Để quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, đồng thời, ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép...
Để quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, đồng thời, ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, huyện Lâm Hà tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản chưa khai thác để tránh chống thất thu về thuế và phí, bảo vệ môi trường sinh thái,...
Các lực lượng chức năng thường xuyên đi kiểm tra, ngăn chặn những điểm khai thác khoáng sản trái phép |
Trong những năm gần đây, tốc độ xây dựng công nghiệp, đô thị, đường giao thông, hạ tầng phát triển mạnh nên nhu cầu khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đất đồi làm vật liệu san lấp… ở Lâm Hà là rất lớn. Chính vì vậy, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn hàng ngày diễn ra.
Ông Lê Văn Thiêm, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lâm Hà cho biết, xác định công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh khoáng sản là nhiệm vụ cần quan tâm thường xuyên, Lâm Hà đã chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên khoáng sản, đất đai, môi trường tới các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên; làm tốt công tác phối hợp giữa các đơn vị trong cấp phép hoạt động khoáng sản; kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép.
Hiện Lâm Hà có 15 khu vực được quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản với tổng diện tích 11.161 ha; trong đó, đá xây dựng 5 khu vực với tổng diện tích 6.917 ha, cát xây dựng 5 khu vực với diện tích 1.506 ha, sét gạch ngói 3 khu vực với diện tích 1.822 ha, than bùn 2 khu vực với diện tích 916 ha.
Theo Quyết định số 568/QĐ-UBND ngày 22/3/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và hạn chế khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thì huyện Lâm Hà có 27 vị trí có khoáng sản với tổng diện tích 151,3 ha. Trong đó, đá 10 vị trí với diện tích 49,31 ha; cát 11 vị trí với diện tích 79,9 ha bãi bồi và 20,88 km lòng suối, sông...
Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có 14 tổ chức đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn hạn khai thác với tổng diện tích 126,7 ha. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, diện tích nằm ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đến năm 2020 theo Quyết định số 146/QĐ-UBND trên địa bàn huyện Lâm Hà còn hơn 11.034 ha chưa được cấp phép khai thác cần bảo vệ.
Trong năm 2021, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thành lập và duy trì tổ công tác liên ngành của cấp huyện, cấp xã về việc tuần tra, xử lý các điểm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Tổ chức kiểm tra để ngăn chặn, xử lý và giải tỏa triệt để tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện; xử lý các vi phạm trong hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản theo quy định; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức tham gia hoặc bao che cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra tại các địa bàn thường xuyên có điểm nóng về khai thác khoáng sản như Tiểu khu 292, 293 thuộc xã Tân Thanh; thôn R’ Lơm, Tân Tiến, Yên Thành (xã Đạ Đờn); thôn Thống Nhất (xã Đan Phượng); thôn R’ Hang Trụ (xã Phúc Thọ)...
Ông Đinh Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết, hiện nay xã đã thành lập tổ kiểm soát môi trường do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, theo dõi tại các khu vực có khoáng sản (2-3 lần/tuần). Từ khi có lực lượng này, tình trạng khai thác cát ở Tiểu khu 265, thôn Tầm Xá đã được dẹp bỏ, tại xã chỉ còn lại hiện tượng san ủi mặt đất trái phép. Khi phát hiện hành vi khai thác khoáng sản trái phép, xã đã chủ động tổ chức ngay lực lượng ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo UBND huyện, công an phụ trách khu vực để nắm bắt tình hình, kịp thời tổ chức lực lượng phối hợp ngăn chặn.
“Có những hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử lý thì xã cũng đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, còn hành vi vượt quá thẩm quyền thì chuyển toàn bộ hồ sơ xử lý vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định. Bên cạnh đó, xã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, các quy định của UBND tỉnh, huyện đến từng thôn, tổ dân phố và vận động các hộ dân cam kết không khai thác, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép”, ông Thế cho hay.
Ông Lê Văn Thiêm cho biết thêm, để kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, UBND huyện Lâm Hà đã có rất nhiều văn bản để chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý vụ việc. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về khoáng sản, tuyên truyền phổ biến các quy định về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và người dân địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Đặc biệt, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương, ngành Công an lập chuyên án theo dõi, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản, xử lý dứt điểm các trường hợp khai thác cát trái phép. Qua đó, đã đề nghị khởi tố nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép ở Đông Thanh, Phú Sơn, Phi Tô... nhằm bảo vệ tốt tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ môi trường, sinh thái, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
HOÀNG YÊN