(LĐ online) - Sau một thời gian dài trông ngóng, những tưởng năm nay, người dân xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh) đã không còn cảnh thiếu nước sản xuất như trước đây khi hồ thủy lợi Đạ Lây đã hoàn thành và tích nước từ tháng 10/2020. Thế nhưng, do hệ thống kênh mương dẫn nước chưa được đầu tư nên dù hồ thủy lợi đã xây xong nhưng nước vẫn chưa thể về đồng.
(LĐ online) - Sau một thời gian dài trông ngóng, những tưởng năm nay, người dân xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh) đã không còn cảnh thiếu nước sản xuất như trước đây khi hồ thủy lợi Đạ Lây đã hoàn thành và tích nước từ tháng 10/2020. Thế nhưng, do hệ thống kênh mương dẫn nước chưa được đầu tư nên dù hồ thủy lợi đã xây xong nhưng nước vẫn chưa thể về đồng.
|
Hồ Đạ Lây đã hoàn thành và tích nước từ tháng 10/2020 nhưng do chưa có hệ thống kênh mương nên nước chưa thể dẫn về khu vực sản xuất |
Khô hạn “đến hẹn lại lên”
Mùa khô đến cũng là lúc nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân xã Đạ Lây lại thiếu nước sản xuất. Điệp khúc này đã diễn ra từ khi xã Đạ Lây được thành lập và kèo dài hàng chục năm qua. Thiếu nước nên thay vì sản xuất được 3 vụ lúa mỗi năm, người dân nơi đây chỉ có thể sản xuất 1 vụ bằng nguồn nước trời, 2 vụ còn lại đất bỏ hoang hóa. Không chỉ cây lúa, những cây hoa màu hay một số loại cây công nghiệp vừa được chuyển đổi thời gian gần đây cũng chung số phận thiếu nước tưới.
Bà Lê Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Lây cho biết: Dự báo trong mùa khô hạn năm 2021 này, nguồn nước trên sông, suối, khe đá sẽ cạn kiệt vào thời điểm từ tháng 3 - 5 nên chính quyền xã Đạ Lây đã khuyến cáo người dân một số giải pháp khắc phục; trong đó, đối với diện tích 190 ha lúa vụ Hè - Thu sớm năm 2021 có nguy cơ thiếu nước, tập trung tại thôn Vĩnh Phước, Thuận Lộc và Lộc Hoà, người dân không tổ chức gieo trồng ở các khu vực này. “Người dân xã Đạ Lây đã chịu cảnh hạn hán triền mien nhiều năm nay nên bà con rất phấn khởi khi hồ thuỷ lợi Đạ Lây đã hoàn thành và tích nước. Hiện, bà con rất mong chờ hệ thống kênh mương để đưa nước về đồng. Có nước rồi thì 300 ha lúa của xã sẽ có khả năng làm được 3 vụ mỗi năm, thay vì chỉ 1 - 2 vụ như hiện tại. Còn đối với diện tích cây ăn trái, hệ thống thuỷ lợi cũng chưa đáp ứng được nên bà con rất trông chờ vào hệ thống kênh mương để đưa nước về vườn thì mới mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng” – bà Hương chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Trung Hưng, chủ nông trại 8 ha cây ăn trái, chủ yếu là bưởi da xanh và sầu riêng tại thôn Lộc Hoà, xã Đạ Lây, thì do chưa có hệ thống kênh mương thuỷ lợi nên gia đình ông phải tự thiết kế hệ thống máy bơm, ống dẫn nước tưới từ sông Đồng Nai về phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho vườn bưởi và sầu riêng của gia đình. Để dẫn nước được về vườn, ông phải sử dụng hệ thống máy bơm công suất lớn cùng đường ống dẫn dài hơn 1 km. Nhờ đảm bảo được tưới tiêu nên vườn bưởi của gia đình vẫn luôn xanh tốt quanh năm và cho năng suất, chất lượng trái rất cao. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cũng vì thế mà cao hơn nên ông rất mong hệ thống kênh mương sốm được đầu tư.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, hiện nay, mới chỉ có 5/8 hồ thuỷ lợi trên địa bàn huyện tích đủ nước tới mực nước thiết kế. Tình hình thời tiết năm 2021 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, mực nước các hồ chứa: Đạ Hàm, Tố Lan, Thạch Thất sẽ sớm cạn kiệt, khả năng không đủ nước tưới cho vụ sản xuất vụ Hè - Thu. Tổng diện tích đất trồng lúa, bắp, dâu, hoa màu, chè, cà phê bị hạn và dự báo có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn hán gây ra là 1.491 ha. |
Mong chờ nước về đồng
Công trình hồ chứa nước Đạ Lây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, đầu tư kinh phí xây dựng từ năm 2013 với tổng số vốn 246 tỷ đồng. Sau nhiều năm gặp trở ngại trong việc thi công, đến tháng 10/2020, công trình được hoàn thành, tích nước với dung tích thiết kế 8,3 triệu m3. Mục tiêu của công trình nhằm phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1.400 ha cây trồng và nước sinh hoạt cho 7.000 nhân khẩu thuộc địa bàn xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh và xã Tư Nghĩa, huyện Cát Tiên. Tuy nhiên, sau gần nửa năm hoàn thành, công trình này vẫn chưa phát huy được tác dụng do chưa có kênh mương thuỷ lợi để dẫn nước từ hồ chứa đến các vùng sản xuất.
Hạng mục kênh mương do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện. Lãnh đạo Ban này cho biết, đến ngày 1/3, cơ quan chức năng mới có tờ trình về việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án hệ thống kênh mương hồ Đạ Lây gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét. Đây là công trình thuỷ lợi cấp IV, tổng mức đầu tư 278 tỷ đồng với quy mô khoảng 8,6 km kênh mương phục vụ tưới tiêu cho cây trồng. Mục tiêu của dự án nhằm tạo nguồn nước ổn định, đáp ứng nhu cầu nguồn nước để sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho dân sinh trong vùng. Tuy nhiên, thời gian thực hiện dự án này sẽ kéo dài từ nay đến năm 2023.
Với mốc thời gian trên, người dân xã Đạ Lây vẫn sẽ phải mòn mỏi chờ đợi nguồn nước tưới trong thời gian dài. Trong khi đó, nguy cơ thiếu nước tưới vẫn thường trực dù hồ chứa được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã tích đủ đầy nước.
ĐÔNG ANH