Với địa hình đặc biệt của Đà Lạt là đồi, dốc cao, đường nhỏ, quanh co, uốn lượn, nên việc xử lý ùn tắc giao thông bằng giải pháp "đèn xanh - đèn đỏ" là điều mà các nhà quản lý tiếp tục tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng...
Với địa hình đặc biệt của Đà Lạt là đồi, dốc cao, đường nhỏ, quanh co, uốn lượn, nên việc xử lý ùn tắc giao thông bằng giải pháp “đèn xanh - đèn đỏ” là điều mà các nhà quản lý tiếp tục tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, giải pháp mang tính chiến lược, bền vững vẫn là quy hoạch tổng thể giao thông đến năm 2030; triển khai sớm và đồng bộ hệ thống đường giao thông toàn tỉnh, trong đó đặc biệt lưu ý đến thành phố Đà Lạt - nơi tập trung đông dân cư và du khách. Hệ thống đường vành đai Đà Lạt, đường tránh đã và đang tiếp tục được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các nhà đầu tư, các cơ quan chức năng thực hiện. Bởi đây chính là lời giải gỡ “nút thắt” trong ùn tắc giao thông hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm 2021: Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông đối nội, đối ngoại, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết với các tỉnh Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Nam Trung Bộ. Khẩn trương đầu tư hoàn thành tuyến đường tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc của Quốc lộ 20 trước Tết Nguyên đán 2021. Báo cáo đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ xem xét giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc theo hình thức PPP có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương và đề xuất huy động nguồn vốn đầu tư để sớm thực hiện các dự án giao thông cấp thiết (QL.27, QL.28B, QL.55, đường Mimosa, đường ĐT.722, ĐT.727, ĐT.728, ĐT.729...) trong giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung ưu tiên đầu tư hoàn thành đường vành đai thành phố Đà Lạt để giải quyết một phần tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và đầu tư mới 9 công trình trọng điểm đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI xác định. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, tiếp tục bám sát các cơ quan, bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn, kịp thời giải quyết những vướng mắc; bên cạnh đó, tranh thủ nhiều nguồn vốn, đẩy mạnh xã hội hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt nhấn mạnh: Năm 2021, là năm đầu thực hiện Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; bên cạnh những cơ hội thuận lợi, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra cho năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh sẽ triển khai chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. UBND tỉnh mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, sự giám sát và ủng hộ của Hội đồng nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.
Chủ trương xây dựng đường vành đai và đường tránh được phê duyệt thông qua tại Quyết định 1202 năm 2013 của UBND tỉnh. Theo đó, việc đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông đô thị của thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đồng bộ với các công trình kỹ thuật hạ tầng khác để hình thành kết cấu đô thị hợp lý, hoàn chỉnh. Quỹ đất dành cho xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ đô thị đạt từ 20 - 26% so với quỹ đất xây dựng tại các đô thị.
Đường vành đai thành phố Đà Lạt theo quy hoạch được phê duyệt dài 19 km với quy mô nền đường rộng từ 10 - 24 m. Đường nối từ cao tốc Liên Khương - chân đèo Prenn đến Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm dài 7,8 km, tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi. Trong đó, yêu cầu hạn chế tối đa đào đắp, có phương án trồng cây xanh hai bên đường để không phá vỡ cảnh quan môi trường trong khu du lịch.
Đường tránh Quốc lộ 20 qua thị trấn Liên Nghĩa tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp 4, 2 làn xe. Đường tránh Quốc lộ 20 và Quốc lộ 28 qua thị trấn Di Linh tiêu chuẩn tối thiểu là đường cấp 4 miền núi, 2 làn xe.
Đường vành đai qua thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương), đường vành đai qua thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) đều được phê duyệt tối thiểu phải đảm bảo đường cấp 4 miền núi và 2 làn xe.
Đường vành đai phía Bắc dài 15,2 km và phía Nam dài 13,8 km tránh Quốc lộ 20 qua thành phố Bảo Lộc có tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp 4, 2 làn xe.
Đường tránh phía Tây thành phố Bảo Lộc phục vụ vận chuyển Bauxit có chiều dài 24 km tiêu chuẩn đường cấp 3 với 2 làn xe.
Trong tháng 1/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn 2035”. Trong đó, cuộc thi ý tưởng chống ùn tắc giao thông cho TP Đà Lạt là dựa trên đề án này. Cụ thể, phạm vi nghiên cứu đề án gồm TP Đà Lạt và vùng phụ cận như các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà. Ý tưởng trong cuộc thi sẽ góp phần đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để từng bước cải thiện, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.
Đồng thời, đề án sẽ tập trung đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố theo hướng đồng bộ, hợp lý và hiện đại. Mục tiêu của đề án cũng nhằm phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kéo giảm tai nạn giao thông...
Theo kế hoạch của đề án, đến năm 2025 sẽ đầu tư phát triển các loại hình vận tải, phương tiện vận chuyển hành khách, tuyến đường, lộ trình hợp lý, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông. Tới năm 2035, hoạt động giao thông được an toàn, thông suốt và quản lý khai thác theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Dự kiến kinh phí lập đề án hơn 6 tỉ đồng. Cụ thể, chi phí tổ chức thực hiện đề án hơn 4,2 tỉ đồng, chi phí tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế khoảng 2 tỉ đồng (trong đó 1 tỉ đồng sẽ trao cho ý tưởng xuất sắc nhất).
Nhiều chuyên gia phân tích: Thành phố Đà Lạt có nhiều tuyến đường nhỏ, có độ dốc nên rất khó để mở đường mới. Một trong những giải pháp để chống kẹt xe cho TP Đà Lạt là cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, xây dựng hệ thống chỉ huy giao thông. Đây là những ý kiến hết sức khách quan, khoa học từ các nhà chuyên môn, từ ý kiến Nhân dân.
Được biết, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng để lên kế hoạch tiến hành đầu tư xây dựng 5 tuyến đường vành đai ngoài nhằm giảm áp lực giao thông trong nội ô thành phố Đà Lạt với tổng kinh phí ban đầu ước tính trên 995 tỷ đồng.
Theo đó, các tuyến đường được nâng cấp, xây dựng gồm: đường An Sơn - Y Dinh - An Tôn, chiều dài toàn tuyến là 5,28 km với điểm đầu giao đường Triệu Việt Vương, điểm cuối giao với đường Hoàng Văn Thụ. Đường Trần Văn Côi có chiều dài là 5,13 km, điểm đầu giao đường Hoàng Văn Thụ, điểm cuối giao đường ĐT 722.
Đường vòng Lâm Viên 3,36 km cũng được cải tạo, nâng cấp với điểm giao đầu là đường Ngô Gia Tự, điểm cuối Ngã ba đường Mai Anh Đào - Nguyên Tử Lực. Đường Ngô Gia Tự (ĐT 723 cũ) có chiều dài toàn tuyến là 2,36 km, điểm đầu là đường vòng Lâm Viên và điểm cuối tại nút giao Đarahoa trên đường ĐT 723. Và cuối cùng là đường nối từ đường Mimôsa đến Phường 11, chiều dài toàn tuyến là 8,88 km, nối từ đường Mimôsa tới nút giao Quốc lộ 20 và đường ĐT 723.
Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng cho biết sau khi tuyến đường vành đai thành phố Đà Lạt được hoàn thành sẽ giảm áp lực giao thông trong nội ô thành phố. Đây là giải pháp hữu hiệu, mang tính chiến lược, bền vững đã được các cơ quan có thẩm quyền, các nhà quản lý, chính quyền địa phương cân nhắc tính toán kỹ lưỡng và tập trung triển khai thực hiện.
NGUYỆT THU