Nhiều người dân trên địa bàn huyện Đức Trọng, Đơn Dương tiếp tục san lấp, lấn chiếm ranh giới lòng hồ thủy điện gây ảnh hưởng tới dòng chảy và an toàn hồ đập mùa mưa lũ.
Nhiều người dân trên địa bàn huyện Đức Trọng, Đơn Dương tiếp tục san lấp, lấn chiếm ranh giới lòng hồ thủy điện gây ảnh hưởng tới dòng chảy và an toàn hồ đập mùa mưa lũ.
Cơ quan chức năng kiểm tra một điểm lòng hồ Thủy điện Đại Ninh bị san lấp, lấn chiếm |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, nhiều hộ dân sinh sống cạnh Thủy điện Đại Ninh (huyện Đức Trọng) đã thuê xe cơ giới chở đất đá đổ xuống lòng hồ nhằm tạo mặt bằng để lấn chiếm đất. Hành vi này xảy ra nhiều nhất tại địa phận các xã Phú Hội, Ninh Gia và xã Tà Hine. Đơn vị chủ quản hồ Thủy điện Đại Ninh hằng ngày đã phải cắt cử người thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi lấn chiếm hành lang an toàn của hồ đập thủy điện. Thậm chí, khi bị phát hiện, ngăn chặn, những người vi phạm không hợp tác, có thái độ thách thức, chống đối.
Đại diện Công ty Thủy điện Đại Ninh cho biết: Lợi dụng đang là mùa khô, nước hồ cạn sâu, nhiều người đã thuê xe ben chở hàng nghìn mét khối đất đá đổ xuống lòng hồ Thủy điện Đại Ninh. Chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị này đã phát hiện, phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý 5 trường hợp san lấp đất xuống lòng hồ. Điều đáng báo động là khi lực lượng chức năng phát hiện, tới làm việc, không ít trường hợp đã bất hợp tác, có thái độ thách thức.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng hồ Thủy điện Đại Ninh bị san lấp, lấn chiếm, từ cuối năm 2019, Công ty Thủy điện Đại Ninh buộc phải triển khai xây dựng bờ rào thép gai tại những khu vực tiếp giáp với khu dân cư, thường xuyên xảy ra hành vi lấn chiếm với chiều dài khoảng 2,5 km. Tuy nhiên, khi triển khai được khoảng 1,5 km thì phát sinh tranh chấp với 45 hộ dân. Các hộ này không cho đơn vị rào khu vực đất quanh hồ Thủy điện Đại Ninh, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho doanh nghiệp.
Liên quan đến hành vi san lấp, lấn chiếm hồ Thủy điện Đại Ninh, UBND huyện Đức Trọng và UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Công ty Thủy điện Đại Ninh kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm.
Hành lang thoát lũ hạ du sông Đa Nhim bị người dân đổ đất lấn sai quy định |
Không chỉ có hồ thủy điện bị san lấp, lấn chiếm, trên sông Đa Nhim chảy qua địa phận huyện Đức Trọng, nhiều vị trí cũng đang bị các hộ xây bờ kè, bao móng, lấn chiếm ra giữa dòng sông. Hành vi tác động, lấn chiếm đất, làm thay đổi hiện trạng sông Đa Nhim của một hộ gia đình đã khiến người dân trong thôn bức xúc, phản ánh tới cơ quan chức năng. UBND xã Phú Hội đã mời người vi phạm lên làm việc, lập hồ sơ xử lý theo quy định, đồng thời buộc trường hợp này khắc phục hậu quả, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Công ty ĐHĐ) lâu nay cũng gặp rất nhiều khó khăn về việc hành lang thoát lũ phía hạ du sông Đa Nhim (huyện Đơn Dương) dài 40 km kéo tới Thủy điện Đại Ninh bị thu hẹp nghiêm trọng do nhiều trường hợp san gạt, xâm chiếm.
Ngay tại khu vực thị trấn Thạnh Mỹ, đoạn giáp cầu Quảng Tân, có một số hộ dân đổ hàng trăm m3 đất cao từ 5-7 m, rộng hàng ngàn mét vuông sát mép sông Đa Nhim. Ngoài ra, cách đó không xa, đi về phía đầu nguồn con sông, nhiều hộ dân vẫn vô tư đổ đất, rác thải hoặc trồng nông sản lấn ra mép sông. Theo ghi nhận, việc xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm trong vùng thấp ven sông khá phổ biến, chưa kể một số vị trí của lòng sông, có nhiều bãi tre gây cản trở dòng chảy khi nước lũ dâng cao.
Với tình hình mùa mưa bão năm nay dự báo có diễn biến phức tạp, các thủy điện đều đã có văn bản đề nghị chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, cảnh báo, có giải pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời tình trạng người dân bạt đất, đổ đất vùng lòng hồ, hành lang thoát nước vùng hạ du gây mất an toàn khi có lũ trên sông,... Tuy nhiên, thực trạng trên dường như đã tồn tại từ nhiều năm qua, đặc biệt hàng năm tới mùa khô, khi lòng hồ và vùng hạ du mực nước hạ thấp thì tình trạng san gạt, lấn chiếm lại nổi cộm, trong khi công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử phạt còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Đã đến lúc các cấp, các ngành và địa phương liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang các lòng hồ thủy điện tại địa phương.
C.THÀNH