Cần đưa các công ty, đơn vị sản xuất và nhà phân phối vào cuộc

05:03, 17/03/2021

Nhiều công ty, đơn vị sản xuất, phân phối hóa chất bảo vệ thực vật hưởng lợi rất lớn từ việc kinh doanh trong tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa gắn trách nhiệm của mình đối với công tác thu gom, vận chuyển cũng như xử lý bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng. 

Nhiều công ty, đơn vị sản xuất, phân phối hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) hưởng lợi rất lớn từ việc kinh doanh trong tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa gắn trách nhiệm của mình đối với công tác thu gom, vận chuyển cũng như xử lý bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng. 
 
Vận chuyển bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng về kho lưu chứa tại Đạ Tẻh
Vận chuyển bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng về kho lưu chứa tại Đạ Tẻh
 
Chỉ trên 7% được xử lý! 
 
Không khó để nhận thấy các khối đúc bê tông tròn trên có nắp đậy cẩn thận dọc theo các con đường liên xã xuyên qua các cánh đồng lúa, vườn điều tại huyện Đạ Tẻh. Trên mỗi khối bê tông này có ghi rõ: bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng; nhiều chỗ bên cạnh còn có khẩu hiệu vận động người dân nên bỏ bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng vào bể thu gom này để chính quyền đưa đi xử lý.
 
Theo bà Nguyễn Thị Hoa Tài, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đạ Tẻh, chỉ trong năm 2020 huyện đã lắp thêm 85 bể thu gom bao bì hóa chất BVTV trên các trục đường chính tại các xã trong huyện, đồng thời cho sửa chữa, lắp lại nắp, sơn lại toàn bộ 284 bể đã lắp trước đó.
 
Từ năm 2017 đến nay, Đạ Tẻh đã lắp đặt tổng cộng 445 bể thu gom dọc theo các con đường liên xã tại tất cả 9 xã, thị trấn trong huyện, đồng thời xây dựng được 11 nhà lưu chứa. Huyện đã huy động chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là Hội Nông dân huyện chịu trách nhiệm vận động người dân tại địa phương đưa các bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng bỏ vào các bể chứa này. Định kỳ trong năm huyện sẽ thu gom số rác thải nguy hại này chuyển về nhà lưu chứa của huyện, để chờ đơn vị chức năng tỉnh đến đưa đi xử lý theo qui định.
 
“Trung bình những năm gần đây mỗi năm chúng tôi thu gom từ 3,7 - 4 tấn bao bì thuốc BVTV đã sử dụng trên địa bàn để đưa đi xử lý” - bà Tài cho biết.
Là một tỉnh với diện tích đất nông nghiệp lớn, theo ước tính của ngành chức năng Lâm Đồng, trung bình mỗi năm nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 4 nghìn tấn hóa chất BVTV trong canh tác của mình. 
 
Trong 4 nghìn tấn hóa chất BVTV được sử dụng trên, theo tỷ lệ tính toán của ngành chức năng, lượng bao bì chiếm khoảng 300 tấn, chủ yếu trong đó là chai nhựa (chiếm 70%), gói và loại khác (chiếm 30%). Điều này có nghĩa sau khi sử dụng xong, toàn bộ lượng chai nhựa, bao bì này sẽ thải ra môi trường nếu không được thu gom xử lý. 
 
Trong nỗ lực thu gom lượng bao bì hóa chất BVTV trên, trong 4 năm gần đây, từ năm 2016 đến 2020, toàn tỉnh đã lắp đặt được 2.208 bể thu gom, đặt tại các trục đường nội đồng trong tỉnh.
 
Trong số bể thu gom được lắp đặt trên, Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với Chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường 22 tỉnh thành phía Nam và Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng được 4 mô hình với 23 bể thu gom tại các xã của 4 huyện, thành gồm Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và Đà Lạt. Một ước tính trong 4 năm gần đây, các mô hình này mỗi năm gom được khoảng 0,5 tấn bao bì, toàn bộ số bao bì này được vận chuyển về tiêu hủy tại Nhà máy Xi măng Holcim - Kiên Giang. 
 
Cùng đó, từ nguồn ngân sách địa phương, đã có 6 trong 12 huyện, thành trong tỉnh gồm Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai đã bắt đầu xây dựng các mô hình thu gom bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng với tổng số 2.157 bể chứa được lắp đặt tính đến cuối năm 2020. Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cũng đã lắp đặt được 28 bể thu gom tại các khu vực đầu nguồn hồ Xuân Hương, hồ Đan Kia tại Đà Lạt và Lạc Dương. Riêng ngành Tài nguyên - Môi trường tỉnh, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường trong giai 2016 - 2020 đã đầu tư hơn 1.150 thùng và bể chứa thu gom bao bì hóa chất BVTV cho các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Di Linh, Lâm Hà và TP Đà Lạt.
 
Cùng với việc lắp đặt và triển khai các mô hình thu gom trong cộng đồng, lượng bao bì hóa chất BVTV được thu gom trong tỉnh cũng tăng lên theo từng năm. Cụ thể, năm 2017 được 6,7 tấn, năm 2018 được 21,2 tấn, năm 2019 được 21,8 tấn và trong năm 2020 khoảng trên 22 tấn. Toàn bộ số bao bì được thu gom này được tỉnh hợp đồng với đơn vị vận chuyển đi xử lý đúng theo qui định. 
 
Tuy nhiên, có thể thấy lượng bao bì hóa chất BVTV được thu gom và tiêu hủy với trên 22 tấn như trên còn quá thấp, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 7,3% so với con số 300 tấn thải ra môi trường hằng năm. Điều này có nghĩa, nếu không nhanh chóng tăng tỷ lệ này lên, mỗi năm các cánh đồng trên đất Lâm Đồng cứ phải tiếp tục “gồng mình” tiếp nhận gánh nặng trên 270 tấn bao bì hóa chất BVTV độc hại thải ra môi trường. 
 
Cần cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía 
 
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng, có không ít những điểm hạn chế trong công tác thu gom bao bì hóa chất BVTV trong tỉnh hiện nay. 
 
Trước nhất, do địa hình đồi núi phức tạp, diện tích nông nghiệp lớn, nằm rải rác nên việc bố trí lắp đặt các bể chứa trong tỉnh gặp khó khăn và tốn rất nhiều chi phí.
 
Cùng đó, nhiều địa phương trong tỉnh mặc dù đã lắp đặt các bể chứa, tuy nhiên chưa định kỳ tổ chức thu gom vận chuyển kịp thời, dẫn đến tình trạng rác thải nguy hại này tồn đọng tại các bể, gây mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường. 
 
Ngay cả việc lắp đặt bể chứa nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo kỹ thuật; có tình trạng khi mưa, nước mưa thấm vào bể chứa; việc gom bao bì từ các bể chứa này ra rất khó khăn; các công nhân thu gom rác thải từ các bể chứa chưa được trang bị bảo hộ lao động chuyên dùng.
 
Một số địa phương đến nay theo Sở Tài Nguyên - Môi Trường vẫn chưa tích cực lắp đặt hệ thống bể thu gom lẫn bố trí đất và kinh phí để xây dựng khu vực lưu giữ chất thải nguy hại. Có địa phương đã lắp đặt bể chứa nhưng chưa tích cực tuyên truyền, vận động nông dân cùng vào cuộc. 
 
Không ít trường hợp hệ thống các bể thu gom bao bì hóa chất BVTV do doanh nghiệp, dự án xây dựng chỉ hoạt động khi được hỗ trợ, hết dự án, bể đầy không có kinh phí tiêu hủy, người dân vứt bỏ tràn lan cùng với rác thải sinh hoạt xung quanh khu vực bể chứa, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều nơi người dân bỏ rác thải thông thường vào bể chứa hoặc vứt bao bì hóa chất BVTV chung với rác thải thông thường. 
 
Cần nhấn mạnh rằng bao bì hóa chất BVTV là chất thải nguy hại, nếu không được thu gom xử lý tốt sẽ là mối đe dọa thường trực, tác động đến chất lượng môi trường đất, nước, không khí lẫn sức khỏe của con người, động thực vật sinh sống trong vùng.
 
Chính vì vậy, theo Sở Tài nguyên - Môi trường, đã đến lúc Lâm Đồng cần có các giải pháp quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ thu gom, xử lý rác thải vỏ bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng trên đồng ruộng trong tỉnh hiện nay. Tỉnh cần huy động các cấp chính quyền, đoàn thể các cấp mở các cuộc vận động lớn kêu gọi người dân tích cực tham gia vào việc thu gom bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng, đồng thời biểu dương, nhân rộng các mô hình trong tỉnh thực hiện tốt công tác này lâu nay. 
 
Sở Tài nguyên - Môi trường cũng cho biết, việc lắp đặt bể chứa, xây dựng các nhà lưu chứa và định kỳ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại này đúng theo quy định tốn rất nhiều kinh phí. Chỉ riêng phương án thu gom xử lý bao bì hóa chất BVTV của tỉnh cho giai đoạn 2018-2020 thôi, tổng kinh phí dự kiến đã mất khoảng 100 tỷ đồng.
 
Vì nguồn kinh phí khá lớn, địa phương khó khăn trong việc cân đối ngân sách thực hiện, nên trong thời gian qua ngành chức năng tỉnh đã tổ chức cuộc họp mời một số đơn vị sản xuất, phân phối hóa chất BVTV để vận động tài trợ; tuy nhiên rất ít đơn vị có ý muốn tài trợ và số tiền tài trợ họ bỏ ra cũng rất khiêm tốn. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, cần có một phương sách hiệu quả hơn để vận động các đơn vị này vào cuộc, gắn quyền lợi với trách nhiệm của họ khi muốn làm ăn lâu dài trên đất Lâm Đồng hiện nay. 
 
VIẾT TRỌNG