GAP (Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, sạch và có chất lượng cao theo một tiêu chuẩn thống nhất chung trên toàn cầu...
GAP (Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, sạch và có chất lượng cao theo một tiêu chuẩn thống nhất chung trên toàn cầu. Trên cơ sở đó, nước ta đã có VietGAP cho trồng trọt (cây ăn trái và rau), chăn nuôi, thủy sản với những tiêu chuẩn và thủ tục quy định dựa trên luật pháp Việt Nam (Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước...). VietGAP bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP |
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là Trung tâm) là một trong 15 tổ chức đủ điều kiện hoạt động chứng nhận VietGAP trong trồng trọt trên toàn quốc. Trong 10 năm qua, Trung tâm đã tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức về VietGAP cho người sản xuất, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, chứng nhận VietGAP theo đúng quy trình, tiêu chuẩn khắt khe góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Ông Lê Thành Trung - Giám đốc Trung tâm nhận định: VietGAP là bằng chứng để khẳng định tên tuổi của các sản phẩm nông sản, giúp nông sản của tỉnh vượt qua được các rào cản kỹ thuật, không vi phạm các quy định, yêu cầu của các nước nhập khẩu, từ đó đưa nông sản Lâm Đồng vươn ra thế giới. Việc áp dụng VietGAP sẽ làm thay đổi tập quán sản xuất hiện nay, người dân được sử dụng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. VietGAP cũng giúp nhà sản xuất kiểm soát sản xuất trong từng khâu như làm đất, chăm sóc, bón phân, thu hoạch tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định. Những cơ sở sản xuất áp dụng quy trình và được cấp chứng chỉ VietGAP sẽ mang lại lòng tin cho nhà phân phối, người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Chứng chỉ VietGAP giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Người tiêu dùng sẽ được sử dụng nông sản có chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đó cũng là mục tiêu chính và lợi ích lớn nhất mà VietGAP mang lại.
Chính vì những lợi ích đó, năm 2020, UBND thành phố Đà Lạt phê duyệt “Kế hoạch hỗ trợ áp dụng quy trình, chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn thành phố”. Trung tâm đã tiến hành tập huấn về VietGAP cho 21 tổ chức, với 254 lượt nông dân trên địa bàn thành phố để bà con nông dân nắm bắt và sản xuất các sản phẩm trồng trọt theo yêu cầu của quy trình sản xuất. Trung tâm đã tiến hành lấy mẫu đất, nước và sản phẩm, đồng thời đánh giá quá trình sản xuất và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 21 hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác, với quy mô 166 hộ liên kết và 81 ha các sản phẩm rau, củ, quả các loại, dâu tây, atiso, cà phê; các loại trái cây gồm: hồng, bơ, quýt... Trong 5 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã tiến hành chứng nhận VietGAP cho 7 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn thành phố với diện tích canh tác trên 20 ha. Có thể kể, HTX Tân Tiến (tổ dân phố Hòn Bồ, Phường 12), Công ty Nông sản Lâm Nguyên (Phường 7), Công ty Đồng Xanh Farm (Phường 7), Công ty Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên (Phường 7), Công ty Lâm Viên Farm (Phường 11), Công ty Xuân Thái Thịnh (Phường 5), HTX Nông nghiệp Vườn sinh thái Đà Lạt (Phường 9).
Tương tự, UBND tỉnh cũng ban hành quy định về nội dung, danh mục và mức hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP trên địa bàn Lâm Đồng. Theo đó, Trung tâm đã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn nhận thức về VietGAP cho 5 HTX, cá nhân tại Di Linh, Đức Trọng với 56 lượt người tham gia. Sau đó đã tiến hành lấy mẫu đất, nước và sản phẩm, đồng thời đánh giá quá trình sản xuất và cấp giấy chứng nhận VietGAP 5 cơ sở có quy mô 30 hộ với 43,7 ha cho các sản phẩm: cà phê, bơ, sầu riêng, bưởi da xanh và chanh dây.
Mặc dù việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hướng tới sản xuất hàng hóa, tập trung; chi phí áp dụng các mô hình tương đối cao; trình độ của nông dân còn hạn chế, cùng với việc ngại thay đổi tập quán canh tác cho nên việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế; chuỗi sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian dẫn đến khó quản lý về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, chi phí cho các khâu trung gian nhiều dẫn tới giá thành sản phẩm cao khi đến tay người tiêu dùng, do vậy sản phẩm VietGAP khó cạnh tranh.
Ông Lê Thành Trung cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất theo các mô hình tiên tiến; tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương phục vụ việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, các huyện, thành cũng cần đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất an toàn và cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, sơ chế, nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất; xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm có chứng nhận, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong đó lấy doanh nghiệp là hạt nhân. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm có chứng nhận; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình áp dụng, chứng nhận và lưu thông phân phối sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
QUỲNH UYỂN