Chỉ số PCI (Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và Chỉ số PAPI (Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh) đều đánh giá năng lực điều hành của chính quyền địa phương...
[links()]
Chỉ số PCI (Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và Chỉ số PAPI (Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh) đều đánh giá năng lực điều hành của chính quyền địa phương; về phương pháp luận là tương đồng, nhưng, đối tượng trả lời phỏng vấn của PCI là doanh nghiệp, còn PAPI là người dân. Qua 2 bộ chỉ số này, chính quyền phải nỗ lực hơn nhằm cải thiện theo hướng tăng hiệu quả phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp.
Giải mã Lâm Đồng giảm 1 bậc trên bảng xếp hạng PCI 2020
Năm 2020, Lâm Đồng chỉ giảm 1 bậc trên bảng xếp hạng PCI, với 64,43 điểm, thấp hơn năm 2019 (66,23 điểm). Việc giảm bậc do giảm điểm không phải do nỗ lực của Lâm Đồng không đủ thuyết phục các doanh nghiệp, mà có thể nỗ lực ấy chưa đủ đáp ứng những yêu cầu thiết thực của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp cảm thấy chưa hài lòng.
|
Doanh nghiệp ghi nhận nỗ lực lớn của tỉnh Lâm Đồng trong giải quyết thủ tục hành chính, thể hiện ở việc đánh giá điểm rất tốt cho Chi phí thời gian (8,42) |
PCI Lâm Đồng và top 5 đầu, cuối
Nếu Lâm Đồng giữ được mức điểm như năm 2019, thì xếp hạng của Lâm Đồng năm 2020 ở con số 13, có thể tăng 10 bậc, chứ không phải giảm 1 bậc. Nhưng trong 5 vị trí đứng đầu, các tỉnh đều có số điểm tăng so với năm 2019, thậm chí, Quảng Ninh giữ vững ngôi vị số 1 với số điểm tăng vượt trội (75,09) và cao hơn năm 2019 (73,4); 3 tỉnh sau đó đều tăng điểm, cụ thể: Đồng Tháp (72,81 so với 72,1), Long An (70,37 so với 68,82) và Bình Dương (70,16 so với 67,38). Bình Dương cũng vượt từ ngoài top 10 (2019) lên vị trí số 4 (2020); Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí thứ 5 do số điểm ổn định…
Top 5 cuối bảng của PCI 2020 là Bạc Liêu (59,61), Kiên Giang (60,01), Hà Giang (61,16), Đắc Nông (61,96) và Bắc Cạn (61,97) so với top 5 cuối bảng năm 2019 không có nhiều cách biệt về điểm số, cụ thể: Lai Châu (59,95), Đắc Nông (60,5), Bình Phước (62,21), Hà Giang (62,62), Bắc Cạn (62,80). Nhưng, năm 2020, nhờ cải thiện tốt về điểm số mà Lai Châu (61,98) và Bình Phước (62,42) thoát khỏi top 5 cuối bảng; còn Bạc Liêu và Kiên Giang tụt hạng sâu do đánh mất khá nhiều điểm so với năm 2019 (Bạc Liêu 63,78 điểm, Kiên Giang 64,99 điểm).
Vì sao Lâm Đồng giảm điểm và giảm bậc trên bảng xếp hạng PCI?
Năm 2020, Lâm Đồng có 5 chỉ số thành phần giảm điểm và 5 chỉ số thành phần tăng điểm. 5 chỉ số thành phần tăng điểm bao gồm: Gia nhập thị trường (+0,5), Chi phí thời gian (+1,11), Chi phí không chính thức (+0,32), Cạnh tranh bình đẳng (+1,39), Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (+0,27); với tổng điểm tăng là 3,59. Và 5 chỉ số giảm điểm là: Tiếp cận đất đai (-0,06), Tính minh bạch (-1,23), Tính năng động của chính quyền tỉnh (-0,1), Đào tạo lao động (-0,7), Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (-0,46), với tổng điểm giảm là 2,55. Như vậy, nếu tính số điểm tăng giảm tuyệt đối của các chỉ số thành phần, thì Lâm Đồng có tổng điểm tăng cao hơn tổng điểm giảm. Nhưng vì mỗi chỉ số thành phần lại có các trọng số khác nhau, nên số điểm tổng của Lâm Đồng giảm hơn 1,8 điểm, khiến vị thứ trên bảng xếp hạng giảm 1 bậc.
Có một nguyên lý rất đơn giản là muốn tăng hạng thì phải tăng điểm. Nhưng, rõ ràng tăng điểm chưa chắc đã tăng hạng, vì nếu ai cũng tăng điểm thì phải xem tăng bao nhiêu và có tăng nhiều hơn so với các địa phương có số điểm tương đương không. Ngoài ra, còn có nhiều ràng buộc khác, như Lâm Đồng là một ví dụ, tăng điểm ở những chỉ tiêu không có trọng số cao và giảm điểm ở những chỉ tiêu có trọng số cao hơn, nên tổng điểm chung cuộc về giá trị tuyệt đối giảm khá nhiều.
Làm thế nào để cải thiện chỉ số PCI?
PCI là thước đo chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh theo cách thực tiễn tốt nhất tại Việt Nam. Mỗi chỉ số thành phần sẽ được chuẩn hóa theo thang điểm 10, do các doanh nghiệp trả lời điều tra đánh giá được quy về điểm số tương ứng trong khoảng từ 1 đến 10, điểm chỉ số thành phần càng cao thì phản ánh chất lượng điều hành càng tốt.
Như vậy, muốn tăng điểm, tăng bậc trong bảng xếp hạng PCI, thì chỉ có cách tăng điểm hoặc đừng có giảm điểm, và phải tăng điểm đều hoặc đừng có giảm điểm ở các chỉ số thành phần có trọng số cao. Vậy chỉ số thành phần nào có trọng số cao?
Kết quả điểm tính PCI theo trọng số của các chỉ số thành phần, Lâm Đồng giảm 1,81 điểm do bị giảm mạnh ở chỉ số đào tạo lao động và tính minh bạch là hai chỉ số thành phần có trọng số cao nhất (20%) và số điểm được đánh giá cũng giảm nhiều (-0,7) và (-1,23). Trong đó, Tính minh bạch của môi trường kinh doanh thể hiện ở việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin; tạo lập môi trường chính sách, pháp luật ổn định...
Bài 2: PAPI - chỉ số “lòng tin” của người dân
LÊ HOA