Ngày 2/4, đánh giá tại Hội nghị trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp...
Ngày 2/4, đánh giá tại Hội nghị trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp nhấn mạnh: Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp tăng cao. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) phải hành động thực sự hiệu quả như tinh thần chỉ đạo từ Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy và chỉ đạo của Thủ tướng.
|
Đoàn kiểm tra xác minh thực tế về tọa độ |
Thực kiểm tại Vườn Bidoup - Núi Bà
Sau ngày hội nghị, chúng tôi có dịp cùng lực lượng kiểm lâm (KL) kiểm tra rừng và đất lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (gọi tắt VQG). Đoàn kiểm tra gồm Đội KL cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1, Hạt KL huyện Lạc Dương, Hạt KL VQG và Ban Lâm nghiệp thị trấn Lạc Dương. Đến chiều 7/3, khi viết bài báo này, công việc chưa kết thúc, vì vậy, chúng tôi chỉ lướt qua một vài tình hình từ thực tế, phần nào chia sẻ nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với chủ rừng nói chung; và quan trọng hơn, khái quát mấy nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh.
Đợt thứ 2 các đơn vị KL phối hợp kiểm tra tại VQG ở 2 Tiểu khu 112B và 113B. Theo giới thiệu của ông Phạm Quang Hải - Hạt phó Hạt KL VQG, chúng tôi vào chốt do VQG dựng, giao các hộ dân nhận khoán QLBV và trực. Mục sở thị, trong chốt, ngoài chỗ nằm, bếp nấu ăn còn có danh sách tuần tra BVR, trực phòng chữa cháy rừng. Tổ chia thành 6 nhóm, với 34 hộ, do Rơ Ông Ha Klas làm tổ trưởng, Cil Doanl làm tổ phó và chuyên trách là Đa Guốt Síp. Dơng Gur Ha Sang, sinh năm 1995, thôn Đăng Kia, thị trấn Lạc Dương đưa chúng tôi cuốn sổ trực. Sổ ghi từng ngày và tên cụ thể người có mặt, người vắng mặt, lý do. Ha Sang cho biết: “Giờ nào cũng có người trực hết, cả ngày và đêm, ăn ngủ tại chỗ”.
Chúng tôi cũng mục sở thị hiện trạng một số khoảnh đất lâm nghiệp bị san ủi, có chỗ còn trống, có chỗ đã sản xuất nông nghiệp từ nhiều năm nay. Một số nhà tạm dựng lên của những người sản xuất nông nghiệp. Mục đích phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp thực chất là để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Đơn vị chủ rừng là VQG Bidoup - Núi Bà cũng cung cấp cho chúng tôi một số văn bản kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm. Ví dụ, phối hợp xử phạt vi phạm hành chính lấn chiếm đất lâm nghiệp đối với ông Cil Guin 10 triệu đồng; tham gia phiên tòa vụ “hủy hoại rừng” tại Tiểu khu 112B đối với ông Rơ Ông Ha Ka 21 tháng tù cùng bồi thường thiệt hại lâm sản trên 15,3 triệu đồng và 15 tháng tù giam đối với ông Liêng Hót Ja Bát cùng bồi thường trên 12,6 triệu đồng; lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm 2.790 m
2 đất lâm nghiệp đối với ông Hồ Minh Tuấn…
Cũng phải nhìn nhận công bằng tại VQG, một số đất bị san ủi và thông bị cưa hạ, theo tìm hiểu của chúng tôi, lâm phần này khi chưa thuộc phạm vi được giao quản lý theo Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ, tại số 1240/QĐ-TTg ngày 19/11/2004 về việc “Chuyển khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup - Núi Bà thành VQG Bidoup - Núi Bà”. Hệ quả là vô cùng khó khăn đối với chủ rừng, nếu chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng không thực sự đồng hành với chủ rừng và thể hiện cao tính hiệu lực QLBV&PTR!
Vi phạm Luật Lâm nghiệp diễn ra tại nhiều khu vực
Theo kết quả điều chỉnh đất sản xuất nông nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 thì diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất bị xâm canh để sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là trên 52.000 ha. Tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng đề án khôi phục, trồng lại rừng để nâng cao độ che phủ rừng bằng các giải pháp trồng xen cây lâm nghiệp với mật độ thích hợp. Ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đồng thời khôi phục và phát triển rừng bền vững để đến năm 2030 tỉ lệ che phủ rừng đạt 56% là mục tiêu tối thượng của tỉnh.
Mặc dù tỉnh chỉ đạo nhiều văn bản quyết liệt; các ngành, các cấp, các địa phương và đơn vị chủ rừng triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp. Không cần nhắc lại số liệu trước đây, chỉ nêu vài số liệu mới nhất là quý I năm 2021 (từ ngày 10/12/2020 đến 10/3/2021) cũng đủ để minh chứng: Có 152 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; diện tích thiệt hại do phá rừng 10,56 ha, lâm sản thiệt hại 1.008,127 m
3. Trong đó, hành vi khai thác rừng trái pháp luật 35 vụ (chiếm 23%), thiệt hại trên 188 m3 gỗ; hành vi phá rừng trái pháp luật 65 vụ (chiếm 43%), diện tích thiệt hại 10,56 ha, lâm sản thiệt hại 773,764 m
3,… So với cùng kỳ năm 2020, số vụ vi phạm tăng 16 vụ (tương đương 12%); diện tích thiệt hại do phá rừng tăng 3,13 ha (tương đương 42%), lâm sản thiệt hại tăng 552,943 m
3 (tương đương 121%). Cũng trong quý I/2021, toàn tỉnh có tổng diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm mới 15 vụ (24.850 m
2); so cùng kỳ năm 2020, giảm 2 vụ nhưng diện tích lấn, chiếm tăng 8.506 m
2. Với tái lấn chiếm, có 12 vụ (56.777 m2); so cùng kỳ năm 2020, tăng 10 vụ, diện tích tái lấn, chiếm tăng 28.077 m2.
Nhiều giải pháp ngăn chặn mới bảo vệ được rừng và đất lâm nghiệp
QLBV&PTR là lĩnh vực chịu nhiều thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị quyết tâm và quyết liệt, cùng vào cuộc bằng nhiều nhiệm vụ với đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, đó là nâng cao hiệu quả công tác sử dụng rừng, phát triển rừng. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác QLBVR, từ lực lượng nòng cốt đến xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân và xử lý nghiêm minh khi để xẩy ra vi phạm; từ thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp đến hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đó còn là, phát hiện sớm các vụ vi phạm để ngăn chặn kịp thời; truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm minh và giải tỏa trồng lại rừng. Một vấn đề khác, không chỉ địa phương Lâm Đồng triển khai mà cần có sự phối hợp tích cực từ các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và cả tỉnh, thành liên quan, đó là ổn định di dân tự do trên địa bàn người dân đến. Nhiệm vụ và giải pháp phục hồi rừng và phát triển rừng dĩ nhiên triển khai song hành với QLBVR…
Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành liên quan, các địa phương và đơn vị chủ rừng đang triển khai tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm tra để ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Đợt tham gia kiểm tra cùng lượng lượng KL thực tế tại đơn vị chủ rừng VQG Bidoup - Núi Bà ghi nhận rõ điều này. Cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang tích cực đôn đốc các đơn vị thực hiện rà soát, lập kế hoạch và thẩm định hồ sơ trồng rừng năm 2021. Mặt khác, Lâm Đồng đang đẩy nhanh kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh theo Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2021-2025. Với chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, hi vọng nhiệm vụ QLBV&PTR trên địa bàn Lâm Đồng sẽ thu được nhiều kết quả khả quan hơn.
MINH ĐẠO