Cát Tiên: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

04:08, 17/08/2021

Những năm gần đây, chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân đã được các cấp ủy, chính quyền huyện Cát Tiên quan tâm, chỉ đạo...

Những năm gần đây, chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân đã được các cấp ủy, chính quyền huyện Cát Tiên quan tâm, chỉ đạo. Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung được đầu tư quy mô lớn theo chuỗi liên kết, tạo ra các sản phẩm an toàn, cung ứng ra thị trường.
 
Mặc dù trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Cát Tiên vẫn được các doanh nghiệp thực hiện thuận lợi
Mặc dù trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Cát Tiên vẫn được các doanh nghiệp thực hiện thuận lợi
 
Ông Trần Quang Trừng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cho biết: Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, HĐND và quyết định, kế hoạch của UBND huyện Cát Tiên về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên đã tập trung tham mưu UBND huyện và trực tiếp triển khai thực hiện chương trình trọng tâm về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa. Trong đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cải tạo vườn hộ, vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, nhằm giảm diện tích thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha và tăng diện tích thu nhập trên 100 triệu đồng/ha; mở rộng sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc và đổi mới tổ chức sản xuất, mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Kịp thời định hướng, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản cho người dân trong tình hình dịch bệnh COVID-19. 
 
Đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện Cát Tiên ước đạt 19.446,6 ha/19.426 ha, đạt 100,1% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực toàn huyện ước đạt 61.362,8 tấn/60.500 tấn kế hoạch, đạt 101,4%. Hiện, sản lượng lúa giống liên kết, tiêu thụ trên địa bàn huyện với các công ty là 3.700 tấn; có 82 tấn lúa giống được đóng bao bì mang nhãn hiệu Lúa gạo Cát Tiên (giá trị gia tăng trên 20%); có 3 sản phẩm nông sản đã được thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc gồm gạo Hạt Ngọc Cát Tiên, hạt điều rang muối Lê Gia; gạo Hữu cơ Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hưng Phát; có 1.550 tấn gạo được đóng bao bì mang nhãn hiệu Lúa gạo Cát Tiên (giá trị gia tăng 20-25%). Đồng thời, Phòng Nông nghiệp huyện đang nghiên cứu, khảo nghiệm một giống lúa làm cơ sở đánh giá, chọn lọc giống lúa đặc trưng. 
 
Song song với đẩy mạnh trồng cây lương thực, trong những năm qua, huyện Cát Tiên cũng đang phát triển, mở rộng sản xuất diện tích rau chuyên canh tại các xã ven sông Đồng Nai với diện tích 535 ha; duy trì và nhân rộng 10 mô hình trồng rau trong nhà lưới; tiếp tục liên kết với các công ty phát triển vùng nguyên liệu sản xuất hạt giống rau tại xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, thị trấn Phước Cát và thị trấn Cát Tiên với diện tích 30 ha.
 
Bên cạnh đó, với lợi thế của điều kiện khí hậu và nguồn đất đai màu mỡ, huyện Cát Tiên đã tập trung phát triển nhiều loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao với diện tích 8.248,7 ha. Trong đó, diện tích cây hồ tiêu là 38,2 ha; cà phê 578,3 ha; cây dâu tằm 292,9 ha; cây điều 6.194,7 ha; cây ăn quả 961,3 ha; cây ca cao 18 ha và cây cao su 165,3 ha. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp huyện đang tham mưu cho UBND huyện xây dựng và triển khai kế hoạch cải tạo, chuyển đổi vườn hộ, vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, phát triển cây dâu tằm và chuyển đổi, tái canh cây điều năm 2021, nhằm giảm diện tích canh tác có thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha. 
 
Theo đó, trong năm 2021, toàn huyện đã chuyển đổi, cải tạo 300 ha vườn điều, vườn tạp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, cà phê, ca cao,...; tái canh cây điều ghép cao sản với diện tích 350 ha và xây dựng 43 vườn mẫu; phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm thêm 7,7 ha, sản lượng kén tằm đạt trên 350 tấn. Hoàn thành việc quy hoạch vùng chuyên canh và kỹ thuật canh tác cây măng cụt để làm cơ sở xúc tiến các bước tiếp theo trong việc xây dựng nhãn hiệu Măng cụt Cát Tiên.
 
Mặt khác, tận dụng lợi thế của địa hình có nhiều đồi bãi và nguồn thức ăn dồi dào, Cát Tiên đã đẩy mạnh phong trào chăn nuôi trâu, bò, lợn và các loại gia cầm, nuôi cá nước ngọt theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện toàn huyện có tổng đàn trâu, bò 9.771 con, đàn lợn 23.765 con, gia cầm 139.427 con. 
 
Theo ông Trần Quang Trừng, để tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng toàn diện và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cát Tiên khóa VIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong thời gian đến, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương như: lúa gạo, cây ăn trái, chăn nuôi…
 
Tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; gắn sản xuất với khai thác, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái; tiếp tục xây dựng quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm OCOP. 
 
HOÀNG SA