Để giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường nông thôn

06:04, 12/04/2021

Một ước tính mỗi ngày trong các vùng nông thôn Lâm Đồng vẫn còn trên 230 tấn rác thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý đang thải trực tiếp ra môi trường. 

Một ước tính mỗi ngày trong các vùng nông thôn Lâm Đồng vẫn còn trên 230 tấn rác thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý đang thải trực tiếp ra môi trường. 
 
Người dân tham khảo mô hình ủ phân vi sinh tại Tổ dân phố 6, thị trấn Madaguôi, Đạ Huoai
Người dân tham khảo mô hình ủ phân vi sinh tại Tổ dân phố 6, thị trấn Madaguôi, Đạ Huoai
 
Xử lý trong vườn nhà 
 
Trong cuối tháng 3/2020, huyện Đạ Huoai đã bắt đầu nỗ lực giảm thiểu lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường trong vùng nông thôn của mình bằng một cuộc phát động cùng cho ra mắt mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở Tổ dân phố 6, thị trấn Madaguôi. Đơn vị chịu trách nhiệm phụ trách cuộc vận động này là Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện.
 
Hầu như toàn bộ 240 gia đình tại tổ dân phố trên sau quá trình được vận động đều đăng ký tham gia. Đây là mô hình điểm đầu tiên trên địa bàn huyện Đạ Huoai về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, được Hội Phụ nữ huyện lồng ghép trong thực hiện tiêu chí 3 sạch trong Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới hiện nay tại huyện. 
 
Các hộ gia đình đăng ký tham gia được yêu cầu phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nhà, tách rác thải nhựa, chai lọ ra khỏi rác để xử lý hoặc tái sinh; còn các phụ phẩm nông nghiệp hữu cơ được chôn lấp ngay tại vườn nhà hay cho vào các bể ủ phân sinh học bón cho cây trồng. 
 
Mục tiêu của chương trình như Hội Phụ nữ huyện cho biết, nhằm giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt đưa ra môi trường hằng ngày, giảm tải cho việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của huyện hiện nay. Trong dịp này, Hội Phụ nữ huyện đã phát hằng trăm tờ rơi hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt đến các hộ dân đồng thời trao tặng nhiều gói chế phẩm sinh học giúp người dân xử lý rác hữu cơ. Sau khi triển khai tại đây huyện sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình này ra các xã và thị trấn trong huyện.
 
Trước đó, một địa phương lân cận với Đạ Huoai là huyện Đạ Tẻh trong năm 2019 đã phát động việc phân loại rác tại nguồn trong toàn huyện. Cho đến nay Đạ Tẻh chính là huyện đầu tiên tại Lâm Đồng thực hiện chương trình phân loại rác thải tại nguồn ngay tại hộ gia đình cấp huyện. Mục tiêu như bà Nguyễn Thị Hoa Tài, Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện cho biết đó là giảm lượng rác thải ra môi trường bằng cách xử lý rác thải hữu cơ tại chỗ, giảm tối đa lượng rác thải nhựa sử dụng hằng ngày. 
 
Dù phân loại rác thải tại gia đình được triển khai rộng trong cả huyện nhưng theo bà Tài, huyện vẫn chú trọng rất nhiều vào vùng nông thôn vì nhiều gia đình có đất vườn rộng, có thể xử lý rác thải hữu cơ ngay trong vườn để biến rác thành phân bón phục vụ cho canh tác. Đến nay, Đạ Tẻh đã tổ chức rất nhiều lớp tập huấn hướng dẫn phân loại rác thải tại gia đình cho các cộng đồng dân cư ở tất cả các xã trong huyện; người dân được hướng dẫn cụ thể cách phân loại rác, cách tách rác thải vô cơ ra khỏi rác hữu cơ, cách ủ phân vi sinh. Chính quyền đã hỗ trợ người dân các bể bê tông ủ phân, hỗ trợ men vi sinh để ủ phân. 
 
Với rác vô cơ còn lại như chai thủy tinh, nhựa, người dân được yêu cầu phân loại để tái chế, tái sử dụng thông qua các chương trình do huyện phát động, phần nào không sử dụng được thì gom bỏ vào các thùng rác ven đường trong xã để ngành chức năng đến thu gom. Với rác thải nguy hại từ nguồn sinh hoạt như pin, bóng đèn, bình ắc-qui… người dân được khuyến cáo không vứt ra môi trường mà mỗi xã thành lập một điểm thu gom theo hình thức đổi rác lấy quà theo chương trình của huyện, số rác nguy hại này sau đó được huyện đưa đi xử lý. 
 
Riêng với bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng, từ năm 2017, Đạ Tẻh đã xây dựng các cống hộp đặt ven đường và trên đồng, giao Hội Nông dân chịu trách nhiệm vận động người dân thu gom bỏ vào đây sau đó gom vào nhà lưu chứa chung của huyện để đơn vị chức năng tỉnh đưa đi xử lý. Cho đến thời điểm này, Đạ Tẻh đã đặt 445 hộp bê tông trên địa bàn, trung bình mỗi năm huyện thu gom được từ 3,7 - 4 tấn rác thải nguy hại này.
 
Nhờ làm tốt việc phân loại xử lý rác tại gia đình nên đến nay lượng rác thu gom hằng tuần tại các xã trên địa bàn Đạ Tẻh đã giảm xuống rất nhanh. Bên cạnh hỗ trợ người dân thùng rác để phân loại rác tại nhà, tất cả 9/9 xã, thị trấn trong huyện được huyện hỗ trợ lắp đặt các thùng rác 3 ngăn để khuyến khích người dân phân loại rác trước khi bỏ vào. Huyện cũng cho cải tạo lại xe thu gom rác thải thành 2 loại, gồm xe thu gom rác thải dễ phân hủy và xe thu gom rác thải khó phân hủy. Huyện cũng lên kế hoạch đầu tư thêm xe rác để nâng việc thu gom ở các xã từ 1 lần/tuần lên 2 lần trong tuần. 
 
Theo bà Tài, tỷ lệ thu gom rác sinh hoạt tại Đạ Tẻh đến nay khu vực thị trấn đã đạt 80%, còn vùng nông thôn đạt 75%. Trong năm nay huyện phấn đấu nâng mức phân loại rác tại nguồn toàn huyện đạt tỷ lệ 30%, mỗi năm nâng dần từ 5-10% để đến năm 2025 huyện đạt tỷ lệ 75% dân cư trong huyện phân loại rác thải tại nguồn.
 
Để giảm tải cho môi trường nông thôn
 
Theo ngành chức năng Lâm Đồng, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trong vùng nông thôn của tỉnh phát sinh khoảng 456 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ gần một nửa trong số này, khoảng 220 tấn, được thu gom và xử lý. Toàn bộ số rác thải sinh hoạt còn lại, khoảng 236 tấn, được “vô tư” thải trực tiếp ra môi trường, tạo một sức ép rất lớn về môi trường cho các vùng nông thôn.
 
Ngay cả việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn cũng đang có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương với nhau. Một số huyện, thành có tỷ lệ thu gom cao như Đà Lạt với trên 97%, Bảo Lộc trên 79,2%, Đơn Dương gần 78% thì cũng còn có những huyện có tỷ lệ thu gom rất thấp như Lâm Hà mới chỉ đạt trên 15,6%, Đạ Huoai chỉ gần 20%.
 
Chất thải rắn hay rác thải sinh hoạt nông thôn phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, chợ, trường học, trạm xá, cơ quan hành chính... trong vùng nông thôn, trong đó các chất hữu cơ từ thực phẩm, phế phẩm nông nghiệp, chất thải nhà vườn có tỷ lệ khá cao chiếm từ 55-75% rất dễ phân hủy; phần còn lại là chai lọ, bao bì nhựa... trong đó có bao bì hóa chất bảo vệ thực vật rất độc hại, khó phân hủy.
 
Ngoại trừ 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc đã có hệ thống thu gom rác thải vươn đến các vùng nông thôn ngoại vi, còn hầu như rất ít các huyện còn lại trong tỉnh có khả năng như vậy vì không đủ nguồn lực lẫn phương tiện. Hầu hết các huyện hiện nay chỉ thu gom rác thải sinh hoạt tại các thị trấn, các khu vực lân cận và trên các trục chính của huyện, còn các xã vùng xa, vùng sâu tỷ lệ thu gom rất thấp.
 
Tại nhiều xã vùng xa này, một phần lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày được các tổ vệ sinh môi trường của thôn hoặc xã đứng ra thu gom, vận chuyển bằng các loại xe thô sơ về bãi chôn lấp tạm của địa phương để xử lý; kinh phí thu gom do người dân và đơn vị thu gom, vận chuyển tự thỏa thuận. Một phần rác thải còn lại được các hộ dân “tự xử” ở vườn nhà như chôn lấp hoặc đốt. 
 
Điều đáng nói hầu hết các bãi rác tạm tự phát kiểu này đều không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật về chôn lấp hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối, phát sinh nước rỉ rác. Khi khối rác tích lớn, nhiều nơi “xử lý” bằng cách đốt bỏ, gây ô nhiễm, mất mỹ quan, ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng dân cư trong khu vực. 
 
Như Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng chỉ ra, ô nhiễm do quản lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt không tốt, xử lý rác thải không hợp vệ sinh tác động rất lớn đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội. Những bãi rác tạm bợ không đảm bảo vệ sinh như thế gây ra những thiệt hại không nhỏ tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đất, ngấm vào nước ngầm; làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh trong cộng đồng dân cư sống gần các bãi chôn lấp. 
 
Lâm Đồng những năm vừa qua đã có những nỗ lực nhất định trong quản lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt vùng đô thị lẫn nông thôn. Tuy nhiên, như ngành chức năng tỉnh chỉ ra, việc phân công, phân nhiệm trong quản lý chất thải rắn còn phân tán, chồng chéo; công tác quy hoạch các khu xử lý rác, bãi chôn lấp chưa gắn liền đồng bộ với quy hoạch chung của khu đô thị, khu dân cư; kinh phí đầu tư cho lĩnh vực quản lý chất thải rắn còn hạn chế; rác thải nguy hại là bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được thu gom hết để xử lý đúng quy định; việc huy động cộng đồng tham gia quản lý chất thải rắn còn hạn chế. 
 
Theo Sở, trong thời gian đến tỉnh cần chú trọng tăng cường năng lực thu gom rác thải sinh hoạt cho các khu vực có tốc độ tăng trưởng dân số và mật độ dân cư cao, nhất là những vùng nông thôn có xu hướng đô thị hóa mạnh; đồng thời cần thúc đẩy xã hội hóa việc xây dựng các khu xử lý rác liên hợp; đầu tư và thu hút đầu tư công nghệ xử lý rác tiên tiến, có tính kết hợp nhiều công nghệ liên hợp trong một công trình như công nghệ đốt, thu hồi, tái chế, tránh các công nghệ cũ như chôn lấp, đặc biệt là chôn lấp hở không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh và môi trường. Tỉnh cũng cần đẩy nhanh tiến độ đóng cửa các bãi rác gây ô nhiễm môi trường cũng như sớm chuyển đổi các bãi rác có nguy cơ gây ô nhiễm trên địa bàn.
 
Riêng với rác thải sinh hoạt vùng nông thôn, theo chúng tôi, tỉnh cần tham khảo cách làm rất hay của Đạ Tẻh về phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình hiện nay để có thể xem xét nhân rộng ra các huyện trong tỉnh. 
 
VIẾT TRỌNG