UBND tỉnh vừa có văn bản thỏa thuận quy hoạch chi tiết Dự án Bến xe Di Linh sau khi huyện Di Linh chấn chỉnh sai phạm tại dự án này...
UBND tỉnh vừa có văn bản thỏa thuận quy hoạch chi tiết Dự án Bến xe Di Linh sau khi huyện Di Linh chấn chỉnh sai phạm tại dự án này...
|
Dự án Bến xe khách Di Linh |
Theo đó, UBND tỉnh có Văn bản số 996/UBND-XD2 (ngày 18/2/2021), thỏa thuận quy hoạch chi tiết Dự án Bến xe Di Linh, do Công ty TNHH Thương mại Tá Lợi làm chủ đầu tư sau khi doanh nghiệp này chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính của UBND huyện Di Linh và khắc phục, tháo dỡ các hạng mục công trình sai phạm tại dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Văn bản số 996/UBND-XD2 của UBND tỉnh thỏa thuận quy hoạch chi tiết Dự án Bến xe Di Linh (nằm cạnh QL 20, đoạn qua thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), với tổng diện tích quy hoạch sử dụng đất 8.989 m2. Trong đó, 6.700 m2 đất công trình phục vụ bến xe, gồm: Bãi đậu xe, đường giao thông và điểm quay đầu xe; nhà điều hành, văn phòng, nhà chờ khách; bãi xe đón trả khách; vườn hoa thảm cỏ, nhà làm việc của nhân viên, nhà vệ sinh công cộng. Số diện tích còn lại (2.289 m2), dành cho các công trình dịch vụ thương mại, với các hạng mục công trình, gồm: 4 khối nhà dịch vụ thương mại, chiều cao tối đa hai tầng; sân bãi trạm cung cấp nhiên liệu, căn tin ăn uống, nhà pha chế 1 và 2.
Văn bản trên cũng nêu rõ: Các công trình thương mại dịch vụ dọc đường Trần Phú và QL 20 phải đảm bảo phục vụ hoạt động của bến xe, phù hợp với kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực trong quá trình thiết kế, cấp phép xây dựng, thi công và đưa vào hoạt động. Đồng thời, về giao thông đối ngoại của bến xe chỉ được đấu nối với đường Trần Phú, thị trấn Di Linh (không đấu nối với QL 20).
Trở lại với việc khắc phục sai phạm, theo báo cáo của Sở Xây dựng Lâm Đồng (ngày 16/10/2020), về kết quả khắc phục sai phạm của Công ty TNHH Thương mại Tá Lợi làm chủ đầu tư Dự án xây dựng Bến xe khách Di Linh. Trong đó, hành vi thi công các hạng mục công trình không phép, sai phép của chủ đầu tư đã được UBND huyện Di Linh ban hành Quyết định số 1605/QĐ-XPVPHC ngày 26/7/2019, xử phạt vi phạm hành chính..., đến nay chủ đầu tư cũng đã chấp hành nộp phạt 80 triệu đồng.
Hiện vẫn còn một số hạng mục chưa được xử lý triệt để, như hàng rào kiên cố 2 bên nhà pha chế chưa tháo dỡ; hai khối nhà dịch vụ 10.2 và 10.3, chủ đầu tư chưa tháo các bản thang (4 cầu thang) không có trong thiết kế được duyệt. Và mái chữ A trên nhà dịch vụ 10.3, chủ đầu tư giải trình do bản thang tại các nhà dịch vụ 10.2 và 10.3 có kết cấu liền khối công trình, nhưng không ảnh hưởng đến cảnh quan nên chủ đầu tư xin được tồn tại.
|
Các hạng mục công trình sai phép buộc khắc phục, tháo dỡ |
Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng Lâm Đồng, tại Dự án xây dựng Bến xe khách Di Linh có một số công trình phù hợp với chủ trương đầu tư nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng điều chỉnh, bổ sung, gồm: Hạng mục nhà nhân viên diện tích hơn 135 m2, diện tích sàn hơn 281 m2, 2 tầng; hạng mục nhà pha chế gồm 2 căn, mỗi căn diện tích 31,6 m2. Các hạng mục nhà dịch vụ (10.1, 10.2, 10.3), có kích thước sai nội dung giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được duyệt, chưa được cấp giấy phép điều chỉnh.
Từ thực tế trên, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã kiến nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép chủ đầu tư thực hiện các thủ tục, lập hồ sơ, liên hệ cơ quan có thẩm quyền để được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng; giãn tiến độ đầu tư dự án theo quyết định chủ trương đầu tư. Điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng; điều chỉnh, bổ sung giấy phép xây dựng các công trình, hạng mục phù hợp với chủ trương đầu tư của tỉnh.
Trước đó như Báo Lâm Đồng đã phản ánh, dù được giao “đất vàng” cùng nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất để xây dựng bến xe khách nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí đi lại cho người dân, thế nhưng chủ đầu tư - Công ty TNHH Thương mại Tá Lợi, do ông Đoàn Văn Tá làm giám đốc lại để xảy ra hàng loạt sai phạm tại dự án này. Nổi cộm là công trình “biệt thự” hai tầng không phép trong khuôn viên của bến xe với diện tích sàn 281,2 m2, theo lý giải của chủ đầu tư thì đây là công trình nhà phục vụ nhân viên.
Cùng với đó, chủ đầu tư Bến xe khách Di Linh còn tự ý cho mở rộng chiều ngang, cơi nới 2 dãy nhà dịch vụ, thu hẹp cổng chính bến xe xuống còn 8 m, thay vì 12,7 m. Hình thức kiến trúc của 2 khối nhà này cũng sai so với nội dung giấy phép xây dựng. Mặt chính hai khối nhà dịch vụ nói trên lẽ ra phải hướng vào bến xe, thế nhưng quá trình xây dựng, chủ đầu tư lại đảo chiều cho quay mặt ra đường Trần Phú.
Trong giấy phép xây dựng, hai dãy nhà dịch vụ này không có tường ngăn nhưng khi xây dựng, Công ty TNHH Thương mại Tá Lợi lại cho xây tường, biến 2 khối nhà dịch vụ thành 15 căn hộ độc lập (14 căn có diện tích 50 m2/căn và 1 căn có diện tích xây dựng là 93 m2); mỗi căn đều có cửa ra vào, cửa sổ, ban công, cầu thang và nhà vệ sinh riêng..., khiến dư luận bất bình.
THỤY TRANG