Ngành chức năng tỉnh trong đợt kiểm tra gần đây đã có văn bản chấp thuận để Công ty TNHH Công nghệ môi trường xanh Đà Lạt đưa vào vận hành thử nghiệm Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thôn Nghĩa Hiệp 1, xã Ka Đô, Đơn Dương.
Ngành chức năng tỉnh trong đợt kiểm tra gần đây đã có văn bản chấp thuận để Công ty TNHH Công nghệ môi trường xanh Đà Lạt đưa vào vận hành thử nghiệm Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thôn Nghĩa Hiệp 1, xã Ka Đô, Đơn Dương.
Với tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng trên diện tích đất khoảng 10 ha, khi hoàn tất nhà máy và bãi xử lý rác thải sinh hoạt nơi đây giai đoạn đầu mỗi ngày sẽ xử lý từ 50-150 tấn rác thải sinh hoạt và các phế phẩm nông nghiệp trong vùng.
Khởi công từ tháng 3/2019, đến nay cơ bản dự án đã hoàn thành các hạng mục chính như công trình thu gom thoát nước mưa; công trình thu gom thoát nước thải, công trình xử lý khí thải, khử mùi hôi; bố trí khu vực để lưu giữ chất thải nguy hại.
Nước rỉ rác phát sinh trong quá trình thu gom xử lý rác nơi đây sẽ được dẫn vào mương kín để bơm về hệ thống xử lý nước thải để xử lý. Hệ thống xử lý nước thải này có công suất 60 m3/ngày đêm, được áp dụng phương pháp xử lý sinh học kết hợp hóa lý.
Qua kiểm tra ngành chức năng tỉnh cũng lưu ý đơn vị cần sớm hoàn thiện một số các hạng mục công trình còn lại theo qui định, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo các nội dung đã được tỉnh phê duyệt. Cụ thể, dự án nên sớm bê tông hóa các tuyến đường nội bộ, sân bãi; xây hệ thống mương thoát nước mưa riêng tách biệt với hệ thống thu gom nước thải; rà soát vị trí để xây dựng bể sự cố; trồng cây xanh xung quanh khu vực; lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động.
Trong quá trình vận hành thử nghiệm, ngành chức năng tỉnh cũng đề nghị chủ đầu tư dự án nên tiến hành phân định, phân loại đối với bùn thải trong quá trình xử lý nước thải và tro sỉ của lò đốt chất thải là chất thải nguy hại hay chất thải công nghiệp thông thường theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
Trường hợp dự án gây ra sự cố môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường, chủ dự án phải có trách nhiệm dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm, báo cáo kịp thời đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để được hướng dẫn giải quyết, đồng thời chịu trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật...
VIẾT TRỌNG