đến mức thấp nhất.
Xác định cuối năm và Tết Nguyên đán là thời điểm rất dễ xảy ra các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, ông Đỗ Huỳnh, Phó Trưởng Ban QLRPH Tà Năng cho biết, đơn vị đã bố trí các tổ, đội và trạm quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị tăng cường lực lượng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất các hành vi xâm hại đến rừng.
Hiện nay, tình trạng người dân Lâm Đồng qua vùng đất Bình Thuận để khai thác gỗ trái phép vẫn diễn ra, chính vì vậy ngoài việc tăng cường lực lượng gác trực 24/24, đơn vị còn tuyên truyền cho người dân sống gần rừng cũng như các hộ được giao khoán, quản lý bảo vệ rừng của đơn vị phải thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra, kịp thời báo cáo chủ rừng và chính quyền địa phương khi phát hiện trường hợp vi phạm để có biện pháp xử lý.
Theo ông Lê Đình Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng: Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình trạng khai thác rừng trái phép; mua, bán, cất giữ và vận chuyển lâm sản; săn bắt, giết mổ động vật rừng trái pháp luật diễn biến phức tạp, nguy cơ rừng bị xâm hại cao hơn các thời điểm khác trong năm, gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, để triển khai các biện pháp cấp bách nhằm kiểm soát tình hình và chủ động ứng phó có hiệu quả các tình huống xảy ra, kịp thời ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời điểm trước, trong và sau tết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh phối hợp với các đơn vị chủ rừng, chính quyền các địa phương, đặc biệt là lực lượng công an chính quy các xã để sẵn sàng cơ động, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm.
Chi cục Kiểm lâm phân công cán bộ, công chức luôn đảm bảo thường trực 24/24 giờ tại đơn vị; hàng ngày bố trí từ 4 - 5 cán bộ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong suốt thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Đồng thời chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1, 2 và các Hạt Kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn trong suốt những ngày tết, đặc biệt là kiểm tra công tác trực tại các điểm trực cháy theo quy định.
Qua đó, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; trong dịp Tết Tân Sửu, trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 3 vụ vi phạm, trong đó 3 vụ vi phạm có 1 vụ xác định được đối tượng, 2 vụ chưa xác định được đối tượng.
Cùng với sự nỗ lực của các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm các địa phương cũng tích cực triển khai công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát trong tháng cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm tài nguyên rừng ngay tại cơ sở, địa bàn.
H.YÊN - C.THÀNH