Trong tiến trình phát triển nền nông nghiệp Lâm Đồng hướng đến "toàn diện, bền vững và hiện đại" ở giai đoạn trước cũng như giai đoạn 2021 - 2025...
Trong tiến trình phát triển nền nông nghiệp Lâm Đồng hướng đến “toàn diện, bền vững và hiện đại” ở giai đoạn trước cũng như giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với một số sản phẩm có lợi thế so sánh và các thương hiệu nông sản khác, Lâm Đồng còn đặt ra mục tiêu chiến lược đầy tham vọng, đó là “Thương hiệu số 1 Việt Nam về rau, hoa” và “Cụm sản xuất rau số 1 Đông Nam Á”...
Với hai mục tiêu trở thành “số 1 Việt Nam về rau, hoa” và “sản xuất rau số 1 Đông Nam Á” không vùng đất nào khác trên địa bàn tỉnh lãnh nhận việc tổ chức sản xuất các mặt hàng rau, hoa ngoài thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Vùng sản xuất trên cũng đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng vào tăng năng suất, chất lượng nông sản và gắn nhãn hiệu hàng hóa mang thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” như một “cam kết” đối với thị trường về sản phẩm nông nghiệp “chất lượng, tử tế”.
Trước nay, trong kế hoạch phát triển nông nghiệp, bên cạnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Lâm Đồng cũng đặt mối quan tâm đến vấn đề ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, các khâu sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản địa phương. Một tin vui khi mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã phê duyệt Dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng - giai đoạn 1 - sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản” với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1.159 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án này tại địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà. Mục tiêu của dự án đặt ra đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nhằm tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp tại tỉnh, góp phần hoàn thành 2 trong số những mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp của Lâm Đồng, đó là “Thương hiệu số 1 Việt nam về rau, hoa”, “cụm sản xuất rau số 1 Đông Nam Á” và là “trung tâm sau thu hoạch cho sản phẩm rau, hoa”.
Theo đó, dự án tiến hành đầu tư 15 tiểu dự án gồm 3 hợp phần chính: Hợp phần xây dựng Trung tâm giao dịch hoa thành phố Đà Lạt với diện tích sàn xây dựng 13.294 m2; hợp phần giao thông với 9 tiểu dự án đầu tư xây dựng 65,17 km đường giao thông tiêu chuẩn cấp IV và cấp V miền núi; hợp phần thủy lợi với 5 tiểu dự án phục vụ nước tưới cho 1.075 ha đất sản xuất nông nghiệp...
Sau khi hoàn thành Dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng - giai đoạn 1 - sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản” được triển khai trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ nâng diện tích trồng rau từ 182 ha lên 442 ha, hoa từ 178 ha lên 333 ha với số hộ được thụ hưởng mà dự án mang lại từ 9.364 lên 10.221 hộ.
Được biết, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2021 - 2025 của Lâm Đồng, nhu cầu kinh phí thực hiện 11.102 tỷ đồng và mới chỉ dự án nêu trên từ nguồn vốn ODA và vốn đối ứng trong nước đã chiếm trên 10% tổng vốn đầu tư theo kế hoạch của tỉnh.
XUÂN TRUNG