Khó trong công tác quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc biệt thự cổ tại Đà Lạt

05:05, 20/05/2021

Nhiều công trình biệt thự cổ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt đang xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được đầu tư cải tạo, tôn tạo, quản lý, bảo tồn như Báo Lâm Đồng đã thông tin...

[links()]
Nhiều công trình biệt thự cổ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt đang xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được đầu tư cải tạo, tôn tạo, quản lý, bảo tồn như Báo Lâm Đồng đã thông tin. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt cho thấy đơn vị này đang gặp những khó khăn nhất định trong công tác quản lý, bảo vệ do nhiều yếu tố có tính lịch sử… 
 
Biệt thự Số 1 Đống Đa (P3, TP Đà Lạt) xuống cấp nghiêm trọng
Biệt thự Số 1 Đống Đa (P3, TP Đà Lạt) xuống cấp nghiêm trọng
 
Theo đó, đối với các biệt thự thuộc Quyết định 47 ngày 8/12/2017 của UBND tỉnh về việc bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt (gọi tắt là Đề án 47), do Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt đang quản lý, cho thấy đơn vị này đang gặp phải những khó khăn. Cụ thể, một số cơ sở nhà, đất đã được bàn giao cho nhà đầu tư nhưng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chưa đưa vào quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định. Một số chủ đầu tư không thực hiện hoặc không nộp tiền thuê nhà, thuê đất như: Công ty Cổ phần Dasar; Công ty Cổ phần Phi Mã (do khiếu nại, kiến nghị về giá cho thuê nhà, đất chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết).
 
Cùng với đó, công tác bảo trì, bảo dưỡng đối với các biệt thự giải tỏa theo Đề án 47 chưa có nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng để thực hiện, dẫn đến các công trình xuống cấp, hư hỏng, làm ảnh hưởng đến kiến trúc, kết cấu chịu lực cũng như tuổi thọ của biệt thự. Việc giải tỏa, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ đang ở tại một số biệt thự đã ký hợp đồng thuê, bàn giao nhà, nhưng chưa bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án, hoặc biệt thự chưa có chủ trương cho nhà đầu tư thuê còn nhiều khó khăn do thiếu quỹ nhà chung cư bố trí tái định cư, chưa kể người dân kiến nghị, khiếu nại kéo dài.
 
Một số cơ sở nhà, đất đã tháo dỡ theo các văn bản cho phép của cơ quan thẩm quyền, gây khó khăn không ít trong công tác quản lý của Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt trong việc điều chỉnh giá cho thuê đối với chu kỳ tiếp theo, như các trường hợp các biệt thự 07, 07A, 08, 8Y và các biệt thự từ số 09 đến 15 Nguyễn Du. Bên cạnh đó, tình hình cơi nới, nợ tiền thuê nhà, tái ký hợp đồng của các hộ dân tại các biệt thự kéo dài từ trước năm 2003, qua các thời kỳ đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Điều này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà, đặc biệt là tình hình trật tự xây dựng cũng như việc thu nộp tiền sử dụng nhà, điển hình như trường hợp biệt thự Số 7 Lê Thánh Tôn (Phường 6, TP Đà Lạt).
 

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt, bao gồm các dinh thự, biệt thự (gọi chung là biệt thự). Trong đó, phân chia thành 3 nhóm, gồm các biệt thự: Nhóm 1, có 5 dinh thự; nhóm 2, có 74 biệt thự có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, hai nhóm này phải được bảo tồn; ngoài ra là nhóm 3, gồm 83 biệt thự. 

Lịch sử quản lý, sử dụng của căn biệt thự này (biệt thự Số 7 Lê Thánh Tôn, Phường 6, TP Đà Lạt), giai đoạn sau năm 1975, được Công ty Quản lý nhà, đất Công trình đô thị ký hợp đồng cho 5 hộ gia đình thuê để đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Năm 1993, Công ty Quản lý nhà, đất Công trình đô thị giải thể, sáp nhập thành Công ty Kinh doanh phát triển nhà Lâm Đồng. Khoảng thời gian này, qua kiểm tra cho thấy công trình có nguy cơ sụp đổ nên đơn vị quản lý đã thanh lý hợp đồng, yêu cầu các hộ dân sống trong căn biệt thự trả nhà, di dời đến nơi an toàn. Nhưng các hộ dân sống trong căn biệt thự này cam kết chịu trách nhiệm, rồi tự gia cố, ở luôn cho đến nay. Do không xử lý rốt ráo vụ việc, cũng như buông lỏng quản lý qua nhiều giai đoạn mà căn biệt thự trên từ lâu không được duy tu, bảo dưỡng, bị chia không gian cho 9 hộ dân sinh sống. Cũng từ đó đến nay, nhiều người đã kịp biến khuôn viên của căn biệt thự này thành các căn hộ kiên cố. 

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng theo báo cáo của Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, hầu hết các biệt thự do Trung tâm Quản lý nhà quản lý tại TP Đà Lạt được Nhà nước đưa vào sở hữu nhà nước sau 1975 theo diện vắng chủ. Các biệt thự này được giao cho các cơ quan, đơn vị làm nhà làm việc hoặc sử dụng vào mục đích kinh doanh. Vì nhu cầu bức xúc về nhà ở, một số đơn vị đã bố trí cho cán bộ, nhân viên của mình vào ở, biến biệt thự thành nhà ở tập thể dẫn đến tình trạng biệt thự không còn giữ được kiến trúc ban đầu (do bị ngăn cắt, cơi nới…). Một số biệt thự không được khai thác kinh doanh trong thời gian dài để các hộ dân vào lấn chiếm, làm nơi ở bất hợp pháp. 
 
Ông Nguyễn Hàng, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, cho biết: Căn biệt thự trên (biệt thự Số 7 Lê Thánh Tôn, P6, TP Đà Lạt - Pv) dù chưa bàn giao cho đơn vị, nhưng theo trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản công, nhìn thấy công trình có nguy cơ sụp đổ nên đơn vị đề nghị đánh giá, di dời các hộ dân sống trong căn biệt thự để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân. Cũng theo ông Hàng, hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng đối với các biệt thự còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn dẫn đến công trình xuống cấp, ảnh hưởng đến kiến trúc, kết cấu chịu lực và tuổi thọ của biệt thự. Cùng với đó, tình trạng cơi nới, nợ tiền thuê nhà, tái ký hợp đồng của các hộ dân tại các biệt thự kéo dài từ trước năm 2003 qua các thời kỳ đến nay chưa xử lý dứt điểm. 
 
 
Theo thống kê của UBND TP Đà Lạt, đến nay trên địa bàn có trên 530 hộ đang sử dụng các biệt thự do Nhà nước quản lý, nhưng có tới 237 hộ chưa có hợp đồng thuê nhà. Nhiều hộ trong số này đang sinh sống trong 22 công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng. 
 
Từ thực tế trên, Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt đã kiến nghị, đề xuất với UBND TP Đà Lạt: Đối với các chủ đầu tư có các cơ sở nhà, đất đã được bàn giao nhưng chưa đưa vào khai thác, ngoài việc tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, nếu hết quý II năm 2021, các đơn vị chưa tiến hành đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng, Trung tâm Quản lý nhà sẽ tổng hợp danh sách đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. 
 
Với các chủ đầu tư không thực hiện hoặc chậm nộp tiền thuê nhà, thuê đất như Công ty Dasar; Công ty Cổ phần Phi Mã (đã cam kết thực hiện trước ngày 30/5/2021), nếu không thực hiện, đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi chủ trương cho thuê nhà, đất. Riêng công tác bảo trì, bảo dưỡng đối với các biệt thự hiện nay, Trung tâm Quản lý nhà cho các hộ thuê, sau khi có được thông báo kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm (giai đoạn 2) từ cơ quan có thẩm quyền đối với các công trình kiến trúc cổ, Trung tâm Quản lý nhà sẽ tổng hợp, lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa, trình UBND TP Đà Lạt xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt kinh phí. 
 
Cùng với đó, sẽ phát triển quỹ nhà chung cư tái định cư, chung cư nhà ở xã hội phục vụ công tác giải tỏa, bồi thường giải phóng mặt bằng tại các biệt thự vì hiện nay đang gặp khó trong việc bố trí chung cư đối với các trường hợp đã có quyết định bồi thường nhưng chưa có căn hộ chung cư để bố trí, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Đồng thời, Trung tâm Quản lý nhà cũng đề nghị UBND TP Đà Lạt chỉ đạo UBND các phường chủ trì, phối hợp với đơn vị trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại các nhà, biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn để việc bảo tồn, quản lý, sử dụng có hiệu quả công trình kiến trúc biệt thự cổ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn.
 
THỤY TRANG