Nhiều biện pháp đã được ngành chức năng huyện Đơn Dương đưa ra để bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trên địa bàn huyện khi mùa khô đến.
Nhiều biện pháp đã được ngành chức năng huyện Đơn Dương đưa ra để bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trên địa bàn huyện khi mùa khô đến.
Chòi canh lửa tại xã Ka Đô - Đơn Dương |
Trên chòi canh lửa
Theo chân ông Touneh Thành, tôi leo lên các bậc thang sắt lên chòi canh lửa trên cao. Đặt tại thôn Ta Luy 2, xã Ka Đô, chòi canh này có độ cao chừng 20 m với tầm nhìn bao quát cho cả khu vực rừng xanh trước mặt.
Cùng canh lửa trên chòi có 3 thanh niên trẻ nói chuyện râm ran. Đây là những người được các gia đình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng trong vùng cử đến canh lửa theo lịch của Công ty Lâm nghiệp Đơn Dương. “Dưới đất thì nóng chứ lên trên này gió nhiều, ngồi chút là lạnh, họ chỉ trực ban ngày thôi, thanh niên canh lửa tốt vì mắt sáng nhìn xa, thấy khói đâu thì báo ngay cho Công ty biết” - ông Thành nói.
Người Chu Ru, năm nay 55 tuổi, Touneh Thành hiện đang sinh sống tại thôn Ta Luy 2, xã Ka Đô. Ông cho biết đã có trên 30 năm gắn bó với Công ty, trước đây đi trồng rừng, rồi sau đó được nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng theo chủ trương chung của tỉnh trong đó có việc ưu tiên cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số như gia đình ông.
Nhà ông Thành được nhận khoán bảo vệ 30 ha rừng; theo ngân sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cứ mỗi hecta như vậy trước đây mỗi năm được trả 400 nghìn đồng, gần đây đã tăng lên 600 nghìn đồng. Bên cạnh nhận khoán bảo vệ rừng nhà ông còn canh tác 7 sào đất trồng rau màu thương phẩm như bao người dân tại vùng rau Đơn Dương này. “Tính chung thì nhà tôi mỗi năm nhận được chừng 18 triệu đồng từ bảo vệ rừng, đây như một khoản tiền để dành, khi nhà có việc mới dùng đến” - ông Thành tươi cười.
Theo phân công, mỗi tháng ông Thành và các hộ dân nhận khoán nơi đây phải tuần tra rừng 4 lần, trung bình mỗi tuần 1 lần. Mỗi lần đi như thế một tổ có 11 gia đình, hầu hết là nam, thêm đại diện chủ rừng, thành viên Ban Lâm nghiệp xã và kiểm lâm địa bàn đi cùng khi cần. Mỗi chuyến đi như thế thường kéo dài 3 ngày, phải ngủ 2 đêm trong rừng, trước khi đi các thành viên phải trang bị đồ dùng đi rừng như đèn pin, dao, gạo, đồ ăn, võng, áo lạnh để ngủ đêm trong rừng. “Bảo vệ rừng thì khó nhất là mùa nắng vì sợ cháy rừng, nhưng mùa nắng dễ đi tuần tra vì đường khô ráo, còn mùa mưa đi cực lắm, đường trơn trượt. Nhưng mùa nào thì cũng phải đi” - ông Thành cho biết.
Ông Lê Văn Từ - Trạm trưởng Phân trường 2 thuộc Công ty Lâm nghiệp Đơn Dương đóng chân tại Ka Đô cho biết, riêng khu vực này đơn vị đang quản lý trên 75 nghìn ha rừng với tổng cộng 106 gia đình người dân trong vùng, chủ yếu là gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Các gia đình này được chia thành 4 tổ, được phân công đi tuần tra rừng xoay vòng trong tháng.
Để tạo điều kiện cho người dân đi tuần tra rừng, theo ông Từ, hằng năm công ty cấp các trang thiết bị đi rừng cho người dân như quần áo, nón bảo hộ, giày và ủng đi mưa. Bên cạnh tổ chức tuần tra rừng, công ty còn thường xuyên tổ chức các đợt vận động cộng đồng dân cư trong toàn khu vực tham gia bảo vệ rừng, yêu cầu các gia đình sống gần rừng ký cam kết không xâm phạm rừng.
Riêng với chòi canh lửa, ông Từ cho biết trong khu vực này có đến 3 chòi, 1 chòi chính tại Trạm Ka Đô và thêm 2 chòi phụ đặt trong vùng. Việc cử người canh lửa được duy trì trong các tháng mùa khô, mỗi ngày có chừng 2-3 người dân trong vùng được phân công trực canh lửa. Khi phát hiện cháy rừng, người canh sẽ gọi điện báo ngay cho công ty để huy động lực lượng tại chỗ, trong trường hợp cháy lớn đơn vị sẽ báo cho huyện tăng cường thêm lực lượng và phương tiện.
Cho đến nay, người dân tại Ka Đô và các xã xung quanh khu vực này theo ông Từ, hợp tác rất tốt với ngành chức năng trong việc bảo vệ rừng. “Rất nhiều năm nay trong khu vực này không xảy ra tình trạng khai thác rừng, phá rừng trái phép hay cháy rừng” - ông Từ cho biết.
Ông Touneh Thành (bên trái) đang chuẩn bị đi rừng |
Nhiều biện pháp
Trong tổng diện tích đất tự nhiên 61.135 ha hiện có, Đơn Dương có đến 40.816 ha là rừng và đất rừng. Phần lớn rừng nơi đây thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai, chủ yếu là rừng thông thuần loại, rừng keo lai, rừng với cây họ dầu nửa rụng lá, rừng khộp nên được xác định là rất dễ cháy. Chính vì vậy, theo ông Đặng Quốc Thái Bình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đơn Dương, công tác phòng cháy mùa khô cực kỳ quan trọng, được huyện hết sức chú ý.
Hiện rừng trong huyện được giao cho 2 đơn vị chủ rừng nhà nước và 19 đơn vị thuê để thực hiện các dự án trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, du lịch sinh thái dưới tán rừng. Riêng phần giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, huyện hiện có 7 đơn vị và 972 hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 30 nghìn ha, trong đó có trên 18,5 nghìn ha được thực hiện theo nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng và phần còn lại gần 11,5 nghìn ha rừng được giao khoán theo nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Hạt Kiểm lâm hằng năm, theo ông Bình, luôn tích cực phối hợp với các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các xã, thị trấn, các chủ rừng trong huyện để vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Trong năm 2020 vừa qua, huyện đã tổ chức họp những người nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng trong huyện đồng thời lồng ghép 35 đợt tuyên truyền với hằng nghìn lượt người dân tham gia. Ngành chức năng cũng vận động những người sống ven rừng, các hộ canh tác nương rẫy ký 241 bản cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Trong những tháng đầu năm 2021 này, huyện đã tổ chức 5 cuộc họp với trên 160 người dân nhận khoán tham gia để đánh giá công tác quản lý, bảo vệ rừng cho từng khu vực.
Các ngành chức năng cũng phối hợp với các chủ rừng thường xuyên tổ chức tuần tra, phối hợp truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng trên toàn diện tích quản lý, không để xảy ra các vụ việc nổi cộm về phá rừng trên địa bàn; đặc biệt tuần tra tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Huyện đến nay cũng phối hợp tốt với các địa phương lân cận như Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng và nhất là huyện Ninh Sơn của Ninh Thuận để bảo vệ các vùng rừng giáp ranh. Trong năm 2020, huyện đã tổ chức 9 đợt tuần tra với 125 người tham gia bao gồm các đơn vị chức năng, chủ rừng và người dân nhận khoán cùng truy quét, chốt dài ngày tại những điểm phức tạp.
Riêng với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, huyện hằng năm trong đầu mùa khô đã hướng dẫn các chủ rừng thực hiện các hạng mục phòng cháy chữa cháy rừng theo phương án; củng cố các đội tuần tra chữa cháy rừng trên địa bàn đồng thời xác định các vùng trọng điểm dễ cháy rừng. Huyện cũng cho đốt trước có kiểm soát các diện tích có nguy cơ cháy rừng theo phương án, xây dựng các lán canh lửa trong rừng, bố trí lực lượng tuần tra rừng và canh lửa. Như trong năm 2020 vừa qua có 2.300 ha rừng được đốt có kiểm soát để phòng cháy rừng.
Nhờ những biện pháp quyết liệt nên tình trạng phá rừng tại Đơn Dương theo ông Bình đang giảm nhanh trong những năm gần đây. Như trong năm 2020 vừa qua, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trong huyện đã giảm trên một nửa so với năm trước (15 vụ so với 31 vụ trong năm 2019); diện tích thiệt hại cũng giảm đến gần 88,7%. Mùa khô năm 2020 vừa qua Đơn Dương cũng có 2 vụ cháy rừng với tổng diện tích cháy trên 29 ha rừng tự nhiên và rừng trồng tại 2 đơn vị chủ rừng nhưng mức độ thiệt hại về tài nguyên rừng thấp; còn trong mùa khô năm nay, từ đầu năm đến nay Đơn Dương chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.
Lực lượng tại chỗ
Trong phòng cháy, chữa cháy rừng, theo ông Bình, Đơn Dương luôn thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Nòng cốt của lực lượng tại chỗ này là các chủ rừng đóng tại các xã, kiểm lâm địa bàn, thành viên Ban Lâm nghiệp xã, người dân nhận khoán bảo vệ rừng, tăng cường thêm dân quân tự vệ, các đoàn thể, công an xã.
Mùa khô năm nay, theo ông Bình, huyện đã xác định các “điểm nóng” để tăng cường lực lượng tuần tra tại các khu vực như vùng rừng Ya Hoa giáp ranh Ninh Sơn; khu vực xã Tu Tra, xã Đạ Ròn giáp ranh Đức Trọng; khu vực D’Ran giáp ranh Lạc Dương... nhằm ngăn chặn kịp thời việc ken cây, chặt hạ cây, đào đãi khoáng sản trái phép. Hạt cũng phối hợp với các xã, thị trấn chỉ đạo Ban Lâm nghiệp và kiểm lâm địa bàn phối hợp với đơn vị chủ rừng lập danh sách những hộ đang sản xuất trong rừng hay ven rừng ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, thường xuyên kiểm tra việc đốt dọn nương rẫy tránh cháy lan vào rừng.
Hạt cũng yêu cầu các đơn vị, tổ chức, các gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng, sản xuất lâm nghiệp, làm dịch vụ du lịch phải xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng, thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, tổ chức việc chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xảy ra; thực hiện nghiêm các giải pháp kỹ thuật đốt trước có điều khiển trong phòng cháy rừng theo đúng quy trình kỹ thuật đã được phê duyệt.
Nhờ những giải pháp kịp thời nên như ông Bình chia sẻ, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Đơn Dương trong những năm gần đây đã có những bước chuyển biến đầy tích cực; nhận thức về công tác bảo vệ phát triển rừng của các cấp, các ngành và cả người dân nâng lên rõ rệt; số vụ vi phạm giảm nhanh; diện tích rừng bị xâm hại lẫn diện tích rừng bị cháy đều giảm. “Chúng tôi chỉ trong vòng 5 năm đã nâng tỷ lệ che phủ rừng của địa phương từ 56,8% lên gần 59%” - ông khẳng định.
Còn với những người nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng như ông Touneh Thành, rừng xanh như đã thành một phần đời của ông. “Đi rừng rất vui, nhìn thấy cây rừng xanh tươi, nhìn các con suối nước trong xanh dù mệt cũng hết mệt. Quen rồi, tuần nào không đi rừng là rất nhớ” - ông cười.
VIẾT TRỌNG