PAPI là chương trình khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam. Qua đó, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá từ cảm nhận và trải nghiệm của người dân khi tiếp xúc với chính quyền và dữ liệu được thu thập thường niên.
[links()]
PAPI - chỉ số “lòng tin” của người dân
PAPI là chương trình khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam. Qua đó, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá từ cảm nhận và trải nghiệm của người dân khi tiếp xúc với chính quyền và dữ liệu được thu thập thường niên.
|
PAPI được đánh giá hoàn toàn từ cảm nhận tự nhiên của người dân. |
Tổng quan về PAPI
PAPI (The Viet Nam Provincial Governance and Public Administration Performance Index - Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu được khởi xướng thử nghiệm năm 2009; từ năm 2011, PAPI được triển khai nghiên cứu trên toàn quốc với sự tham gia của toàn bộ 63 tỉnh,.thành phố và trở thành chỉ báo chính, hữu dụng, phục vụ việc so sánh kết quả qua các năm; phản ánh năng lực, hiệu quả quản trị và hành chính công, cũng như mức độ cải thiện của các cấp chính quyền; là công cụ để người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở từ cảm nhận khi tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp.
PAPI có 29 nội dung thành phần, hơn 120 chỉ tiêu chính, hơn 500 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam xoay quanh 8 trục chỉ số nội dung, đó là: 1. Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; 2. Công khai, minh bạch trong ra quyết định; 3. Trách nhiệm giải trình với người dân; 4. Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; 5. Thủ tục hành chính công; 6. Cung ứng dịch vụ công; 7. Quản trị môi trường; 8. Quản trị điện tử. Trong 7 năm đầu (2011-2017), PAPI chỉ có 6 trục chỉ số nội dung chính; 3 năm gần đây (2018-2020) có thêm 2 trục nội dung (7) và (8), là “Quản trị môi trường” và “Quản trị điện tử”. Nội dung đánh giá của PAPI dựa trên ba quá trình có tác động lẫn nhau, đó là: xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công.
Mỗi năm, có khoảng 14 ngàn người dân được chọn ngẫu nhiên tham gia khảo sát PAPI. Mục đích mà PAPI hướng tới là cải thiện hiệu quả phục vụ Nhân dân của chính quyền địa phương, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của Nhân dân, thông qua việc: tạo cơ hội cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ Nhân dân; và, thúc đẩy việc tự đánh giá của chính quyền để đổi mới, tạo thói quen cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương; đồng thời, góp phần hoàn thiện quá trình minh bạch, thúc đẩy cải cách, phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp dân cư vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách.
PAPI 2020
Triết lý của PAPI: Người dân là trọng tâm của quá trình phát triển, là “khách hàng” với đầy đủ khả năng đánh giá chất lượng phục vụ của Nhà nước và chính quyền các cấp, đồng hành cùng Nhà nước trên bước đường xây dựng “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” ở Việt Nam... Năm 2020, PAPI phỏng vấn trực tiếp hơn 14.700 người dân - đông nhất từ trước đến nay, với khoảng 53,5% nữ và 15,6% là người dân tộc thiểu số. Đây cũng là lần đầu tiên khảo sát thu thập ý kiến của người dân đăng ký tạm trú, giúp các cấp chính quyền hiểu rõ hơn về tác động của di cư trong nước đối với hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh.
Qua Báo cáo PAPI năm 2020, nhiều chuyên gia nhận xét: Hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ liên tục được cải thiện; trong đó, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cải thiện mạnh mẽ nhất; trách nhiệm giải trình với người dân cũng nhận được sự hài lòng nhiều hơn; ngày càng có nhiều người dân tương tác với chính quyền cấp cơ sở, nhất là với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố và đại biểu HĐND... Báo cáo PAPI năm 2020 cũng cho thấy, sự tham gia của người dân và nỗ lực chống tham nhũng có mối liên hệ tích cực với hiệu quả phòng, chống đại dịch COVID-19.
Và Lâm Đồng ra sao?
Lâm Đồng chính thức tham gia khảo sát PAPI từ năm 2011. Qua bảng tổng hợp Chỉ số PAPI của Lâm Đồng 10 năm, có 2 lần vào nhóm các tỉnh có điểm số PAPI trung bình cao, 2 lần vào nhóm có điểm số PAPI trung bình thấp và 6 lần vào nhóm có điểm số PAPI thấp nhất. Cũng trong 10 năm qua, Lâm Đồng chưa bao giờ đứng trong nhóm có chỉ số trung bình cao hay cao nhất ở trục nội dung “Công khai, minh bạch”. Đặc biệt, năm 2020 là năm đầu tiên, Lâm Đồng đứng cuối trong bảng nhóm các tỉnh thành có tổng điểm chỉ số PAPI thấp nhất.
Trong 8 trục chỉ số nội dung PAPI năm 2020, Lâm Đồng chỉ có duy nhất 1 chỉ số nội dung đứng trong nhóm trung bình cao đó là “Trách nhiệm giải trình với người dân”; còn 7 chỉ số còn lại đều nằm trong nhóm các tỉnh có điểm các chỉ số này thấp nhất, với 2 chỉ số nội dung cực thấp là “Quản trị môi trường” (2.81 điểm, gồm 3 nội dung thành phần, là: nghiêm túc trong bảo vệ môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước) và “Quản trị điện tử” (2.47 điểm, gồm 3 nội dung thành phần, là: sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương, tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương, phúc đáp qua cổng thông tin điện tử).
Bài 3: Công chức, viên chức và chính quyền cần nỗ lực song hành cùng PAPI, PCI
LÊ HOA