Hiểu cây để có quy trình chăm sóc phù hợp

04:05, 27/05/2021

Cựu chiến binh Trịnh Văn Thế - xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, chia sẻ rằng: Cái nhà nông cần nhất để phát triển kinh tế gia đình vẫn là nắm thật chắc khoa học kỹ thuật, cùng quy trình chăm sóc hợp lý, bên cạnh sự cần cù, chịu thương chịu khó.

Cựu chiến binh Trịnh Văn Thế - xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, chia sẻ rằng: Cái nhà nông cần nhất để phát triển kinh tế gia đình vẫn là nắm thật chắc khoa học kỹ thuật, cùng quy trình chăm sóc hợp lý, bên cạnh sự cần cù, chịu thương chịu khó.
 
Cựu chiến binh Trịnh Văn Thế và vườn cây sầu riêng đang thời kỳ cho trái
Cựu chiến binh Trịnh Văn Thế và vườn cây sầu riêng đang thời kỳ cho trái
 
Từng là lính Không quân, đóng chân tại A7, Ba Vì - Hà Nội, rèn luyện rồi trưởng thành trong môi trường quân ngũ, thế nên những trở ngại trong cuộc sống đời thường sau khi rời quân ngũ không thể làm khó được anh lính Cụ Hồ năm xưa. Ông Thế kể: “Năm 1984, tôi rời quê hương, đi tìm cuộc sống mới ở những miền đất như Đồng Tháp, Cần Thơ, Đồng Nai, Tiền Giang... Năm 1994, tôi lại ngược lên miền cao nguyên, thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, dễ chịu nên quyết định chọn mảnh đất này để định cư”.
 
Với bản tính chịu khó, lại ham học hỏi, cộng thêm sự tháo vát, ông nhanh chóng ổn định cuộc sống gia đình, bằng nghề trồng cà phê và chè. Năm 2002, ông Thế trồng thử nghiệm sầu riêng trên đất rẫy cà phê. Trước đó, ông đi Cai Lậy (Tiền Giang), Đạ Huoai (Lâm Đồng) và một số nơi khác, học hỏi những kỹ thuật trồng loại cây khó tính này từ những người giàu kinh nghiệm, để rồi áp dụng vào thực tế rẫy vườn gia đình. “Địa thế đất ở xã Lộc Nam thường tiêu nước chậm. Vì vậy, khi đào hố, không cần quá sâu, cũng không quá rộng. Độ sâu và độ rộng của hố trồng sầu riêng phù hợp nhất ở đây là khoảng 40 cm. Tuy nhiên, khi trồng phải trồng cây cao hơn miệng hố chừng 5 - 10 cm. Có như thế, cây sầu riêng mới không bị úng nước gây thối rễ, đồng thời cũng không bị thiếu nước, phát triển khỏe mạnh”, ông Thế cho biết.
 
Theo ông, sầu riêng là loại cây rất nhạy cảm với thời tiết, mùa mưa và mùa khô. Nếu nắng nhiều, nhện đỏ, bọ rầy, rệp... - những loại côn trùng gây hại trên cây sầu riêng - phát triển rất mạnh. Mưa lắm thì các loại nấm bệnh lại phát triển mạnh. Để chinh phục cây sầu riêng, người trồng phải nắm thật chắc khoa học kỹ thuật, cùng quy trình chăm sóc hợp lý, từ khâu chọn giống, đào hố, xử lý đất đến quản lý các loại nấm, sâu gây hại... “Đặc tính loài nhện đỏ là chỉ ăn mặt trên của lá sầu riêng,  phải xịt thuốc vào phía trên mặt lá thì mới diệt được chúng. Trong khi đó, rầy lại ăn mặt dưới của lá sầu riêng nên phải xịt thuốc ở mặt dưới lá thì chúng mới chết. Chưa kể, việc xử lý các loại nấm bệnh trên cây sầu riêng, đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, việc tưới, bón loại phân gì trong từng thời điểm cụ thể, cả việc tỉa cành, tỉa bớt trái cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng”, ông Thế tâm sự.
 
Nói về  cựu chiến binh Trịnh Văn Thế, bà Lê Thị Bằng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lộc Nam, nhận xét: “Cựu chiến binh Trịnh Văn Thế là một điển hình trong phong trào cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của địa phương. Một cái đáng quý nữa ở người cựu chiến binh này, là ông không chỉ lo làm giàu cho gia đình mà còn sẵn sàng chia sẻ cùng đồng đội và người dân tại địa phương bằng những kỹ thuật, kinh nghiệm từ thực tế sản xuất của bản thân. Cựu chiến binh Trịnh Văn Thế cũng là người hay hỗ trợ vốn sản xuất, giúp những người khó khăn có thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng”. Ông Trần Ngọc Biên, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm, nói thêm: “Bên cạnh việc trồng cây sầu riêng để phát triển kinh tế gia đình, ông Thế còn canh tác 7 ha cà phê và chè. Mới đây, ông Thế tiếp tục trồng thêm 4.000 cây mắc ca và một số cây chanh dây, với mục đính lấy cây nọ nuôi cây kia”.
 
TRIỀU KA