CN, 27/04/2025, 00:34

Đưa nông sản lên mạng Internet

04:08, 23/08/2021

Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng con người mà hiện tại, với nông dân Lâm Đồng, đại dịch còn gây đứt gãy chuỗi phân phối hàng hóa nông sản truyền thống...

Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng con người mà hiện tại, với nông dân Lâm Đồng, đại dịch còn gây đứt gãy chuỗi phân phối hàng hóa nông sản truyền thống. Và tình trạng rau ế trên ruộng, người tiêu dùng không tiếp cận được càng đặt áp lực lên vai người quản lý cũng như nông hộ, đó là thúc đẩy nông dân tham gia vào các phương thức phân phối hiện đại hơn. Trong số đó có không gian mạng. 
 
Hồng sấy gió Đà Lạt được phân phối rộng rãi trên sàn thương mại điện tử
Hồng sấy gió Đà Lạt được phân phối rộng rãi trên sàn thương mại điện tử
 
Cung ứng hàng hóa trên không gian mạng không phải chuyện xa lạ với người buôn bán. Từ bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook cho tới tham gia các ứng dụng mua sắm trực tuyến, sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Tiki... Lâm Đồng có không ít nhà cung cấp hàng hóa, đặc biệt các nhà cung cấp những loại đặc sản địa phương như hồng sấy, dâu tây, bơ... Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, hầu hết các doanh nghiệp Lâm Đồng, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản đều có kinh doanh, cung ứng hàng hóa trên Internet. Tuy nhiên, hầu hết nông dân Lâm Đồng vẫn chỉ quen với cung ứng hàng hóa kiểu cũ, bán cho thương lái, chuyển xuống các vựa rau tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, chưa chú ý tới việc quảng bá, bán hàng trên không gian mạng.
 
Cùng với việc mở rộng cung cấp dịch vụ viễn thông, các nhà mạng giảm giá cước và việc sử dụng smartphone rộng rãi, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân bắt đầu làm quen với việc đưa hàng hóa lên Internet, kết nối trực tiếp người sản xuất, người tiêu dùng. Như Công ty Dalavi, một doanh nghiệp chuyên chế biến, cung ứng hàng đặc sản Đà Lạt như hồng sấy, chuối sấy, chanh dây sấy..., doanh thu chủ yếu từ bán hàng trên website công ty, facebook và các sàn thương mại điện tử. Hay ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Lộc, Xuân Thọ mở kênh phân phối sản phẩm rau, củ tươi và hoa trên facebook cá nhân. Nếu trước đại dịch, mua - bán trên không gian mạng được coi như một kênh phân phối phụ bên cạnh kênh phân phối truyền thống thì giữa đại dịch, bán hàng qua mạng trở thành hoạt động phân phối chính của nhiều doanh nghiệp và nông hộ.
 
Nhìn nhận được vấn đề, Lâm Đồng đang tích cực hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, các HTX tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại: trên Internet. Ngành nông nghiệp xác định, tiêu thụ nông sản trong giai đoạn sắp tới không chỉ dựa vào kênh phân phối truyền thống. Nông dân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các HTX, tổ hợp tác cần biết giới thiệu, cung ứng hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng điện tử trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến. Lâm Đồng đã làm việc với các nhà mạng, các công ty để liên kết, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiếp cận với thương mại điện tử. Hiện các ứng dụng mua sắm trực tuyến như Sendo của FPT, Voso của Viettel Post, Postmart của VnPost, Tiki-BigC/GO, Shopee và Lazada đã bắt đầu liên kết với nông dân và doanh nghiệp Lâm Đồng để tổ chức hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm được chứng nhận OCOP cho bà con nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Mục tiêu của ngành là thay đổi thói quen của người tiêu dùng cũng như người nông dân, thay đổi phương thức truyền thống mua - bán thanh toán trực tiếp sang phương thức mua- bán trực tuyến thông qua chợ thương mại điện tử; đồng thời hình thành, phát triển mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận, thanh toán một số sản phẩm nông sản chủ lực theo phương thức thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, sau đó nhân rộng toàn bộ các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng.
 
Để hỗ trợ nông dân tiếp cận phương thức mua bán trên không gian mạng, các tổ chức hỗ trợ nông dân cũng đang tích cực phối hợp. Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, Hội đã mở rất nhiều lớp Nông dân với Internet, qua tài trợ của Google hướng dẫn nông dân cách sử dụng Internet hiệu quả, trong đó bắt đầu hướng dẫn nông dân quảng bá sản phẩm và sắp tới là bán hàng trên mạng. Thay đổi cung cách làm ăn không phải một sớm một chiều, tuy nhiên đại dịch đã thúc đẩy người nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX phải sớm tiếp cận phương thức cung ứng hàng hóa hiện đại, phù hợp với sự phát triển của xã hội. 
 
Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử
 
Với mục tiêu đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm của địa phương thông qua các sàn thương mại điện tử, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đã giới thiệu Sàn thương mại điện tử Postmart.vn do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng đến Hiệp hội doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Các sản phẩm nông nghiệp sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, giao dịch mua bán trên Postmart.vn. Việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 đang phức tạp như hiện nay là rất quan trọng. 
 
Tổ chức, cá nhân muốn đưa hàng hóa lên Postmart.vn truy cập tại trang chủ: https://postmart.vn, vào kênh bán hàng và làm theo các bước hướng dẫn.
NGUYỄN NGHĨA
 
DIỆP QUỲNH