(LĐ online) - Báo Lâm Đồng Online ghi nhận ý kiến của bạn đọc góp ý về những giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông trên đèo Bảo Lộc.
(LĐ online) - Báo Lâm Đồng Online ghi nhận ý kiến của bạn đọc góp ý về những giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông trên đèo Bảo Lộc.
Một vụ tai nạn trên đèo Bảo Lộc. Ảnh tư liệu/Khánh Phúc |
Lý do đèo Bảo Lộc hay xảy ra tai nạn, ùn tắc kéo dài mỗi khi dịp lễ tết hầu hết do ý thức lái xe không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thường lấn làn vượt ẩu. Theo tôi nhận thấy, mặc dù đường đèo thiết kế phù hợp chỉ để đáp ứng chiều lên và xuống nhưng các bác tài vẫn cố lách qua làn đường ngược chiều để vượt. Vì vậy, tại sao không cho lắp con lươn ở các khu vực nguy hiểm, buộc tài xế phải đi theo làn đường nhất định. Tại những điểm lắp con lươn cần có biển báo giảm tốc độ và gắn camera bắt lỗi vi phạm, công khai mức phạt tại điểm đầu - cuối của đèo -
Bạn đọc Lê Ngọc Hải.
Tôi là 1 tài xế thường hay di chuyển ở đèo Bảo Lộc, tôi xin đóng góp một số ý kiến với mong muốn hạn chế tai nạn giao thông trên đèo Bảo Lộc như sau: Kẻ lại vạch sơn rõ trên địa phận đèo, vạch đứt những chỗ đường cho phép vượt và vạch liền những chỗ cua khuất tầm nhìn để trách vượt ẩu; đồng thời, lắp camera những chỗ cấm vượt và xử lý trực tiếp trên và dưới đèo. Mở một vài bãi đất rộng và túc trực xe cứu hộ 24/24 giờ tại đèo để cho những xe hư hỏng vào dừng hoặc xe cứu hộ kéo vào tránh ùn tắc. Nghiêm cấm xe tải vượt trong địa phận đèo, chỉ cho phép xe con và xe khách vượt tại vị trí được vượt -
Bạn đọc Lee Wild Rift.
Ngoài ra, một số bạn đọc còn góp ý về việc “bố trí lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng, đăng kiểm của các phương tiện vận tải ở 2 đầu vào cách đèo 2 km”, “xử phạt thật nặng lỗi vượt ẩu không đúng nơi cho phép, lỗi lấn làn”; “cần phải có qui định khung giờ cho phép các xe tải nặng và cực nặng đi lên hay xuống đèo. Những xe này cần tránh đi vào các khung giờ có đông xe, để tránh xảy ra tai nạn”; “cần nhanh chóng xây dựng đường cao tốc hoặc đường hầm hoặc đèo khác, như tại đèo Prenn và đèo Mimosa hiện nay”; “kiểm tra lại toàn bộ lan can bảo vệ đường trên đèo, lắp đặt hộ lan bánh xoay tại các đoạn cua gắt trên đèo”; “kiểm tra tốc độ của các phương tiện vận tải hành khách bằng camera ghi hình phạt nguội bố trí công khai hoặc các tổ cảnh sát giao thông túc trực 24/24 ở 2 đầu đèo”...
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của bạn đọc thì ý thức của người tham gia giao thông khi lên xuống đèo Bảo Lộc mới là vấn đề quan trọng. Nếu mọi người đều nêu cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định khi lên xuống đèo thì sẽ góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên tuyến đèo này.
PV (tổng hợp)