"Đó là một buổi sáng, thức dậy, mở cửa sổ, tôi thấy chỗ nào cũng mờ ảo sương mù. Tôi cảm giác mình bỗng chốc rơi vào xứ thần tiên nào đó....
“Đó là một buổi sáng, thức dậy, mở cửa sổ, tôi thấy chỗ nào cũng mờ ảo sương mù. Tôi cảm giác mình bỗng chốc rơi vào xứ thần tiên nào đó. Những tháng ngày niên thiếu ấy, đối với tôi, sương mù trở thành người nghệ sĩ tuyệt vời. Bất kỳ công trình nào sau làn sương đều biến thành lâu đài. Cảm xúc ấy vẫn còn trong tôi đến tận bây giờ. Mà đến sau này, cho dù ở Paris, London, Rome, New York... tôi đều không thể có được cảm xúc tương tự”, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn bộc bạch.
|
KTS Ngô Viết Nam Sơn |
Dù lên phố núi nhiều lần, nhưng mãi tới những năm ở bậc trung học cơ sở kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn mới thực sự “phải lòng” Đà Lạt. Và cũng dễ hiểu, phải nặng lòng với thành phố lắm lắm, ông mới ruột gan phơi bày hết những nghĩ suy của mình đến thế về tình yêu dành cho Đà Lạt.
Lý giải cho tình yêu vô bờ bến ấy, đơn giản thôi, bởi thành phố trên cao là quê ngoại của ông, là nơi cha mẹ ông gặp nhau phối ngẫu nên duyên. Hơn tất cả, là ông thấy bình yên mỗi khi trở về. Ở đó, ký ức tìm về, thảnh thơi hiện tại để ấp ủ những dự định, cả những hy vọng ở phía ngày mai.
1. Nhắc đến cái tên Ngô Viết Thụ, chắc hẳn không ít người tường tận, bởi ông là KTS nổi tiếng của Việt Nam. Người đã đoạt giải Khôi nguyên La Mã năm 1955 và cũng là người châu Á đầu tiên trở thành hội viên danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (AIA), là tác giả của nhiều công trình kiến trúc hiện đại như Dinh Độc Lập, Giảng đường Phượng Vỹ Đại học Nông Lâm, Đại học Nông nghiệp Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Đặc biệt, ở Đà Lạt vẫn còn nguyên dấu ấn của ông với Chợ Đà Lạt và Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt.
Năm 1955, KTS Ngô Viết Thụ nhận giải Nhất Giải thưởng lớn Rôma về Kiến trúc, thường được gọi là Khôi nguyên La Mã. Thời gian sau đó, ông lưu trú tại Biệt thự Medicis của Viện Hàn lâm Pháp tại Roma để làm nghiên cứu về quy hoạch kiến trúc. Các triển lãm kiến trúc, quy hoạch, hội họa của ông và các bạn khôi nguyên La Mã trong suốt ba năm, đều vinh dự có tổng thống Pháp và Italia đến cắt băng khánh thành.
Là người duy nhất trong 8 người con nối nghiệp của cha mình, nhưng KTS Ngô Viết Nam Sơn không bị sợi dây vô hình trói buộc trong cái bóng quá lớn của cố KTS Ngô Viết Thụ. Trái lại, ông còn xem đó là thử thách, không phải để vượt qua, mà chỉ đơn thuần là tạo lập thêm giá trị riêng khác nữa, sau một Ngô Viết Thụ vốn đã quá lẫy lừng.
KTS Ngô Viết Nam Sơn tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ với học vị Tiến sĩ tại Đại học Washington và văn bằng Thạc sĩ tại Đại học California ở Berkelay. Ông hiện là Chủ tịch Ngoviet Architects & Planners với trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ.
“Hổ phụ sinh hổ tử” là cách diễn đạt ngắn nhất để nói về KTS Ngô Viết Nam Sơn. Ông từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn tại Việt Nam như Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Bắc Hà Nội; hay ở các nước như Quy hoạch Đô thị mới Filinvest và nhà ga Sân bay quốc tế Aquino (Philippines), Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (TP Thượng Hải - Trung Quốc), Thành phố Kyoto Thế kỷ 21 (Nhật Bản), Dự án phát triển Le Havre (Montreal - Canada)...
Bận rộn là thế, nhưng Đà Lạt luôn là tiếng gọi để ông tìm về sau những bôn ba xuôi ngược. Thành phố ấy sao lại níu giữ cảm xúc ông đến mãnh liệt như vậy? Cũng đơn giản thôi, bởi hơn 50 trước, cha ông, một chàng tân sinh viên nghèo, tay trắng, xách valy từ Huế vào Đà Lạt để theo học Trường Cao đẳng Kiến trúc. Theo lời của KTS Ngô Viết Nam Sơn thì người đầu tiên cha anh gặp là một nữ sinh cấp hai. “Cô ơi cho tui hỏi đường tới nhà trọ này?”, nghe chỉ đường xong, cha anh đi và ngoái lại hỏi với thêm một câu: “Gạo một ký bao nhiêu?”, cô nữ sinh giơ hai ngón tay: “Hai đồng”!
Cũng vì học giỏi, cha anh được giới thiệu dạy kèm cho các gia đình ở trung tâm thành phố. Như một mối duyên tiền định, KTS Ngô Viết Thụ trở thành gia sư cho gia đình cô nữ sinh và các em của mình, rồi trở nên thân thiết. Nhiều năm sau đó, họ trở thành vợ chồng.
|
Sương về thành phố. Ảnh: Nguyễn Nghĩa |
“Đó là câu chuyện của cha mẹ tôi. Sau này, hai ông bà giao hẹn là mỗi khi giận nhau, không quan trọng là lỗi của ai, chỉ cần một người giơ hai ngón tay lên thì xí xóa làm hòa, không giận nữa”. Ký ức đẹp đẽ ấy của KTS Ngô Viết Nam Sơn về các cụ thân sinh có lẽ là một phần níu giữ để ông luôn tâm niệm phải luôn tìm về Đà Lạt, trở về nơi mình đã sinh ra, để mong ngóng khói sương, thứ hữu hình được đong đếm bằng cảm xúc, đôi khi thảng thốt, bất chợt, điều đã làm cho ông “phải lòng” Đà Lạt từ thưở nào.
Trăn trở và cùng tận với Đà Lạt, cũng như rất nhiều người yêu thành phố, mỗi sự trở mình trước biến đổi của của cơn lốc đô thị hóa cũng đều mang lại cảm giác chua xót trong ông. Đà Lạt với ông là nơi rất đẹp, mộng mơ và con người thân thiện. Nhưng cảm giác ấy cứ ngày mất thêm một chút, mà sự mất mát lại bởi con người, bởi sự chủ quan, nên chưa bao giờ ông thôi đau đáu, thôi từng nghĩ về Đà Lạt.
KTS Ngô Viết Nam Sơn luôn tự hào về cha mình, và chưa bao giờ phủ nhận việc chịu ảnh hưởng sâu đậm phong cách Á Đông kết hợp với kiến trúc cổ điển Pháp của KTS Ngô Viết Thụ trong các công trình của ông. Nhưng thành công của ông ngày hôm nay là cũng bởi ông biết tự tìm cho mình lối đi riêng. Mà quy hoạch kiến trúc tổng thể, nơi hội tụ đủ và tổng hòa những yếu tố, giá trị về kinh tế, văn hóa, lịch sử và môi trường lại là những điều ông đã làm và đang làm tốt nhất ở khả năng của mình.
Một trong những trăn trở của ông chính là vấn đề quy hoạch Đà Lạt, bởi với ông nếu không làm kỹ lưỡng, sẽ biến “Đà Lạt từ cô thiếu nữ má hồng e thẹn trở thành cô gái thành thị lạnh lùng”. Nỗi lo ấy không còn là vô hình, hay từ những nghĩ suy từ thế hệ của ông, mà còn là cảm giác của chính từ lớp tiền bối như cha ông.
“Một trong những điều tự hào nhất cha tôi đã làm cho mẹ chính là đánh điện tín báo tin mừng cho bà biết đầu tiên sau khi thắng giải Khôi nguyên La Mã. Tin mừng ấy sau đó đã lan truyền ra toàn Đà Lạt và cả nước. Và điều đầu tiên cha tôi làm sau khi du học về cũng chính là quay lại Đà Lạt để xây dựng những công trình nơi đây. Ông thường nói với tôi, Đà Lạt là một nơi rất khó làm quy hoạch, vì giá trị cốt lõi của thành phố không phải là công trình, mà là thiên nhiên”, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay.
Tôi từng được nghe ông chia sẻ cũng như đọc rất nhiều bài viết của ông. Với trách nhiệm của một người làm quy hoạch, lương tâm không cho phép ông im lặng trước những mất mát về không gian sống. Im lặng đồng nghĩa với cắn rứt, với sự “khó ở” dằn vặt, những bài viết như “Cơn gặm nhấm di sản”, “Bi kịch của núi rừng” đã được ông viết ra như tiếng lòng mình.
Ai đến Đà Lạt chẳng mong muốn được đi bộ trên những con dốc phố nhỏ xinh để tận hưởng không khí, tận hưởng sự khoáng đạt của không gian thiên nhiên. Với KTS Ngô Viết Nam Sơn, chỉ xét đơn thuần đến yếu tố kinh tế, khi Đà Lạt tiếp cận theo hướng lấy cộng đồng làm trung tâm, cho người dân tham gia vào dự án, tạo điều kiện để họ chỉnh trang khu phố, và kinh doanh bằng chính ngôi nhà họ đang ở như làm dịch vụ thương mại, lưu trú bằng cách biến những con đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 3/2, Bùi Thị Xuân... thành những con phố đi bộ thì càng có lợi về lâu dài.
Từ đó, người dân có thu nhập, du khách thích thú vì được sống trong cộng đồng, họ sẽ đóng thuế cho nhà nước nhiều hơn. Trong khi nhà nước không tốn nhiều tiền để đầu tư, đất công vẫn thuộc về thành phố, để cải tạo những công trình phúc lợi cộng đồng như bảo tàng, nhà hát đa năng, thư viện... mà không bị giao cho một tập toàn, công ty, hay một cá nhân nào đó.
Đà Lạt là một đô thị có trên 100 năm phát triển, đã có khu lịch sử phố Pháp ở phía Nam và đồng thời cũng có khu phố Việt. Đó chính là khu phố cốt lõi đã được người Việt xây dựng hàng trăm năm tại khu vực Hòa Bình. Khu vực này như một “36 phố phường” của Hà Nội, xuyên suốt, gắn liền, mang đậm dấu ấn riêng có với bản sắc đặc trưng không thể lẫn của người dân thành phố. Nếu cứ mang những cao tầng, sự hiện đại thêm vào, chắc sẽ có lỗi với tiền nhân.
Điều ông day dứt nhiều nhất, chính là giá trị môi trường của Đà Lạt. Những ai sống hoặc đã vô tình “phải lòng” Đà Lạt cũng đều biết rõ, giá trị cốt lõi của thành phố vẫn là khí hậu mát lành và sương mù - đặc sản của Đà Lạt. Cả hai thứ đó chỉ còn tồn tại nếu giảm được mật độ bê tông và tăng thêm cây xanh, điều không thể khác. Đà Lạt không hợp với những công trình có khối tích lớn, bởi triết lý phát triển của thành phố này phải là thành phố trong rừng mà không cần phải thêm bản copy của bất kỳ một thành phố nào khác.
Hỏi ông nghĩ gì về Đà Lạt của hiện tại? Ông cười nói: “Đừng làm sương mù mất đi”. Tiếp tục với suy nghĩ của một KTS, ông nhẹ nhàng: cân nhắc, đặc biệt đừng chạy theo tư duy mét vuông như những đô thị khác và luôn phải có cái nhìn rộng mở.
Ông cũng như tôi, và còn nhiều người khác, đâu thể ích kỷ bởi Đà Lạt vốn đâu của riêng ai! Chỉ mong rằng, trong những lần thức giấc vào mỗi sớm mai, dưới từng rặng thông kia, hoa cỏ kia, sương mù đừng có tan đi!
ĐẶNG TUẤN LINH