Nhiều hồ, đập trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuống cấp, mất an toàn

05:06, 09/06/2021

Tới thời điểm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xác định trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hồ chứa thủy lợi có sức chứa lớn, nhỏ tiếp tục mất an toàn trước mùa mưa lũ, cần phải khẩn trương gia cố, khắc phục.

Tới thời điểm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xác định trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hồ chứa thủy lợi có sức chứa lớn, nhỏ tiếp tục mất an toàn trước mùa mưa lũ, cần phải khẩn trương gia cố, khắc phục.
 
Hồ Tuyền Lâm xuống cấp thời gian qua đã được bố trí 30 tỷ đồng, sẽ sửa chữa, nâng cấp trong những ngày tới
Hồ Tuyền Lâm xuống cấp thời gian qua đã được bố trí 30 tỷ đồng, sẽ sửa chữa, nâng cấp trong những ngày tới
 
Theo báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT Lâm Đồng vào đầu tháng 6/2021: Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 430 công trình thủy lợi; trong đó, có 220 hồ chứa, 87 công trình dâng nước, 19 trạm bơm, 92 đập tạm và 12 kênh tiêu, cùng với khoảng 1.200 km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 43.000 ha đất canh tác. Trong số 220 hồ chứa có 32 công trình lớn, 60 công trình vừa và 128 công trình nhỏ.
 
Cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan qua kiểm tra xác định phần lớn các hồ đập trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng đã lâu, do hạn chế về kỹ thuật và nguồn vốn nên không được đầu tư xây dựng đồng bộ, kiên cố và qua thời gian sử dụng lâu dài nên nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Và hiện có 58 công trình hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp tại một số hạng mục khác nhau. Trong số đó có 9 công trình đã bố trí vốn và đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế, còn 49 công trình chưa được phân bổ vốn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
 
Nguy hiểm nhất là hồ chứa nước Đinh Trang Thượng II (huyện Di Linh, dung tích 211.000 m3, phục vụ tưới 50 ha cây trồng) do Tổng Công ty phát điện 1 làm chủ đầu tư, hoàn thành bàn giao lại cho Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng quản lý từ tháng 6/2018. 
 
Hồ này từ năm 2020 đã xuất hiện hiện tượng thấm chảy thành dòng ở nhiều vị trí tại mái hạ lưu. Các dòng thấm này trải dài dọc theo thân đập (đập dài gần 131 m, cao hơn 12 m và chiều rộng đỉnh đập 6 m) gây xói mái hạ lưu. Hiện cơ quan chức năng không cho tích nước hồ này, rút cạn để đảm bảo an toàn vùng hạ du. 
 
Cũng trong tình trạng tương tự, hồ chứa nước P’Róh (huyện Đơn Dương) được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đưa vào sử dụng hơn 16 năm trước để cấp nước phục vụ sản xuất cho 515 ha lúa và hoa màu. Tuy nhiên, hiện nay mặt đập xuất hiện các vết lún, nứt với chiều rộng khoảng 1 cm, sâu 1,5 m. Tại khu vực mái hạ lưu gần cống lấy nước xuất hiện các dòng thấm bất thường gây ẩm ướt mái hạ lưu đập và có hiện tượng sụt lún. Còn tại hồ chứa nước Ma Đanh (huyện Đơn Dương), cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện ở vị trí rãnh thoát nước phía trên đường bão hòa và dọc thân tràn bị thấm mạnh, nước chảy thành dòng. Các hiện tượng này có nguy cơ gây mất an toàn hồ đập.
 
Trong khi đó, hồ chứa nước Tuyền Lâm (thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt) cũng đang xuất hiện các vệt thấm bất thường gây mất an toàn công trình hồ chứa. Hiện các vệt thấm này xuất hiện dọc theo chiều dài thân đập (240 m), nước thấm ra làm ẩm ướt mái hạ lưu. Theo Sở NN&PTNT, hồ này hiện đã được bố trí vốn sửa chữa (30 tỷ đồng), đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế để thi công trong thời gian sớm nhất.
 
Trước thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, cho biết để đảm bảo an toàn hồ đập, tính mạng và tài sản của người dân phía hạ lưu công trình, Sở NN&PTNT Lâm Đồng mới có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí để sửa chữa nâng cấp công trình bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời nâng cao năng lực quản lý vận hành công trình cho các tổ chức và cá nhân. 
 
Cụ thể, hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa đối với 49 hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp có nguy có cao mất an toàn, hiện nay chưa được bố trí kinh phí với tổng kinh phí đề xuất là 636,3 tỷ đồng. Về lâu dài, đơn vị cũng đề xuất cơ quan chức năng thực hiện Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025 với tổng kinh phí là 119,81 tỷ đồng.
 
Với việc các công trình thủy lợi, hồ, đập xuống cấp khi mưa bão đổ về đang làm người dân vùng hạ du không khỏi lo lắng. Bởi ngoài việc cung cấp nước phục vụ sản xuất, hồ, đập có vai trò điều tiết nước, giảm ngập úng trong mùa mưa bão. Do đó, việc đảm bảo an toàn các hồ, đập, nâng cấp, sửa chữa trên địa bàn tỉnh thời gian tới góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn.
 
C.PHONG