Đảm bảo an ninh nguồn nước trong cấp nước sạch và vệ sinh môi trường vì sức khỏe cộng đồng

05:04, 26/04/2021

Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường hàng năm (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5) do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 1998 và được các ban, ngành Trung ương, địa phương và Nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng...

Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường hàng năm (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5) do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 1998 và được các ban, ngành Trung ương, địa phương và Nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng giúp đạt được những kết quả đáng khích lệ về cấp nước và vệ sinh, góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn.
 
Hội Chữ thập đỏ Đà Lạt huy động tình nguyện viên ra quân làm vệ sinh môi trường vì một Đà Lạt khỏe - đẹp - chất
Hội Chữ thập đỏ Đà Lạt huy động tình nguyện viên ra quân làm vệ sinh môi trường vì một Đà Lạt khỏe - đẹp - chất
 
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn chủ đề “Đảm bảo an ninh nguồn nước trong cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vì sức khỏe cộng đồng” với mục đích nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia, cam kết của gia đình, cộng đồng, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ cấp nước sạch nông thôn, ý thức sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh hộ gia đình để bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
 
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tham gia thực hiện hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2021. Tổ chức phát động và hưởng ứng từ ngày 29/4 đến 30/6, có thể kéo dài đến Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (28/8) và lồng ghép với các sự kiện và ngày lễ lớn khác như Ngày Môi trường thế giới, các ngày lễ lớn 30/4 và 1/5. Các hoạt động chính là tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin của đơn vị, treo biểu ngữ, áp phích, tờ rơi với mục tiêu, nội dung về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở địa phương trong điều kiện đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của Chính phủ về an toàn và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tổ chức các chiến dịch truyền thông trực tuyến trên các trang mạng xã hội, trang web của đơn vị nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để nâng cao sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh. 
 
Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện Hướng dẫn giám sát và phòng bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam do Bộ Y tế vừa ban hành. Theo đó, nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, có điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt và vệ sinh môi trường rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng. Tình trạng nhiễm ký sinh trùng tại Việt Nam nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm đúng mức. 
 
Bệnh ký sinh trùng thường có một số đặc điểm giống nhau về đường lây nhiễm, yếu tố nguy cơ nên được chia theo nhóm bệnh như: Bệnh giun truyền qua đất (giun đũa, giun tóc, giun móc), bệnh giun đường ruột khác (giun lươn, giun kim), bệnh sán lá truyền qua thức ăn (sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột), bệnh lây truyền từ động vật sang người (bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn, bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo, bệnh ấu trùng giun đầu gai, bệnh giun lươn não, giun xoắn), bệnh do nấm, do đơn bào (lỵ amíp và do đơn bào khác).
 
Tỉ lệ nhiễm chung giun truyền qua đất của cả nước khoảng 30%, trong đó khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên có tỉ lệ nhiễm cao nhất với trên 50%. Các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao là trẻ em mầm non, học sinh và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Một số ngành nghề thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất có tỉ lệ nhiễm giun cao hơn như nghề trồng lúa, trồng rau, hoa màu, làm rừng. 
 
Nhiều trẻ ở lứa tuổi mầm non bị lây nhiễm giun kim từ bạn trong cùng lớp học, ghi nhận sự lây nhiễm ở hầu hết các địa phương bao gồm cả tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế phát triển. Nhiễm giun lươn gặp ở đa số người thường xuyên tiếp xúc với đất và không sử dụng bảo hộ lao động. Nhiễm giun lươn nặng, nhiễm giun lươn lan tỏa có thể gây suy đa phủ tạng và tử vong. 
 
Bệnh sán lá gan nhỏ gây viêm đường mật, viêm túi mật, gây sỏi mật, xơ gan, xơ hóa đường mật, ung thư đường mật. Bệnh hay gặp ở 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và 12 tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam. Bệnh sán lá gan lớn gặp ở 53/60 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong những năm gần đây có từ 10-12 nghìn ca bệnh/năm. Trong khi đó bệnh sán lá phổi gặp chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Bắc, số lượng bệnh nhân nhiễm sán lá phổi gần đây đã giảm nhiều, mỗi năm ghi nhận dưới 20 trường hợp. 
 
Bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn gặp rải rác ở 60/63 tỉnh, thành phố. Mỗi năm có khoảng 10-11 nghìn bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị trên toàn quốc. 
 
Một số bệnh giun, sán ở người có nguồn gốc từ vật nuôi, động vật hoang dã, hoặc nhiễm từ môi trường đất, nước như: bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo, ấu trùng giun đầu gai, giun xoắn; các bệnh do nấm, đơn bào ở người cũng được ghi nhận. 
 
Các bệnh ký sinh trùng có thể gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hóa ở người; gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng, thể lực, phát triển cơ thể. Bệnh ký sinh trùng gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khỏe của người dân, tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng và gây ra những gánh nặng bệnh tật.
 
Phòng, chống bệnh ký sinh trùng trong giai đoạn vừa qua mới chỉ tập trung vào hoạt động tẩy giun tại cộng đồng kết hợp với hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng, thực hiện các dự án và nghiên cứu quy mô nhỏ về các bệnh giun, sán. Hoạt động điều trị chủ yếu tại các cơ sở y tế khi người bệnh đến khám được phát hiện hoặc có các tổn thương của cơ quan phủ tạng, do người dân tự mua thuốc tẩy giun.
 
AN NHIÊN