Tiếp nhận phản ánh của người dân qua trực tuyến

06:02, 05/02/2021

Sau hơn 19 tháng vận hành thử nghiệm ứng dụng "Đà Lạt trực tuyến", thành phố đã tiếp nhận trên 1.700 phản ánh từ người dân trên địa bàn, tập trung vào các lĩnh vực nhiều quan tâm hiện nay.

Sau hơn 19 tháng vận hành thử nghiệm ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến”, thành phố đã tiếp nhận trên 1.700 phản ánh từ người dân trên địa bàn, tập trung vào các lĩnh vực nhiều quan tâm hiện nay.
 
Kiểm soát giao thông qua hệ thống camera đường phố tại Trung tâm điều hành thành phố Đà Lạt
Kiểm soát giao thông qua hệ thống camera đường phố tại Trung tâm điều hành thành phố Đà Lạt
 
Trên 13,3 nghìn lượt cài đặt 
 
Với khẩu hiệu Kết nối người dân - chính quyền, Đà Lạt trực tuyến - IGov Connect là một ứng dụng quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh hiện nay của Đà Lạt. 
 
Ứng dụng IGov Connect được thành phố Đà Lạt phối hợp với VNPT Lâm Đồng tạo ra với 3 chức năng chính: người dân gửi ý kiến phản ảnh với chính quyền, bốc số một cửa trực tuyến và theo dõi số thứ tự một cửa. Cùng đó, thông qua ứng dụng này người dân cũng có thể tra cứu định vị hồ sơ, đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, tra cứu thông tin quy hoạch mình cần.
 
Để vận động người dân trên địa bàn sử dụng ứng dụng này cùng với ứng dụng hỗ trợ Du lịch Đà Lạt - Dalat City, thành phố Đà Lạt đã cho in trên 80 nghìn tờ rơi cung cấp cho các phường, xã. Các tờ rơi này được phát đến từng gia đình người dân trên địa bàn trong đó có hướng dẫn cách cài đặt và sử dụng trên điện thoại thông minh.
 
Ngành chức năng Đà Lạt còn phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể của tỉnh và thành phố cài đặt ứng dụng Đà Lạt trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức. Đà Lạt cũng vận động người dân khi đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của UBND thành phố có thể sử dụng phần mềm này để lấy số thứ tự trực tuyến, đánh giá, phản ánh công tác phục vụ của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, lấy thông tin quy hoạch hoặc có thể gửi ý kiến phản ánh đến chính quyền.
 
Tính cho đến thời điểm hiện nay, theo ngành chức năng thành phố, đã có khoảng 17 nghìn công dân tải, sử dụng ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, với 158 nghìn lượt tương tác ở trong nước và trên 700 lượt tương tác ở nước ngoài. Đã có 26.538 công dân lấy số trực tuyến để thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố Đà Lạt.
 
Đà Lạt đến nay đã bố trí cán bộ để theo dõi và xử lý ứng dụng, trực tiếp giải quyết kiến nghị đối với lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính phát sinh của toàn thành phố. Đồng thời, Trung tâm Công nghệ thông tin VNPT Lâm Đồng cũng bố trí 2 cán bộ xử lý các tình huống kỹ thuật, bổ sung tính năng cho phần mềm. Các phòng ban, đơn vị và UBND các phường, xã đã bố trí cán bộ thường xuyên đăng nhập, theo dõi, xử lý, báo cáo kết quả xử lý người dân gửi đến trên ứng dụng.
 
Trên 30 phản ánh của người dân mỗi ngày
 
Bên cạnh ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, theo Phòng Văn hóa - Thông tin Đà Lạt, thành phố còn có các ứng dụng hữu dụng khác trong chương trình xây dựng thành phố thông minh đang được người dân tải rất nhiều. Dẫn đầu trong số này là ứng dụng Du lịch Đà Lạt với khoảng 20 nghìn lượt tải, kế đến là ứng dụng Quy hoạch phát triển đô thị với trên 18,5 nghìn lượt tải, ứng dụng Giáo dục với trên 2 nghìn lượt tải. 
 
Với ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, tính từ tháng 6/2019 đến cuối tháng 12/2020, đã có 26.538 công dân đăng ký số trực tuyến lấy số thứ tự và tra cứu thủ tục hành chính.
 
Cùng đó, người dân thông qua ứng dụng này đã phản ánh đến chính quyền 1.756 ý kiến trong rất nhiều lĩnh vực. Nhiều ý kiến gửi đến nhất chính là lĩnh vực trật tự xây dựng với 593 phản ánh; trật tự đô thị 435 phản ánh; môi trường 326 phản ánh; an toàn giao thông, an ninh trật tự 229 phản ánh; văn hóa, du lịch 108 phản ánh; quản lý bảo vệ rừng 20 phản ánh; vệ sinh an toàn thực phẩm 28 phản ánh; giá cả thị trường 11 phản ánh. 
 
Điều đáng nói, hầu hết các ý kiến phản ánh này có tỷ lệ đúng rất cao. Trong 1.756 phản ánh đó, chỉ có 54 phản ánh là không đúng; hầu hết phản ánh đã được thành phố tiếp nhận và xử lý kịp thời. Thành phố đến nay đã xây dựng quy chế tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh của người dân, tổ chức qua ứng dụng Đà Lạt trực tuyến.
 
Theo ông Phạm Tấn Long, cán bộ phụ trách công tác cải cách hành chính thành phố Đà Lạt, Đà Lạt trực tuyến cho đến nay đã phục vụ tốt công tác quản lý trên địa bàn. Ứng dụng này, theo ông, dễ khai thác, sử dụng, nâng cấp, bổ sung tính năng, tác nghiệp trên điện thoại thông minh nên công chức có thể tiếp nhận, xử lý, báo cáo kết quả nhanh chóng, các công dân cũng dễ dàng khai thác các tính năng của ứng dụng và các phần mềm kèm theo. Nhờ ứng dụng này giúp cho các phòng ban, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực dễ dàng hơn trong quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. “Ứng dụng thực sự là cầu nối, kênh tương tác giữa người dân, tổ chức với chính quyền thành phố” - ông Long cho biết.
 
Còn theo ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Đà Lạt, ứng dụng Đà Lạt trực tuyến được nhiều người dân khi tải về sử dụng đã đánh giá rất cao: “Không cần phải đến bộ phận một cửa xếp hàng chờ đợi mà có thể bốc số qua mạng rồi canh giờ của mình mà đến, rồi theo dõi hồ sơ mình đến đâu. Thông qua ứng dụng này, nếu người dân thấy gì không ổn về công tác quản lý có thể chụp hình bằng điện thoại rồi gửi đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ lập tức cử người đến hiện trường xử lý ngay”.
 
Chính những tiện lợi này nên theo ông Kiệt, trong thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục vận động người dân tải và sử dụng ứng dụng Đà Lạt trực tuyến này. Thành phố yêu cầu các phường, xã tăng cường chỉ đạo, giám sát việc tuyên truyền, vận động tại các tổ dân phố, bố trí công chức ngành Văn hóa Thông tin tham gia các cuộc họp tổ dân phố vận động trực quan để người dân thấy được các tiện ích và các điểm thuận lợi trong các ứng dụng trong xây dựng thành phố thông minh để tải về sử dụng. Thành phố cũng sẽ vận động mạnh cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, các trường học cài đặt, khai thác và tích cực tuyên truyền ứng dụng Đà Lạt trực tuyến đến người thân, Nhân dân tại khu vực sinh sống.
 
Theo ông Long, thành phố sẽ tiếp tục cập nhật, điều chỉnh, bổ sung tính năng, đồng bộ hóa với các thủ tục hành chính tại phần mềm của tỉnh để đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời tiếp tục phân loại, mở rộng lĩnh vực để phù hợp với chức năng xử lý của các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.
 
VIẾT TRỌNG