Tiếp tục rà soát, sáp nhập các thôn, tổ dân phố

06:04, 01/04/2021

Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 1.376 thôn, tổ dân phố (gồm 877 thôn, 499 tổ dân phố), trong đó có 714 thôn, tổ dân phố đảm bảo quy mô số hộ gia đình...

Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 1.376 thôn, tổ dân phố (gồm 877 thôn, 499 tổ dân phố), trong đó có 714 thôn, tổ dân phố đảm bảo quy mô số hộ gia đình; 618 thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình từ 50% đến dưới 100% và có 44 thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% theo quy định.
 
Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở xã, phường, thị trấn. 
 
Trong thời gian qua, hoạt động của thôn, tổ dân phố tại Lâm Đồng đã có những bước đổi mới, chuyển biến tích cực về nội dung lẫn phương thức hoạt động. Thôn, tổ dân phố ở cơ sở đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư. Nhất là trong việc vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, làm đường giao thông nông thôn, bắc điện chiếu sáng theo phương cách Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Người dân đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động từ cơ sở như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. 
 
Theo quy định tại Thông tư hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố do Bộ Nội vụ ban hành gần đây, thôn tại các xã thuộc khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên phải có từ 200 gia đình trở lên; còn tổ dân phố trong các phường, thị trấn thuộc các tỉnh Tây Nguyên phải có quy mô từ 250 gia đình trở lên.
 
Cùng với việc không thành lập thôn và tổ dân phố mới trên địa bàn, vào đầu năm 2020, căn cứ theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 166/NQ-HĐND ngày 21/01/2020 về sắp xếp, sáp nhập và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, trong đó sáp nhập 318 thôn, tổ dân phố để thành lập mới 153 thôn, tổ dân phố; giảm 165 thôn, tổ dân phố trong tỉnh.
 
Sau khi sáp nhập, tỉnh đã có văn bản yêu cầu các cấp chính quyền địa phương cần sớm ổn định bộ máy ở cấp cơ sở.  
 
Trong thời gian đến tỉnh cũng yêu cầu các huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tiếp tục rà soát, xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TTBNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ; tổng hợp, báo cáo phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố theo hướng sáp nhập nguyên trạng các thôn, tổ dân phố gửi đến Sở Nội vụ trước ngày 30/7/2021 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét cho chủ trương thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh.
 
VIẾT TRỌNG