Đơn Dương: Trù phú vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

04:03, 16/03/2021

Là vựa rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, huyện Đơn Dương luôn nỗ lực phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao...

Là vựa rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, huyện Đơn Dương luôn nỗ lực phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Câu chuyện về hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, làm ăn tập thể và canh tác theo hướng công nghệ cao vẫn là những ưu tiên trong định hướng vùng phát triển nông nghiệp ở huyện đi đầu trong xây dựng nông thôn mới này. 
 
Đơn Dương đã có 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Đơn Dương đã có 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
 
Hai vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
 
Những ngày đầu năm 2021, về xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương mới thấy hết không khí phấn khởi, khí thế sản xuất của bà con nông dân nơi đây, khi mà xã vừa chính thức được nhận Quyết định công nhận Vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tại 2 thôn: Lạc Viên A và Lạc Viên B, đất sản xuất được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có tổng diện tích 167 ha. Hiện nay, diện tích đất gieo trồng cây rau thương phẩm ở xã Lạc Xuân có gần 3.000 ha, trong đó, diện tích rau, hoa ứng dụng công nghệ cao 1.880 ha. Riêng diện tích nhà kính, nhà lưới xã có 320 ha, diện tích tưới phun tự động và nhỏ giọt 815 ha, diện tích hoa cắt cành 16 ha, diện tích hoa trong nhà kính 10 ha; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt từ 200 triệu đến 250 triệu đồng/ha/năm, có một số mô hình đạt 500 triệu đồng/ha/năm.
 
Ông Hà Văn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Lạc Xuân cho biết: Hiện toàn bộ 100% diện tích sản xuất của xã đã thực hiện cơ giới hóa trong các khâu làm đất, lên luống; trên 65% rau, hoa được sản xuất trong nhà kính, nhà lưới; 100% diện tích sản xuất ứng dụng các hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương và tưới thấm có thiết bị điều khiển tự động; 80% diện tích ứng dụng hệ thống cung cấp dinh dưỡng tự động hoặc bán tự động; 100% diện tích sử dụng hệ thống phòng trừ sâu bệnh tự động và bán tự động... Song song đó, các vấn đề về thu gom rác thải nông nghiệp được triển khai đúng quy định, các điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ sản suất như đường giao thông, hệ thống điện và hệ thống cấp thoát nước đều đảm bảo các tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
Lạc Xuân là xã thứ 2 được công nhận Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đơn Dương, trước đó là xã Lạc Lâm với 120 ha. Là một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, việc hoàn thành mục tiêu quy hoạch nông nghiệp của tỉnh, sớm đưa 2 xã này hình thành Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 300 ha, là nỗ lực của vựa rau lớn nhất tỉnh này. Ở đó, không chỉ bức tranh kinh tế nông nghiệp đậm sắc mà đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân cũng phát triển vượt bậc từ những lợi ích mà nông nghiệp công nghệ cao đem lại. 
 
Anh Nguyễn Quốc Thắng (Lạc Thạnh, Lạc Lâm) chia sẻ: Việc đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bây giờ là câu chuyện mà các nông hộ trong thôn, trong xã bàn luận nhau cùng phát triển. Cứ có mô hình gì mới, ứng dụng nào hiệu quả, chúng tôi lại cùng nhau thử nghiệm rồi học hỏi nhau nhân rộng. Bởi vì đầu tư nhưng giá trị sản phẩm được nâng lên, uy tín vùng được khẳng định thì nhà nông cũng được lợi đầu tiên. Cho nên nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện đúng các quy định mà huyện hướng dẫn là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi cho chúng tôi, bà con ai cũng nhắc nhở nhau cùng phát triển.
 
Nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu
 
Ông Dương Đức Đại - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho hay: Đơn Dương đã có nhiều chính sách, đề án để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các dự án phát triển theo chuỗi giá trị, các chủ thể là các HTX tham gia phát triển sản phẩm. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng dữ liệu sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc... Qua đó, chương trình đã tạo những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt quan tâm đến phát triển tổ chức sản xuất, hỗ trợ các dự án phát triển theo chuỗi liên kết. Đẩy mạnh phát triển gắn kết với chuỗi sản phẩm OCOP là giải pháp nhằm tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm. Mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của huyện Đơn Dương là tập trung tăng trưởng sản xuất thông qua cải thiện năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu về phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
 
Huyện Đơn Dương vẫn đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 95% diện tích đất sản xuất 3 sản phẩm rau, hoa, bò sữa chủ lực; ít nhất 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 10 mô hình nông nghiệp thông minh... Bức tranh nông thôn mới kiểu mẫu nơi đây đang dần được hoàn thiện theo hướng toàn diện, bền vững. 
 
DIỄM THƯƠNG