Xác định thủy lợi là khâu quan trọng góp phần mang lại mùa màng bội thu, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp...
Xác định thủy lợi là khâu quan trọng góp phần mang lại mùa màng bội thu, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời là tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, huyện Cát Tiên đã chú trọng quan tâm, đầu tư, xây dựng hệ thống thủy lợi.
|
Nhờ hệ thống thủy lợi nội đồng được kiên cố hóa, 100% diện tích lúa xã Gia Viễn được tưới tiêu chủ động |
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, gắn với tiêu chuẩn VietGAP, hằng năm, người dân trên địa bàn xã Gia Viễn tham gia sản xuất gần 1.900 ha lúa; trong đó, có gần 1.600 ha sản xuất lúa chất lượng cao, hơn 1.000 ha canh tác ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Để phục vụ cho hoạt động sản xuất lúa nước, trên địa bàn xã Gia Viễn đã được đầu tư xây dựng trạm bơm và hệ thống kênh mương nội đồng đảm bảo nước tưới cho 100% diện tích canh tác.
Chị Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Trung Thành xã Gia Viễn cho biết: Trong hoạt động sản xuất lúa, việc kiên cố hóa kênh mương đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công phong trào xây dựng NTM trên địa bàn.
“Từ khi hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tại địa phương được kiên cố hóa, 100% diện tích lúa của các thành viên HTX được tưới tiêu chủ động, bảo đảm quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng lên. Nhờ đó, tại vùng chuyên canh sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, năng suất bình quân luôn đạt trên 65 tạ/ha, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác lúa của xã viên HTX đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm” - chị Oanh cho hay.
Ông Trần Quang Trừng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: Những năm qua, thực hiện phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM, huyện Cát Tiên đã ưu tiên dành nguồn lực để triển khai nâng cấp, cải thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hệ thống hạ tầng thủy lợi được đầu tư xây dựng mới và cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Cát Tiên hiện có 70 công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, toàn huyện có tổng chiều dài 255 km kênh mương nội đồng; tỷ lệ kiên cố hóa đạt 74,6%, hằng năm đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 88,6% diện tích cây trồng chủ yếu, như: Lúa, ngô, lạc, đậu tương, khoai lang... Ngoài ra, các địa phương cùng người dân trong huyện đã tiến hành đào 476 ao, hồ nhỏ, hỗ trợ tưới tiêu cho 1.688 hộ với diện tích gần 1.500 ha. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, các hộ gia đình cũng đã triển khai thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiêu bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương trên một số loại cây ăn quả, góp phần giảm thiểu công lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Theo ông Trần Quang Trừng, khó khăn hiện nay trên địa bàn huyện Cát Tiên là một số hệ thống công trình thủy lợi đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, năng lực tưới tiêu ngày càng suy giảm. Đơn cử, hệ thống tuyến kênh mương N1 từ hồ Đắk Lô nối các xã Gia Viễn - Quảng Ngãi - Đức Phổ được đầu tư xây dựng từ những năm 2005 nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tuyến kênh ngầm, xuất phát từ trạm bơm xã Quảng Ngãi, nhiều năm nay đã bị rò rỉ, mất áp lực đẩy nghiêm trọng, dẫn đến 70 - 80 ha diện tích canh tác vùng cuối công trình của người dân thường xuyên bị thiếu nước tưới. Do đó, rất cần được UBND tỉnh quan tâm, sớm bố trí nguồn kinh phí để tiến hành nâng cấp, sửa chữa.
Ngoài ra, công tác tiêu thoát nước trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cũng đang cần được quan tâm. Điển hình như thời điểm đầu năm 2021, trong khi các ngành chức năng địa phương đang tập trung các phương án chống hạn thì chỉ cần một cơn mưa lớn xuất hiện, hàng trăm ha lúa mới xuống giống của người dân đã ngay lập tức bị ngập úng, dẫn đến mất trắng.
HOÀNG SA