Việc tự ý san gạt, cải tạo mặt bằng, làm thay đổi địa hình và tận thu, vận chuyển đất ra khỏi khu vực san gạt là vi phạm pháp luật…
Việc tự ý san gạt, cải tạo mặt bằng, làm thay đổi địa hình và tận thu, vận chuyển đất ra khỏi khu vực san gạt là vi phạm pháp luật…
San gạt đất, làm thay đổi địa hình là vi phạm pháp luật |
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhu cầu cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp của người dân ngày một cao, chưa kể việc một số cá nhân, doanh nghiệp lén lút phân lô, tách thửa, mở đường nội bộ trên đất nông nghiệp, kể cả đất lâm nghiệp đã, đang có nhiều diễn biến phức tạp. Trong đó, một số địa phương, như TP Bảo Lộc và các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương, tình trạng san gạt, “tận thu” đất san lấp (chủ yếu là đất nông nghiệp và cả đất lâm nghiệp) đã làm biến dạng địa hình, ô nhiễm môi trường và nguy cơ dẫn đến sạt, trượt đất vào mùa mưa lũ rất cao.
Việc tự ý san gạt, san lấp, phân lô, tách thửa, bán nền đất nông nghiệp đã bị cơ quan chức năng nghiêm cấm là điều không cần phải bàn cãi, nhưng nhu cầu về san gạt, cải tạo mặt bằng sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao của người dân là có thật, trong khi các quy định pháp luật lại không cho phép. Là một tỉnh miền núi, Lâm Đồng có địa hình đồi, dốc, khi xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp phải san gạt cải tạo mặt bằng, quá trình thực hiện phát sinh đất dôi dư và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát), cần vận chuyển ra khỏi khu vực san gạt. Nhưng quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản thì các trường hợp nêu trên không được vận chuyển, mua bán mà chỉ được đăng ký, sử dụng cho nội bộ công trình.
Thực tế, có trường hợp vận chuyển đất dôi dư, khoáng sản thông thường ra khỏi khu vực san gạt để lấy mặt bằng, không mua bán hoặc có trường hợp bán cho tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu và cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với khối lượng vận chuyển, tiêu thụ. Nhưng theo quy định pháp luật thì không được phép, gây khó khăn cho người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Từ những vướng mắc trên, người dân Lâm Đồng đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản quy định chi tiết cho phép được thu hồi, vận chuyển khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quá trình cải tạo đất, san gạt, cải tạo mặt bằng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, các công trình phụ trợ để sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhà ở và thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.
Trả lời người dân Lâm Đồng, tại Văn bản số 899/BTNMT-PC về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, ngày 1/3/2021, Bộ TN&MT, cho rằng: Phản ánh trên của người dân là thực tiễn phát sinh trong triển khai thi hành Luật Khoáng sản. Đồng thời cho biết, hiện nay Bộ TN&MT đang thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao tổng kết 9 năm thi hành Luật Khoáng sản và đề xuất sửa đổi, bổ sung. Bộ TN&MT ghi nhận ý kiến nêu trên của người dân Lâm Đồng và sẽ tổng hợp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản trong thời gian tới.
Không chỉ có người dân Lâm Đồng, một số địa phương cũng kiến nghị với Bộ TN&MT đối với các tỉnh miền núi, địa hình đồi, dốc khi sản xuất nông nghiệp, làm nhà kính, nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng rau, hoa, cây nông nghiệp ngắn ngày…), phải san gạt, cải tạo (tạo tầng, tạo băng) nhằm tạo mặt bằng phù hợp, hoặc cần đổ đất tại các thung lũng để tạo mặt bằng, không làm suy giảm chất lượng đất, không gây ô nhiễm đất mà làm tăng khả năng, hiệu quả sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Vì vậy, không thể xem hành vi trên là hủy hoại đất. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn, quy định thực hiện, gây bức xúc trong Nhân dân và khó khăn trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
Về vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, tại khoản 3 Điều 3 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã quy định hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, hoặc làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất, giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Trở lại vụ việc san gạt, “tận thu” đất san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh, tại văn bản trả lời, hướng dẫn cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng xử lý vi phạm về đất đai, khoáng sản, trước đó Thanh tra Bộ TN&MT cho biết hành vi san gạt, cải tạo mặt bằng làm thay đổi độ dốc và địa hình là hành vi hủy hoại đất. Khi người sử dụng đất thực hiện hành vi này thì thực hiện thu hồi đất theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013. Còn hành vi khai thác đất trái phép để san lấp mặt bằng và việc vận chuyển đất ra khỏi khu vực san gạt là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 41, Điều 44 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Như vậy, trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các điều của Luật Khoáng sản, người dân tự ý san gạt, cải tạo mặt bằng làm biến dạng địa hình và “tận thu” đất để san lấp mặt bằng mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, trên địa bàn TP Đà Lạt, tình trạng thi công xây dựng công trình, san gạt đất phục vụ mục đích phân lô, bán nền trái quy định có nhiều diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực trật tự xây dựng (TTXD), quản lý đất đai (QLĐĐ) trên địa bàn, UBND TP Đà Lạt đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các phường, xã trên địa bàn tập trung quán triệt, xử lý nghiêm các loại phương tiện tham gia thi công các công trình vi phạm TTXD, QLĐĐ theo quy định. |
THỤY TRANG