Có lẽ hiếm có thành phố nào ở Việt Nam mà các hoạt động phát triển kinh tế của đa số người dân lại có mối quan hệ mật thiết với rừng như thành phố Đà Lạt. Chính vì lẽ đó mà việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở thành phố này trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết.
[links()]
Đổi mới phương pháp quản lý, bảo vệ rừng
Có lẽ hiếm có thành phố nào ở Việt Nam mà các hoạt động phát triển kinh tế của đa số người dân lại có mối quan hệ mật thiết với rừng như thành phố Đà Lạt. Chính vì lẽ đó mà việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở thành phố này trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết.
|
Lực lượng kiểm lâm, chủ rừng phối kết hợp kiểm tra rừng ở khu vực đèo Prenn |
Phải khẳng định rằng, dù các vụ phá rừng lấy đất làm rẫy, làm vườn; lấn chiếm đất lâm nghiệp để mở đường, làm dịch vụ du lịch hay các mục đích khác... vẫn còn diễn ra ở một số nơi và được thành phố đưa vào báo cáo mỗi năm vì chưa giải quyết được triệt để nhưng nhìn vào tổng quan cho thấy, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị kiểm lâm, chủ rừng và Nhân dân thành phố Đà Lạt đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ngược thời gian về năm 2015, thời điểm đó, để nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt đã tham mưu cho Thành ủy Đà Lạt xây dựng và ban hành Nghị quyết 02 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 02 đã cải thiện được năng lực quản lý, hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng và phòng chống, chữa cháy rừng cũng được quan tâm thực hiện bằng nhiều cách thức đa dạng, làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ, trồng rừng. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, có thể thấy vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định dẫn đến chưa thể ngăn chặn, xử lý triệt để được các vụ xâm hại rừng. Chính vì vậy, sau khi tổng hợp, phân tích những ưu điểm, hạn chế, Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt mới đây đã đề xuất, xin ý kiến lãnh đạo thành phố và tổ chức hoạt động theo mô hình quản lý, bảo vệ rừng theo cụm, bước đầu đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ.
Theo thống kê, Đà Lạt hiện có hơn 19.962 ha rừng với độ che phủ đạt 51,2%, trong đó có trên 14.637 ha rừng tự nhiên, gần 5.325 ha rừng trồng, giao cho 5 đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý rừng Lâm Viên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung, Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, Ban Quản lý Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, Viện Nghiên cứu khoa học Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra, Học viện Lục quân cũng được giao hơn 184,5 ha phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, 93 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để đầu tư dự án với tổng diện tích là 4.630 ha, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý 34 ha rừng phòng hộ, cảnh quan môi trường. |
Ông Võ Thanh Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt cho biết: “Hạt đã thực hiện ấn định rừng thành 3 khu vực, kết hợp xã, phường có rừng gần nhau thành một cụm để phân chia phối kết hợp thực hiện công tác kiểm tra, quản lý, bảo vệ rừng. Trụ sở làm việc cũng được đầu tư khang trang, bố trí ngay tại bìa rừng. Cụ thể, Hạt đã kiện toàn 3 cụm kiểm lâm địa bàn. Trong đó, Cụm 1 gồm Phường 5, Phường 7, Phường 8, Phường 9 và xã Tà Nung; Cụm 2 gồm Phường 3, Phường 4, Phường 10, Phường 11; Cụm 3 gồm Phường 12, Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành. Mỗi cụm đều có cán bộ hạt kiểm lâm, chủ rừng, Ban lâm nghiệp và cùng làm việc ở trụ sở của cụm đặt ở ngay bìa rừng và tổ chức trực 24/24”.
Cụm 1 vốn là địa bàn phức tạp nhất về tình trạng lấn chiếm đất rừng nên các đồng chí trong ban lãnh đạo Hạt phân một lãnh đạo làm cụm trưởng, duy trì thường trực bám địa bàn và mỗi ngày làm việc tại trụ sở của cụm đóng tại ngay khu vực rừng “nhạy cảm” nhất giáp ranh giữa Phường 7 và huyện Lạc Dương.
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của mô hình cụm này, ông Lê Thái Sơn, một cán bộ trẻ, năng động đang là Hạt phó Hạt Kiểm lâm thành phố được phân công về “cắm chốt” tại Cụm 1, kiêm luôn vai trò là cụm trưởng cho biết: “Quá trình tổ chức thực hiện tôi thấy mô hình cụm này thật sự phát huy hiệu quả. Việc phân công các cán bộ Hạt về thường trực tại cụm là điều kiện để cán bộ kiểm lâm chúng tôi gắn bó, gần gũi với cơ sở, từ đó mà bén rễ sâu hơn với rừng để làm tốt nhiệm vụ của mình. Việc thường xuyên làm việc ở cơ sở cũng giúp chúng tôi có điều kiện tiếp xúc và trao đổi thông tin thường xuyên với các chủ rừng, cán bộ tiểu khu và đơn vị nhận khoán. Mỗi tuần chúng tôi tổ chức họp cụm 1 lần để trao đổi thông tin, lên kế hoạch công việc. Công tác phối hợp với các bên liên quan vì vậy cũng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Từ đầu năm cho đến nay, trên địa bàn Cụm 1 không xảy ra vụ phá rừng nào”.
Nếu trước đây, do lực lượng địa bàn mỏng, nên việc tổ chức tuần tra, kiểm tra rất khó khăn, chưa thường xuyên, thì sau khi lập cụm, công tác này được nâng cao và có hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là việc canh trực xử lý, tuần tra gác rừng vào ban đêm. Mỗi cụm đều có cán bộ Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng, các lực lượng tiểu khu trưởng và lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng. Nếu trước đây, ở một số địa bàn trọng điểm như Tà Nung, Phường 7 thường xuyên xảy ra phá rừng, xâm hại rừng thì từ khi thành lập cụm cho đến nay đã hạn chế được rất nhiều. Tình trạng san gạt, làm đường, lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng kịp thời được người dân thông tin, hoặc được lực lượng tuần tra phát hiện và xử lý kịp thời.
Ông Lê Vũ Thuật - Trạm trưởng Trạm Lâm nghiệp Phát Chi, Ban Quản lý rừng Lâm Viên cho biết: “Qụá trình thực hiện mô hình mới này ở khu vực rừng Phát Chi cho thấy hiệu quả rõ rệt. Công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng thực hiện luôn có sự phối kết hợp của nhiều lực lượng nên rất nhanh, gọn. Khi tiếp nhận thông tin thì công tác xử lý cũng được thực hiện rất hiệu quả. Theo ông Thuật, việc thành lập cụm có ưu điểm lớn mà ai cũng nhận thấy đó là xử lý thông tin về rừng tiếp nhận từ Nhân dân hay từ các đơn vị chủ rừng, hộ nhận khoán rất nhanh và hiệu quả.
Chia sẻ về hoạt động quản lý, bảo vệ rừng theo mô hình mới này, anh Nguyễn Văn Trí (Phường 7, thuộc Cụm 3, hiện nhận khoán bảo vệ 270 ha rừng) cho biết: “Hoạt động quản lý, bảo vệ rừng từ ngày thành lập cụm với sự tăng cường của các cán bộ Hạt Kiểm lâm về địa bàn diễn ra sôi động hơn hẳn so với trước đây. Cụm của tôi hiện có 10 hộ nhận khoán, mọi người đều thấy tự tin phấn khởi vì không còn đơn độc mỗi lần đi tuần rừng nữa. Ngoài liên tục tuần tra vào ban ngày, Cụm 3 còn chia ca trực cả vào ban đêm. Hộ nhận khoán chúng tôi cũng luân phiên nhau ra trụ sở ở bìa rừng phối hợp với lực lượng kiểm lâm cụm trực đêm nên các vụ vi phạm cũng được kịp thời tiếp nhận, tổ chức xử lý”.
Lý giải về cách thức hoạt động của mô hình này, ông Võ Thanh Sơn cho biết: Mô hình cụm được tổ chức như hiện nay mang tính phối hợp tập thể rất cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hàng tháng, Hạt động viên thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ bằng cách tổ chức khen thưởng, động viên. Chính vì vậy, các cụm cũng sẽ tự giác kiểm tra chéo lẫn nhau.
Cũng theo ông Võ Thanh Sơn, với hoạt động theo kiểu cụm như hiện nay, cán bộ kiểm lâm và các lực lượng liên quan đều làm việc ở gần rừng, gần hiện trường nên khi xảy ra các vụ vi phạm thì kịp thời phối hợp ngăn chặn. Lực lượng cụm đông, thường trực 24/24 nên cũng tạo khí thế và mang lại ý nghĩa về mặt tuyên truyền, từ đó góp phần vào việc nâng cao ý thức và tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng trong Nhân dân. Song song đó, tạo sự trấn áp nhất định đối với các ý đồ xấu muốn xâm hại rừng. Ông Sơn cũng chứng minh cho chúng tôi bằng số liệu thống kê của các vụ việc mà rõ ràng thể hiện rằng gần đây, các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã không còn dám lộng hành. Kể từ khi thành lập cụm kiểm lâm địa bàn, toàn thành phố mới chỉ để xảy ra vài ba vụ gây thiệt hại về rừng, còn lại đều kịp thời phát hiện ngăn chặn.
Bài 3: Tái sinh những cánh rừng
NGUYỄN NGHĨA - VÕ TRANG