Theo số liệu thống kê của ngành chức năng Lâm Đồng, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trong các vùng đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 481 tấn/ngày...
* Theo số liệu thống kê của ngành chức năng Lâm Đồng, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trong các vùng đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 481 tấn/ngày.
Cho đến nay, lượng rác thải sinh hoạt thu gom trong các vùng đô thị mới đạt trên 88,2% và vẫn còn khoảng 11,8%, tương đương 57 tấn/ngày chưa được thu gom và thải bỏ trực tiếp vào môi trường xung quanh.
Cùng đó, tại một số địa phương trong tỉnh chất thải rắn sinh hoạt còn tồn đọng trên các trục đường chính gây mùi khó chịu, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Khó khăn nhất đối với các đô thị Lâm Đồng hiện nay là việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi chưa có giải pháp dự phòng trong trường hợp các nhà máy xử lý chất thải rắn xảy ra sự cố, như tại Đà Lạt và Bảo Lộc; lượng rác thải đưa ra môi trường ngày càng tăng trong khi các bãi chôn lấp hầu hết đều quá tải và không đảm bảo vệ sinh.
* Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khu vực nông thôn khoảng 455 tấn/ngày, nước thải sinh hoạt của cư dân nông thôn ước khoảng 20.000 m3/ngày. Sức ép về xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt đang gây áp lực lên hệ thống thu gom, xử lý rác thải cũng như hệ thống cấp thoát nước. Lâm Đồng đang tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới, lựa chọn mô hình phù hợp thu gom, quản lý, xử lý và tái xử lý chất thải nông thôn, nhằm đảm bảo môi trường được giữ gìn, nâng cao chất lượng sống cho cư dân.
Được biết, môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nhất là giai đoạn duy trì sau khi đã đạt chỉ tiêu.
V.T - D.Q