Mùa khô 2020 - 2021 đang bước vào thời kỳ cao điểm, dù nhiều khu rừng trên địa bàn tỉnh đang có dự báo cháy rừng ở mức cao, nhưng lửa vẫn liên tục xuất hiện từ các đám cháy dưới tán rừng...
Mùa khô 2020 - 2021 đang bước vào thời kỳ cao điểm, dù nhiều khu rừng trên địa bàn tỉnh đang có dự báo cháy rừng ở mức cao, nhưng lửa vẫn liên tục xuất hiện từ các đám cháy dưới tán rừng…
|
Đám cháy thực bì xuất hiện liên tục tại các khu rừng thông quanh hồ Đan Kia - Suối Vàng |
Từ nhiều năm trước, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quy định về kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy trong phòng cháy rừng thông ở Lâm Đồng. Quy định này yêu cầu tuyệt đối không được đốt dọn khi dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên, việc làm giảm vật liệu cháy chỉ tiến hành vào thời điểm chuyển tiếp vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô hàng năm (đến ngày 15/1 hàng năm phải chấm dứt việc đưa lửa vào rừng). Mùa khô năm nay (2020 - 2021), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng gia hạn thời gian xử lý vật liệu cháy đến hết ngày 24/1/2021.
Đi kèm với việc gia hạn trên, Sở NN&PTNT tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ rừng có diện tích làm giảm vật liệu cháy rừng cảnh quan phải làm giảm vật liệu cháy đúng quy trình kỹ thuật, đúng thời gian quy định; hạn chế đến mức thấp nhất khói, bụi ảnh hưởng đến mỹ quan và an toàn giao thông. Tuyệt đối không được đốt dưới bất cứ hình thức nào đối với diện tích dọc các tuyến đèo Prenn, Mimosa, Tà Nung, D’Ran, Bảo Lộc; các khu vực rừng dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; các tuyến giao thông huyết mạch dẫn vào Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, LangBiang, Đankia - Suối Vàng cùng các diện tích rừng khác để không ảnh hưởng đến cây thông tái sinh.
Quy định là vậy, nhưng trong tháng 3/2021, nhiều cánh rừng thông tại các Phường 3, 5, 7, xã Tà Nung (TP Đà Lạt) và các vùng phụ cận như khu vực rừng quanh hồ Đan Kia - Suối Vàng, xã Lát, Đạ Sar, Đạ Nhim (huyện Lạc Dương), xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) lửa vẫn bùng phát khắp nơi, có lúc bùng lên thành đám cháy lớn, đỏ rực cả khoảng trời đêm. Đặc điểm chung của những đám cháy trên thường xuất phát từ đỉnh đồi rồi từ từ lan xuống dưới giống cách “đốt rừng có kiểm soát”. Khói từ những đám cháy rừng theo gió bay vào nội thành Đà Lạt gây nên hiện tượng mịt mù, đặc quánh, giảm tầm nhìn, không còn khung cảnh bầu trời trong xanh vốn có.
Các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn thì khẳng định không tiến hành đốt thực bì hay đưa lửa vào rừng thời gian này, đồng thời cho rằng một số đám cháy thực bì là do du khách, người dân đi rừng gây ra?. Dù là nguyên nhân nào thì trách nhiệm vẫn thuộc về các đơn vị chủ rừng (các ban QLRPH, vườn quốc gia, công ty lâm nghiệp, dự án của doanh nghiệp thuê rừng), hạt kiểm lâm trực thuộc vì trước đó Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tuyệt đối không được đốt làm giảm vật liệu cháy dưới bất cứ hình thức nào đối với diện tích rừng dọc các tuyến đèo; rừng dọc quốc lộ, tỉnh lộ…
Tại chỉ đạo mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã nhấn mạnh, thời gian tới, nếu các địa phương, đơn vị chủ rừng tiếp tục để xảy ra vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng phức tạp hoặc để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, đồng thời không bình xét thi đua năm 2021 và xem xét đình chỉ công tác đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra vi phạm theo quy định.
Mới đây nhất, ngày 22/3/2021, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản “hỏa tốc” đề nghị Sở NN&PTNT; UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc cùng các đơn vị chủ rừng tăng cường thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn. Văn bản nêu rõ, hiện nay tình hình thời tiết đang diễn biến hết sức phức tạp, những ngày qua liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng trên địa bàn Đà Lạt và các huyện lân cận, gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và cảnh quan môi trường.
|
Đám cháy thực bì tại Đà Lạt trong khi mức cảnh báo cháy rừng đang ở mức cực kỳ nguy hiểm |
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, dập tắt ngay các đám cháy rừng trên địa bàn từ nay đến hết mùa khô 2020 - 2021, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) từ nay đến hết mùa khô 2020 - 2021. Cụ thể, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã, phường thường xuyên theo dõi tình hình khí hậu, thời tiết; tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành quy định về phòng chống cháy rừng. Kịp thời phát hiện các đám, điểm cháy và tham gia chữa cháy ngay khi vừa phát hiện; Thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR trên địa bàn. Chủ động lực lượng, phương tiện kỹ thuật, chỉ huy, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ để kịp thời xử lý, dập tắt ngay các đám cháy mới phát sinh, không để bùng phát, cháy lớn.
Cùng với đó, bố trí lực lượng 24/24h để kịp thời phát hiện các đám cháy, điểm cháy, thông báo và kịp thời triển khai các biện pháp chữa cháy rừng, dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh (đặc biệt là tại khu vực dọc tuyến đường dẫn vào TP Đà Lạt, Bảo Lộc, như: đèo Bảo Lộc, Prenn, Mimosa, Tà Nung, D’Ran, tuyến QL27C), không để ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và cảnh quan môi trường; trường hợp xảy ra cháy lan, cháy lớn vượt tầm khống chế, kiểm soát của lực lượng tại chỗ thì phải thông báo, huy động lực lượng của cấp huyện, sự hỗ trợ của cấp tỉnh để tham gia chữa cháy rừng. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị chủ rừng, các chủ dự án đầu tư liên quan đến rừng bố trí lực lượng, tăng cường tuần tra kịp thời phát hiện, khống chế, xử lý… Tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước những diễn biến bất thường của thời tiết; tổng hợp, báo cáo tình hình cháy rừng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng theo đúng qui định.
UBND tỉnh cũng giao Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương, đơn vị chủ rừng; kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, thiết lập đầy đủ hồ sơ, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra vi phạm, xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền. Rà soát, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCCR; tổ chức cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng để kịp thời thông tin đến các địa phương, đơn vị chủ rừng chủ động xử lý, ứng phó. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với cơ quan tài chính hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị chủ rừng quản lý, sử dụng kinh phí PCCCR đúng qui định và hiệu quả.
UBND tỉnh đề nghị các đơn vị chủ rừng tập trung cao độ, thực hiện hiệu quả phương án PCCCR; Chịu trách nhiệm chính trong công tác PCCCR trên diện tích rừng được giao quản lý đến hết mùa khô 2020 - 2021. Lãnh đạo các đơn vị chủ rừng phải thường trực để kịp thời có mặt chỉ đạo, tổ chức chữa cháy rừng ngay từ khi mới phát sinh. Có các biện pháp khắc phục hiện trường cháy rừng dọc hai bên tuyến đường dẫn vào TP Đà Lạt, Bảo Lộc, không để lại các vết cháy đen loang lổ trong rừng.
Theo ghi nhận, những ngày cuối tháng 3/2021, tại TP Đà Lạt và các huyện lân cận đã xuất hiện vài cơn mưa, nhưng cảnh báo về cháy rừng vẫn đang ở mức cực cao, trong khi vẫn tồn tại những đám cháy nhỏ rất có thể bùng phát thành cháy không thể kiểm soát. Nếu không có những hành động quyết liệt hơn nữa thì các đám thực bì dưới tán rừng thông sẽ là ẩn họa khó lường.
THỤY TRANG