Nhằm nâng cao giá trị tài nguyên rừng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động trồng rừng, đưa khoa học công nghệ vào trồng, chăm sóc rừng, tỉa thưa rừng trồng, khai thác rừng trồng gắn với chế biến...
Nhằm nâng cao giá trị tài nguyên rừng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động trồng rừng, đưa khoa học công nghệ vào trồng, chăm sóc rừng, tỉa thưa rừng trồng, khai thác rừng trồng gắn với chế biến tại các nhà máy trong tỉnh để tăng năng suất, giá trị, chất lượng lâm sản, phát triển rừng ổn định, từ đó nâng cao giá trị kinh tế rừng. Các công ty lâm nghiệp đã được sắp xếp và đổi mới mô hình hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng và phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Các hoạt động trồng rừng, phát triển rừng bền vững được thực hiện tốt, công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến rõ nét. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh trồng được trên 47.000 ha rừng trồng tập trung các loại; 4,5 triệu cây phân tán, qua đó góp phần giữ vững và tăng dần độ che phủ rừng. Giá trị môi trường rừng được khai thác có hiệu quả, tạo nguồn lực to lớn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hiện tỉnh có 450.997 ha rừng được khoán quản lý bảo vệ rừng, chiếm tỷ lệ 83,7% diện tích rừng hiện có, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 10.000 hộ gia đình sống gần rừng, trong đó có khoảng 12.000 hộ đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, tỉnh có 63.343 ha rừng sản xuất được xác nhận quản lý rừng bền vững.
NGUYỄN NGHĨA